Banner chính
Thứ Sáu, 04/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Áp dụng khoa học kỹ thuật tăng hiệu quả của quy trình sản xuất nấm sò

Thứ Hai, 19/12/2016
Trong thời gian qua, nghề trồng nấm Sò khá phát triển tại Ninh Bình. Với sự quan tâm và hỗ trợ từ các cấp, các ngành, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào quy trình sản xuất nắm Sò. Nhờ vậy, năng suất và chất lượng nấm đã tăng lên rõ rệt, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Điều này cũng đã khẳng định rằng, nghề trồng nấm hứa hẹn mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho người nông dân.

Ông Phạm Quốc Hương, Doanh nghiệp Tư nhân Nấm Hương Nam, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh đang kiểm tra sự sinh trưởng của Nấm trong phòng cấy

Nhờ việc được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, cũng như hỗ trợ về nguồn giống và đào tạo nhân lực, nghề trồng nấm Sò khá phát triển ở địa phương ta, nhiều gia đình đã mạnh dạn áp dụng vào quy trình trình sản xuất, nhờ vậy năng suất và chất lượng của cây nấm sò đã được tăng lên đáng kể. Sản phẩm nấm sò có chất lượng đảm bảo, mẫu mã lại khá bắt mắt, được nhiều thị trường lớn trên cả nước ưa chuộng. Để thực hiện được điều này, việc đưa các trang thiết bị máy móc hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đóng một vai trò lớn, quyết định đến thành công của sản phẩm. Việc sản xuất nấm sò hiện nay đã được thực hiện theo quy trình cụ thể, từng công đoạn đều được tính toán kỹ lưỡng, được kế thừa kết quả của những công trình nghiên cứu khoa học, do đó, sản phẩm sản xuất ra vừa có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngon cũng như có tính đồng đều và chất lượng ổn định. Quy trình sản xuất nấm Sò được chia làm 4 công đoạn chính. Trong đó, công đoạn đầu tiên, mang tính quyết định đến chất lượng của sản phẩm, đó là xử lý và đóng gói nguyên liệu trồng nấm. Nguyên liệu này được phối trộn theo một tỷ lệ thích hợp bao gồm mùn cưa, vỏ chấu và một số hợp chất hỗ trợ. Sau khi đã được trộn đều, nguyên liệu sẽ được ủ trong một thời gian nhất định và được mang đi đóng gói trong những túi nilon cỡ nhỏ. Đối với công đoạn này, việc tính toán tỷ lệ pha trộn và trọng lượng của từng túi nguyên liệu là vô cùng quan trọng.

Sau khi đã xử lý nguyên liệu, bước thứ 2 trong quy trình sản xuất nấm sò đó là công đoạn khử trùng. Đối với công đoạn này, theo mô hình sản xuất nấm tiêu chuẩn, các chủ sản xuất nấm hiện nay đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng các lò sấy, lò khử trùng. Nguyên liệu được đưa vào lò khử trùng, sử dụng nguyên liệu đốt tận dụng từ các vật liệu phế thải như gỗ vụn, củi khô. Sau khi đã được khử trùng ở nhiệt độ cao và thời gian thích hợp, các vi khuẩn có hại trong nguyên liệu đã được tiêu diệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nấm phát triển. Tiếp theo, các bịch nguyên liệu đã được khử trùng sẽ được đưa tới phòng cấy giống. Tại đây, không khí phải luôn được duy trì ở mức phù hợp, các vận dụng dùng để cấy giống cũng cần phải được khử trùng bằng cồn trước khi được mang vào phòng, tránh cho những túi nguyên liệu bị quá nhiều vi khuẩn có hại tái xâm nhập sau khi khử trùng. Yếu tố quan trọng của công đoạn này, đó là việc phải duy trì nhiệt độ phù hợp, bởi khi mới được đưa vào môi trường mới, các mô nấm còn rất yếu, không đủ sức chống lại các vi khuẩn gây hại, vì vậy, cần tại điều kiện không khí thuận lợi nhất, không những hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hại, thêm vào đó, nhiệt độ còn phải phù hợp với sự sinh trưởng của nấm Sò.

