Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, năm 2024 các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã tận dụng lợi thế về mọi mặt, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần nâng cao vị thế, quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Hội triển khai đó là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bằng các hoạt động cụ thể, như: Tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy tính chủ động, sáng tạo trong phát triển sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, mở rộng kinh tế hộ, kinh tế tập thể, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao, tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, truyền thống, thế mạnh của các địa phương... Hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã/tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch, đưa chỉ tiêu hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, Hợp Tác xã vào nội dung thi đua và ký giao ước thi đua với các huyện, thành phố nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, của Hội về kinh tế tập thể, Luật Hợp Tác xã (sửa đổi); vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, Hợp Tác xã; chính sách liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm; các mô hình, điển hình phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, Hợp Tác xã; vận động hội viên, phụ nữ trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác gắn với liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của các làng nghề, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, đặc hữu của địa phương. Thông qua hoạt động tuyên truyền, 100% cán bộ và trên 80% hội viên, phụ nữ trong tỉnh được tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng về lựa chọn các vấn đề ưu tiên và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tập thể, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Trong năm 2024, các cấp Hội đã phối hợp với Liên minh Hợp Tác xã tỉnh tư vấn, hỗ trợ thành lập, ra mắt 02 Hợp Tác xã, 06 Tổ hợp tác với 95 thành viên tham gia. Tính đến nay, các cấp Hội đã tư vấn, hỗ trợ thành lập, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động cho 22 Hợp Tác xã (244 thành viên), 37 Tổ hợp tác (455 thành viên) do phụ nữ tham gia quản lý. Trong năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và 8/8 đơn vị cấp huyện tổ chức 20 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 955 lượt nữ lãnh đạo tham gia quản lý Hợp Tác xã, Tổ hợp tác, chủ hộ kinh doanh, phụ nữ khởi nghiệp.
Hưởng ứng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tham gia cuộc thi, đã có 30 dự án đăng ký gửi về cấp tỉnh. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã lựa chọn 5 dự án (trong đó có 2/5 chủ thể dự án là lãnh đạo Hợp Tác xã do phụ nữ tham gia quản lý) tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” cấp Trung ương. Trong đó, dự án khởi nghiệp “phát triển dược liệu xanh bền vững” của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn đạt giải Ba chung kết cấp vùng miền Bắc, giải Khuyến khích chung kết toàn quốc.
Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống, OCOP, VietGap, đặc sản vùng miền, sản phẩm ứng dụng công nghệ cho hơn 40 Tổ hợp tác, Hợp Tác xã, hộ kinh doanh do phụ nữ tham gia quản lý và hội viên phụ nữ có mong muốn khởi nghiệp. Lựa chọn, kết nối cho 02 đơn vị là Hợp Tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn, Hợp Tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Thành Công tham dự chương trình “Hà Nội kết nối - vươn xa” tại Hà Nội.
100% cơ sở Hội có nhiều hoạt động thiết thực hướng dẫn, hỗ trợ các Hợp Tác xã, Tổ Hợp tác tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, xây dựng sản phẩm OCOP, tiếp cận tín dụng ưu đãi, an toàn như: phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khai thác và quản lý hiệu quả nguồn vốn 3.809 tỷ đồng cho 43.916 hội viên, phụ nữ, thành viên các Tổ hợp tác, Hợp Tác xã vay vốn phát triển kinh tế gia đình, mở rộng sản xuất kinh doanh, tổ chức 725 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 48.000 người về sản xuất theo hướng hữu cơ, kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; tư vấn, hỗ trợ xây dựng 19 sản phẩm OCOP trong đó có 03 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao: Sản phẩm Yến tươi chưng sẵn của Hợp Tác xã sản xuất yến sào Huân Hoà, xã Yên Nhân; Nem chua Đinh Dung, thị trấn Yên Thịnh 3 và Bún khô Hiền Khương, xã Khánh Dương. Bên cạnh việc hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ Ban lãnh đạo, thành viên các Hợp Tác xã, Tổ hợp tác, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp quan tâm công tác phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ là thành viên tham gia lao động trong các Hợp Tác xã, Tổ hợp tác. Trong năm, các cấp Hội phối hợp tổ chức 03 lớp dạy nghề truyền thống như: thêu ren, móc sợi, khâu nón, đan bèo bồng, đan cói... cho 120 phụ nữ, giới thiệu việc làm cho 39 lao động nữ tại các Hợp Tác xã, Tổ hợp tác.
Trong thời gian tới, để giúp hội viên, phụ nữ ngày càng bản lĩnh, tự tin, tỏa sáng trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể do làm chủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ phát huy mạnh mẽ tinh thần nỗ lực vươn lên, khát vọng cống hiến tài năng trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, Hội vận động phụ nữ phát huy tinh thần vượt khó, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ nại, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ phụ nữ tham gia thương mại điện tử. Quan tâm huy động các nguồn lực để đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để định hướng phát triển theo mô hình Hợp Tác xã kiểu mới, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng yêu cầu người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
Lệ Hằng (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh)