Banner chính
Thứ Sáu, 04/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Nuôi cá lăng đạt hiệu quả kinh tế

Thứ Hai, 06/09/2021
Tùy theo nhu cầu và khả năng kinh tế của môi hộ chăn nuôi mà lựa chọn hình thức nuôi ở đâu cho phù hợp. Khi nuôi cá lăng trong lồng bè thì cần thiết kế diện tích tối thiểu là 10 m2 và độ sâu 2m. Diện tích tối đa là 36m2, độ sâu phải đạt từ 3-5m. Trên lồng cần thiết kế mái che đảm bảo nhiệt độ ổn định cho cá sinh sống. Nên đặt lồng ở nơi có nước chảy vừa phải, không quá mạnh để cá không phải hoạt động nhiều. Phía dưới lồng đổ một lớp đất sét dày 10-15cm để phù hợp với tập tín chui rúc của loài cá này.

Trong điều kiện nuôi cá lăng trong ao, bà con nên chuẩn bị ao nuôi 1000 m2 trở lên, độ sâu từ 1,5-2m. Che phủ mặt nước bằng bèo hoặc lưới không quá 30% diện tích ao. Lớp bùn dày 10-15cm đủ để cá chui rúc. Nguồn nước phải đảm bảo đủ oxy hòa tan trên 3mg/l, độ Ph từ 6-8 (tốt nhất 6,5-7,5) để cá sống tốt nhất.

Giống cá lăng được lựa chọn ở trang trại uy tín, chất lượng cao để có được cá giống khỏe mạnh, kích thước đồng đều. Nên chọn cá giống khối lượng đạt 10-20g/con, không dị hình, dị tật.

Mật độ thả cá: Nuôi ao (ghép) từ 4-5 con/m2, trong đó cá lăng chiếm 20-30% tổng số cá thả, nuôi ao (đơn) từ 6-8 con/m2, nuôi lồng bè từ 6070 con/m3. Cá lăng có thể ăn các loại cá khác nên có thể nuôi kèm cá rô phi loại nhỏ để làm thức ăn cho chúng, mùa vụ thả giống khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4.

Các loại thức ăn cho cá lăng đa dạng như: Thức ăn công nghiệp mua ở cơ sở cung cấp cám công nghiệp cho thủy sản: Thức ăn tươi sống như tôm, tép, cá rô phi. Tôm, tép có thể thả trực tiếp cho cá lăng ăn, còn cá thì chế biến mổ bụng, bỏ ruột, chặt miếng vừa với cá. Thức ăn tươi sống có thể bổ sung tháng 1 lần để cá có đủ nguồn dinh dưỡng phát triển tốt hơn và tăng sức đề kháng. Thức ăn tự chế biến gồm cám, các loại đỗ được nghiền thành bột, trộn đều nên cho thêm nước để cho vào máy tạo viên (máy ép cám viên) sấy khô bảo quản để cá ăn dần. Phối trộn thức ăn nên đảm bảo đúng tỷ lệ. Nếu không có máy tạo viên thì nghiền và nắm lại thành từng nắm có khối lượng khoảng 200-300g để cho cá ăn.

Trong quá trình cho ăn cần bổ sung thêm các khoáng chất, nhất là vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá. Theo dõi cá ăn, nếu bỏ ăn, ăn kém thì cần vớt cá để lấy mẫu xét nghiệm và có hướng điều trị đúng phác đồ. Cá lăng có giá trị kinh tế cao nên cần có kỹ thuật chăm sóc tốt, hạn chế để cá bệnh chết sẽ thiệt hại lớn về vốn đầu tư. Cá lăng nuôi phải 1 đến 2 năm sau mới có thể tiến hành thu hoạch được vì chúng lớn chậm. Cỡ cá thương phẩm khi thu hoạch cớ 1,2kg-1,5kg/con. Tỷ lệ sống trên 90% nếu chăm sóc đúng kỹ thuật. Bà con nên tham khảo học hỏi kinh nghiệp ở cơ sở bán giống cá lăng chất lượng cao để áp dụng cho mô hình của mình.

Quỳnh Trang (Vusta.vn)

Các tin khác