Khi chủng virus corora mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch Covid-19 đang lây lan mạnh khắp thế giới, đã có rất nhiều tin giả lan truyền những phương pháp phi khoa học để ngăn ngừa và điều trị loại virus này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mọi người nên hết sức cảnh giác với các thông tin này. Và để giúp bác bỏ các tin đồn thất thiệt ấy, WHO đã tiếp tục tổng hợp bộ infographic của mình. Dưới đây là những tin giả được lan truyền về virus corona đã bị WHO lật tẩy:
1. Đèn khử trùng bằng tia cực tím (UV) có diệt được virus corona hay không?
Mặc dù tia cực tím đúng là có khả năng diệt virus corona mới. Tuy nhiên, bạn không nên chiếu thẳng tia cực tím lên da mình, vì nó có thể gây kích ứng da, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.
Đèn khử trùng tia cực tím chỉ có thể được sử dụng để khử trùng các bề mặt vô tri.
Lưu ý, khi bạn khử trùng đồ vật của mình bằng tia cực tím, tránh tiếp xúc mắt hoặc da với nó.
2. Có loại thuốc đặc biệt nào có thể phòng hoặc điều trị virus corona mới hay không?
Cho đến nay, không có một loại thuốc cụ thể nào được đề nghị để ngăn ngừa hoặc điều trị virus corona mới.
Những người bị nhiễm virus nên được chăm sóc thích hợp để làm giảm và điều trị các triệu chứng. Những người bị bệnh nặng nên được chăm sóc hỗ trợ tối ưu.
Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. WHO đang giúp một loạt đối tác thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu và phát triển thuốc mới này.
3. Thời tiết lạnh và tuyết tiêu diệt được virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19?
Không có cơ sở nào để khẳng định thời tiết lạnh có thể làm chết virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (trước đây còn được gọi là 2019-nCoV) cũng như các loại virus khác. Nhiệt độ cơ thể con người bình thường dao động trong khoảng 36,5-37 độ C bất chấp nhiệt độ và thời tiết bên ngoài. Cách tốt nhất để diệt virus bên ngoài cơ thể là thường xuyên rửa tay bằng nước rửa tay khô có cồn hoặc bằng xà phòng và nước.
4. Xịt chlorine hoặc alcohol trên da để diệt virus
Sai. Các hóa chất này không diệt virus trong cơ thể chúng ta. Cholorine hoặc alcohol thường được dùng để diệt khuẩn trên bề mặt của các vật gia dụng. Áp dụng cholorine hoặc alcohol trên da có thể gây tác hại, đặc biệt khi các hóa chất này xâm nhập vào mắt hay miệng.
5. Rửa mũi bằng nước muối sẽ diệt SARS-CoV-2
Chưa có bằng chứng khoa học nào để nói vậy. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy rửa mũi bằng nước muối (saline) có thể giảm các triệu chứng nhiễm virus ở phần trên đường hô hấp, nhưng nó không giảm nguy cơ nhiễm.
6. Súc miệng bằng nước muối là biện pháp phòng chống nhiễm SARS-CoV-2
Đây là cách mà một bác sĩ Trung Quốc quảng bá rầm rộ, nhưng các đồng nghiệp ông chỉ ra là sai, là phi khoa học. Súc miệng bằng nước muối, theo NHS, chỉ áp dụng cho người bị đau cổ họng và chỉ giảm triệu chứng, chứ không phải là biện pháp phòng ngừa. Tổ chức Y tế Thế giới cũng nói rằng không có chứng cứ khoa học nào để nói rằng súc miệng bằng nước muối có thể ngăn ngừa nhiễm SARS-Cov-2.
7. Thuốc trụ sinh diệt coronavirus
Không đúng. Thuốc trụ sinh (antibiotics) diệt vi trùng (bacteria), chứ không diệt virus.
8. Vaccines cho cúm mùa có thể phòng chống COVID-19
Không đúng. SARS-CoV-2 là virus khác với virus gây cúm mùa. Cho đến nay, khoa học chưa có vaccine đặc trị cho SARS-Cov-2.
9. Tỏi có thể phòng chống SARS-CoV-2
Vài nghiên cứu khoa học cho thấy tỏi có đặc tính kháng sinh. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy tỏi có thể phòng chống SARS-Cov-2.
10. Máy sấy tóc diệt SARS-CoV-2
Không đúng. Máy sấy tóc không thể diệt SARS-Cov-2. Biện pháp phòng chống tốt nhất là rửa tay.
11. Khẩu trang có thể phòng chống nhiễm SARS-CoV-2
Khẩu trang chỉ được khuyến khích cho nhân viên y tế và người bị nhiễm, không khuyến cáo cho đại chúng. Những loại khẩu trang dùng một lần thì chẳng có hiệu quả bảo vệ chống nhiễm SARS-Cov-2
Bằng chứng khoa học cho thấy người khỏe mạnh bình thường đeo khẩu trang không giúp họ giảm nguy cơ nhiễm SARS-Cov-2. Đeo khẩu trang nhiều khi làm cho người đeo cảm thấy tự tin và bỏ qua những biện pháp phòng ngừa quan trọng khác như rửa tay thường xuyên.