Ông Phạm Văn Mỹ, Xóm 6, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh kiểm tra sự sinh trưởng của Nấm

Sau thời gian lưu trữ tại phòng cấy giống, khi các tế bào nấm đã khỏe mạnh và có thể chịu được không khí bên ngoài, các bịch nấm sẽ được mang ra các giá treo, thực hiện công đoạn nuôi sợi. Các giá treo được thiết kế giúp cho các bịch nấm không bị rơi, cũng như khoảng cách giữa các dây treo đã được tính toán kỹ lưỡng, giúp bề mặt thoáng của các túi nấm được đảm bảo. Tại đây, các bịch nấm sẽ được rạch từng vệt nhỏ, giúp cho gốc nấm có điều kiện nhô ra môi trường bên ngoài. Khoảng thời gian nấm được treo trên các giá đỡ là thời điểm nấm Sò phát triển mạnh nhất. chỉ sau hơn 10 ngày khi mang khỏi phòng cấy giống, người trồng nấm sẽ có thể có được những sản phẩm nấm đầu tiên. Tuy nhiên, để tránh được những rủi ro đáng tiếc, cũng như để có năng suất và hiệu quả cao nhất, người trồng nấm phải đặc biệt chú ý tới kỹ thuật treo và chăm sóc nấm thời gian này, đảm bảo về nhiệt độ môi trường phát triển của nấm luôn ổn định. Khi nhiệt độ môi trường quá cao, cần phải có một quy trình tưới nấm, giúp cho độ ẩm và nhiệt độ trong bịch nguyên liệu luôn được đảm bảo.
Trước đây, với phương pháp thủ công, chất lượng của sản phẩm nấm Sò phụ thuộc khá nhiều về thời tiết, điều kiện nhiệt độ môi trường xung quanh, nhưng giờ đây, với việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào việc sản xuất nấm Sò, vấn đề nhiệt độ môi trường đã được giải quyết, chất lượng nấm đã được đảm bảo, tạo được điều kiện thuận lợi nhất cho nấm phát triển, đạt được năng suất cao. Đặc biệt là Quy trình trồng nấm được áp dụng phổ biến hiện nay không sử dụng chất bảo quản, thuốc hóa học, lại có năng suất cao và chất lượng ổn định.

Cùng với mùi vị thơm ngon và có thể chế biến nhiều món ăn đa dạng, các loại nấm nói chung và nấm Sò nói riêng đang là một món ăn khá được ưa chuộng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa cơm gia đình. Cây nấm đang trở thành một nguồn rau sạch cung cấp cho nhiều nhà hàng lớn, trở thành một trong những nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn hiện nay. Nấm Sò còn đem lại nguồn thực phẩm giàu đạm, đầy đủ các acid amin thiết yếu, hàm lượng chất béo ổn định và chứa những acid béo chưa bão hòa, do đó tốt cho sức khỏe, giá trị năng lượng cao, giàu khoáng chất và các vitamin. Ngoài ra, trong nấm còn chứa nhiều hoạt chất có tính sinh học, góp phần ngăn ngừa và điều trị các bệnh như u bướu, các bệnh stress, béo phì, xơ mỡ động mạch, huyết áp, ung thư....

Cây nấm có một tiềm năng phát triển rất lớn ở Ninh Bình và thực tế nó không những đang mang lại nhiều lợi ích cho người trồng mà nó còn là một nguồn rau sạch đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều sự quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do cây nấm mới du nhập về, và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, do đó tên tuổi của nấm Ninh Bình chưa được phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng chưa biết đến giá trị dinh dưỡng cũng như tính đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩn của cây Nấm.

Trong thời gian tới, để cây nấm Sò nói riêng và các loại nấm khác nói chung có điều kiện phát triển thuận lợi hơn nữa, phát huy được tối đa tiềm năng của mình, khẳng định được thương hiệu nấm Ninh Bình trên thị trường trong và ngoài nước, cần có một cơ chế khuyến khích đầu tư, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cho người dân hiểu được lợi ích thiết thực của nghề trồng nấm, cũng như hiểu được giá trị và chất lượng của các loại nấm, để nghề trồng nấm sò Ninh Bình có điều kiện phát triển hơn nữa, có thể vương tới tất cả các thị trường lớn trên toàn quốc./.

Đông Hà

Các tin khác