Banner chính
Thứ Sáu, 04/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Áp dụng tiến bộ KHKT trong thâm canh lúa theo tiêu chuẩn VIETGAP

Thứ Ba, 25/04/2017
Trong nhiều năm qua, lúa gạo luôn là một thế mạnh và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tại Ninh Bình, tiềm năng phát triển của cây lúa cũng vô cùng lớn nhờ sở hữu địa hình, diện tích cũng như chất đất tương đối thuận lợi để phát triển nghề trồng lúa. Cụ thể, trên địa bản tỉnh Ninh Bình, tỷ trọng về diện tích trồng lúa và một số loại cây lượng thực khác chiếm khoảng 70%,  diện tích gieo trồng lúa ổn định hàng năm trên 80 ngàn ha.

Trong những năm qua, nhờ chính sách của Đảng, nhà nước, các chương trình, đề án, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu nền nông nghiệp từng bước đem lại hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng thâm canh lúa có năng suất, chất lượng cao. Cũng nhờ áp dụng nhiều tiến bộ KHKT vào sản xuất, cây lúa ngày càng phát huy được tiềm năng phát triển của mình, chất lượng, sản lượng ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, Hiện nay các phương pháp thâm canh lúa truyền thống chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, Sản lượng trung bình/1ha còn thấp so với thế giới. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người dân cũng là vấn đề cần còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trung bình, lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm toàn tỉnh ước tính khoảng 100-120 tấn, các chủng loại thuốc trên địa bàn  tỉnh cũng rất đa dạng. Hiện nay đã có trên 400 hoạt chất  thuốc BVTV với 600 tên thương phẩm đang được lưu thông và sử dụng  trên địa bàn tỉnh, vì vậy  nông dân rất khó khăn trong việc lựa chọn thuốc BVTV. Bên cạnh đó, do thói quen của người dân, số lần phun thuốc BVTV trong vụ trên các cây trồng vẫn còn cao, bình quân  từ 2-5 lần đối với lúa và từ 4-7 lần đối với rau, số hộ nông dân sử dụng thuốc tăng nồng độ và liều lượng so với hướng dẫn chiếm khoảng 30-35%. Trong sử dụng còn hỗn hợp nhiều loại thuốc cho một lần phun, bao bì  thuốc BVTV sau khi sử dụng còn vứt bỏ bừa bãi trên đồng ruộng. Cũng bởi xuất hiện nhiều loại thuốc BVTV khác nhau trên thị trường, nhiều loại có hiệu quả trong diệt trừ sâu bệnh, địch hại, tuy nhiên các loại thuốc này thường có độ độc cao, nhiều hộ sử dụng các loại thuốc không có trong danh mục được phép, sử dụng các loại thuốc BVTV có  thời gian cách ly dài, không đảm bảo thời gian cách ly. Kết quả kiểm tra về dư lượng thuốc BVTV trên rau trong năm 2014, 2015 của Chi cục BVTV cho thấy, Trên 16 mẫu sản phẩm hoa màu phân tích, 10  mẫu có dư lượng thuốc BVTV, trong đó 02 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt mức tối đa cho phép.

Trong thời gian qua, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP là hướng đi đúng đắn và đã được phát triển ở nhiều địa phương. Tuy nhiên việc áp dụng mô hình theo hướng VietGAP với cây lúa là hướng đi mới lần đầu tiên được áp dụng tại Ninh Bình. Mục tiêu của mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap hứa hẹn sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giảm nguy cơ độc hại của thuốc BVTV đối sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Để hạn chế những bất cập trong sản xuất lúa  đảm bảo chất lượng nông sản, sản phẩm nông nghiệp của Ninh Bình nhờ vậy cũng có sức cạnh tranh cao hơn.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của nghề trồng lúa, kể từ năm 2015 đến nay, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sở NN và PTNN tỉnh đã triển khai thành công đề tài “Xây dựng mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP đảm bảo an toàn, hiệu quả góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái”. Bằng nguồn ngân sách khoa học, các hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ mới từ Sở Khoa học, quy trình thâm canh lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đã được hoàn thiện. Cụ thể các kỹ thuật chính được áp dụng bao gồm: Kỹ thuật thâm canh, sử dụng các biện pháp thâm canh lúa cải tiến SRI;  Kỹ thuật phòng trừ dịch hại theo tiêu chuẩn IPM trên cây lúa; Các biện pháp kỹ thuật trong sử dụng thuốc BVTV: Trong đó ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học, thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc hóa học có độ độc thấp, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; Đối với các biện pháp thâm canh lúa cải tiến, các kỹ thuật mới được áp dụng bao gồm kỹ thuật gieo mạ, kỹ thuật chăm sóc lúa theo chu kỳ, đặc điểm sinh trưởng của lúa đã được áp dụng, nhờ vậy không những người dân có thể tiết kiệm được nguồn nguyên liệu mạ, mà còn có thể có được quy trình hiệu quả trong việc chăm sóc lúa.

Hiện nay, phương pháp thâm canh lúa theo hướng VietGap đã tạo ra sản phẩm lúa an toàn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường do giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Ưu điểm lớn nhất của các phương pháp sử dụng thuốc BVTT theo mô hình VietGAP đó là sử dụng thuốc đúng chủng loại, đúng thời điểm, đúng thời gian và đúng số lần, lấy công tác phòng ngừa là chính, không để tình trạng xảy ra bệnh rồi mới phun thuốc. Nhờ vậy nhiều loại bệnh dịch, địch hại đã được phòng ngừa thành công. Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng của đề tài đó là thiết kế các bể chứa, hố rác tại nhiều địa điểm trên đồng rộng, là nơi người dân sử dụng để tập kết, vứt bỏ các loại bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng, nhằm hạn chế các nguy cơ ô nhiễm môi trường, công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng được tăng cường. Nhờ việc có một quy trình sản xuất hiệu quả, trong vụ Mùa năm 2016, sản lượng lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được nâng cao, năng suất tăng từ 1,5% đến 1,8%. Nhiều nguy cơ địch hại, sâu bệnh đã được loại trừ, mặc dù thời tiết năm nay có nhiều diễn biến thất thường, nhưng cây lúa được sản xuất theo mô hình VietGAP vẫn phát triển tương đối tốt, sản lượng sản xuất giữa các ô ruộng thí điểm có chất lượng tương đối đồng đều.

Có thể thấy, việc phát triển thành công mô hình thâm canh lúa theo hướng VietGAP là một bước đi lớn của ngành nông nghiệp đối với công cuộc nâng cao chất lượng lúa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giải quyết được khó khăn của các cơ quan chức năng trong việc quản lý vấn đề sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần Bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, cùng với việc hỗ trợ áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, thì việc tìm kiếm đầu ra, bảo hộ thương hiệu đối với mặt hàng lúa gạo Ninh Bình trong thời gian tới cũng cần được quan tâm hơn nữa. Khi các mặt hàng lúa gạo Ninh Bình có chất lượng tốt, việc phát triển thương hiệu sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi của người nông dân, cũng như nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo Ninh Bình.

Với việc triển khai thành công quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, chắc chắn rằng, các sản phẩm lúa gạo của người dân Ninh Bình sẽ không những đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong tỉnh mà còn có thể vươn ra nhiều thị trường mới trong và ngoài nước. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, thương hiệu lúa sạch Ninh Bình sẽ có chỗ đứng cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đông Hà

Các tin khác