12. Chỉ có người lớn và thanh niên có nguy cơ nhiễm
Không đúng. SASRS-Cov-2 có thể lây nhiễm cho bất cứ ai thuộc bất cứ độ tuổi nào, kể cả trẻ em. Những người bị tiểu đường hay hen suyễn khi bị nhiễm có nguy cơ tử vong tăng cao.
13. Ai đứng gần hay tiếp xúc người bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ bị nhiễm
Không đúng. Xác suất bị lây nhiễm còn tuỳ thuộc vào khả năng miễn dịch của cá nhân. Người có hệ miễn dịch tốt có xác suất bị nhiễm thấp hơn những người mà hệ miễn dịch bị suy yếu do các bệnh đi kèm như tiểu đường, bệnh hen suyễn v.v.
14. Ai bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ chết
Hoàn toàn sai. Nguy cơ tử vong liên quan đến SARS-Cov-2 chỉ tăng cao ở một số nhóm bệnh nhân. Đa số (97%-99%) người bị nhiễm sống, và đa số (81%) bệnh nhân nhiễm là thuộc nhóm "nhẹ".
15. Chó và mèo có thể lây nhiễm SARS-CoV-2
Hiện tại chưa có bằng chứng về sự lây nhiễm từ các vật nuôi như chó hay mèo. Tuy nhiên sau khi tiếp xúc với những động vật này, bạn nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước, vì điều đó giúp bạn tránh được các loại virus khác như E.coli và Salmonella là loại lây được giữa người và thú cưng.
16. COVID-19 cũng giống như cảm cúm mùa
Không đúng. Người bị nhiễm SARS-Cov-2 dù có triệu chứng giống như cảm cúm (đau nhức, sốt, ho), nhưng dịch COVID-19 thì nghiêm trọng hơn cảm cúm mùa. Tỷ lệ tử vong liên quan đến SARS-Cov0-2 dao động từ 1 đến 3%, nhưng nguy cơ tử vong cúm mùa chỉ 0,1 đến 0,3%.
17. Nhiệt kế scanners có thể chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2
Không đúng. Nhiệt kế chỉ phát hiện sốt. Tuy nhiên, sốt cũng có thể do cúm mùa. Ngoài ra, triệu chứng nhiễm SARS-Cov-2 có thể xuất hiện sau 2-10 ngày. Do đó, người có nhiệt độ bình thường vẫn có thể mang trong người virus.
18. Có thể nhiễm SARS-CoV-2 từ phân và nước tiểu
Rất có thể sai. Theo Giáo sư John Edmunds (London School of Hygiene & Tropical Medicine, Anh) thì mỗi khi nuốt, chúng ta nuốt cả đờm từ mũi và cổ họng, và đây là cơ chế phòng vệ khá tốt. Lý do là khi nuốt đờm, các con virus và bacteria sẽ đi theo xuống ruột, nơi chúng sẽ bị phân huỷ hay vô hiệu hoá bằng acid của bao tử. Với phương tiện hiện đại, giới khoa học có thể tìm virus trong phân, nhưng những con này không còn khả năng lây nhiễm nữa vì chúng đã bị làm tê liệt khi còn ở trong bao tử.
19. SARS-CoV-2 sẽ chết vào mùa xuân
Một số virus cúm mùa thường lây lan vào mùa đông hay ở những nơi có nhiệt độ ôn đới. Nhưng hiện nay thì giới khoa học vẫn không biết SARS-Cov-2 có thể sống trong điều kiện nhiệt độ cao hay không.
20. Coronavirus là vi khuẩn độc hại nhất mà con người biết đến
Không đúng. Mặc dầu COVID-19 có vẻ nghiêm trọng hơn cúm mùa, dịch này không "chết người" như Ebola, SARS hay MERS. Tỷ lệ tử vong liên quan đến SARS-Cov-2 có thể dao động trong khoảng 1% đến 3%.
21. SARS-CoV-2 xuất phát từ một labo quân sự bên Trung Quốc
Đây chỉ là huyền thoại. Một tin đồn hoàn toàn vô chứng cớ.
Tại sao người Việt lo lắng hơn dân một số nước khác?
Trong một điều tra xã hội về tác động của dịch COVID-19 do nhóm Ipsos (ipsos.com), kết quả cho thấy người Việt (ở Việt Nam) có những phản ứng như:
- 78% người được hỏi cảm nhận rằng dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tình trạng tài chính cá nhân, và tỷ lệ này cao nhất so với các nước như Úc, Canada, Pháp, Ý, Nhật, Nga, Anh, Mỹ (dao động từ 22% đến 56%);
- 63% cảm nhận rằng nước mình (Việt Nam) bị đe doạ, tỷ lệ này tương đương với Nhật (65%) nhưng cao hơn Úc (35%), Mỹ (37%), Pháp (49%), Ý (34%), v.v.
- 61% cảm nhận rằng mối đe doạ cá nhân tăng cao, tỷ lệ này rất cao so với Úc (16%), Canada (8%), Nhật (26%), Mỹ (18%).
Đông Hà (St)