Rau lang là phần thân và lá của cây khoai lang. Trước kia, trong quá trình thu hoạch, rau lang thường bị bỏ đi hoặc được người dân sử dụng làm thức ăn cho gia súc.
Tuy nhiên, rau lang lại chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên đã được người dân sử dụng làm rau ăn. Trong dân gian, rau lang được ví như “sâm Nam” của người Việt, tác dụng bổ dưỡng có thể sánh ngang nhân sâm. Tại Trung Quốc, rau lang được ví như phương thuốc để sống khỏe và trường thọ.
Rau lang có tên khoa học Iponoea batatas, thuộc họ khoai lang. Rau lang có tính nhuận tràng. Đặc biệt, ngọn rau lang tía đỏ có chứa một chất gần giống như insulin, có thể giúp hạ đường huyết.
Ăn rau lang còn giúp bổ sung muối khoáng và vitamin cho cơ thể. Rau lang cũng được sử dụng để phòng ngừa táo bón, đại tiện khó khăn và giúp điều trị nhiều bệnh lý khác.
Trong Y học cổ truyền rau lang có tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, thận âm, dùng để chủ trị tỳ hư, ăn kém, thận âm hư, điều hòa khí huyết.
Y học hiện đại cho rằng rau lang rất nhiều vitamin B6, C, riboflavin,... Trong 100g rau lang có chứa 22kcal năng lượng, 91.8g nước, 2.6g protein, 2.8g tinh bột, 11mg vitamin C, 900mg vitamin BB; các loại khoáng chất như: 48mg canxi, 54mg phốt pho, 2.7mg sắt...
Rau lang có tính mát, giúp thanh nhiệt cho cơ thể. Rau giàu chất xơ, có khả năng làm sạch máu và loại bỏ bớt độc tố ở trong cơ thể. Chất xơ trong rau lang còn là thuốc nhuận tràng tự nhiên có thể sẽ giúp ngăn ngừa táo bón, sạch đường tiêu hoá. Ngoài ra, rau lang còn có đặc tính giảm đường huyết.
Theo Đông y, rau lang được coi là vị thuốc tác dụng giải độc, thanh nhiệt, chữa chứng kén ăn. Không chỉ vậy, rau lang còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như:
- Chống ung thư: Trang Tri Thức trẻ dẫn nguồn Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho biết, nhờ axit caffeoylquinic, quercetin, anthocyanin, rau lang có khả năng chống lại quá trình oxy hóa. Nghiên cứu trong ống nghiệm cũng khẳng định chiết xuất từ lá khoai lang có tác dụng phòng các loại tế bào ung thư.
- Có lợi cho tim mạch: Rau lang cũng là “thần dược” cho tim mạch. Tại Indonesia, các nước châu Phi, rau lang được dùng trong các bài thuốc truyền thống để chữa bệnh tim.
- Cải thiện đường huyết: Rau lang là thực phẩm tuyệt vời cho những bệnh nhântiểu đường. Người bệnh có thể sử dụng ngọn rau lang để ăn như phương thuốc vì nó có chứa chất gần giống như insulin (hormone có vai trò quyết định trong điều trị bệnh tiểu đường).
- Giảm nguy cơ loãng xương: Vitamin K trong rau lang giúp cân bằng lại lượng canxi trong xương. Vì thế đây là thực phẩm có lợi cho những người đang gặp tình trạng xương không ổn định. Ngay cả những người không may gãy xương, nếu nạp vào cơ thể 1 lượng rau lang vừa đủ cũng dễ phục hồi hơn.
- Tránh táo bón: Cũng giống như củ khoai lang, rau lang tác dụng nhuận tràng, chống táo bón. Chất xơ trong rau lang mang đến sự kích thích đại tiện đồng thời giải độc ruột, gan, thận
1. Bài thuốc từ rau lang
- Chữa táo bón, đại tiện khó: Rau lang tươi luộc chín, ăn cả nước và cái.
- Phụ nữ sau sinh thiếu sữa: Rau lang tươi non 250g, thịt lợn 200g thái chỉ. Xào chín mềm 2 nguyên liệu và thêm gia vị vừa ăn.
- Chữa băng huyết: Dùng một nắm rau lang tươi giã nát, lấy nước cốt uống.
- Chữa quáng gà: Ăn lá rau lang non xào với gan gà hoặc gan lợn.
- Thanh nhiệt, giải độc: Trong những ngày trời nắng nóng hoặc cơ thể đang bị nhiệt (nóng), mọi người có thể dùng rau lang trong bữa ăn để thanh nhiệt và làm mát cơ thể.
2. Lưu ý khi dùng rau khoai lang
Rau lang rất tốt và bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, người dân vẫn cần ghi nhớ một số lưu ý khi sử dụng. Cụ thể, người bị thấp trệ (thận dương hư do tà khí hàn thấp từ phủ tạng sinh ra, hoặc do cảm nhiễm từ bên ngoài, làm tổn thương cả ba tạng: phế, tỳ, thận), người bị tiêu chảy, viêm dạ dày, đường huyết thấp không nên ăn rau lang.
Tuyệt đối không nên ăn rau lang lúc đói bụng, vì trong rau lang có chứa các thành phần nếu ăn vào khi đói có thể gây giảm đường huyết, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Rau lang chứa nhiều chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa, nhưng không nên ăn rau lang sống dễ gây ra táo bón, nên luộc hoặc xào chín trước khi ăn.
Hàm lượng canxi có trong rau lang là tương đối lớn, nếu ăn nhiều, thường xuyên sẽ gây ra tình trạng thừa canxi, dễ dẫn đến sỏi thận. Vì vậy, khi ăn rau lang nên kết hợp với các thực phẩm khác để cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều hơn.
Thu Hoài