Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Báo cáo phân tích SWOT du lịch tỉnh Ninh Bình

Thứ Tư, 09/11/2022
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách, tác động tới sự phát triển của các ngành kinh tế liên quan, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động. Du lịch Việt Nam hiện nay đang không ngừng đổi mới và phát triển, ngày càng có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia, là điểm đến tin cậy của bạn bè quốc tế.

Trong những năm gần đây, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức Unesco công nhận là di sản thế giới. Với tiềm năng lợi thế vốn có từ bề dày văn hoá, lịch sử, kết hợp với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Ninh Bình được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Để đưa du lịch Ninh Bình phát triển xứng tầm với nguồn tài nguyên, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình thì xây dựng chiến lược, đề xuất giải pháp thực hiện phát triển ngành du lịch là một trong những vấn đề quan trọng cần được thực hiện. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu khoa học đã lựa chọn mô hình phân tích SWOT để thực hiện để đạt được mục đích nghiên cứu.

Phương pháp phân tích SWOT (còn gọi là ma trận SWOT, viết tắt của 4 chữ: Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức). Đây là phương pháp hữu hiệu dùng để phân tích xây dựng chiến lược, rà soát và đánh giá vị trí, định hướng của một đề án phát triển dựa trên các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu được xem là những “yếu tố nội bộ”, còn cơ hội và nguy cơ là các “yếu tố bên ngoài”, tạo nên (hoặc làm giảm) giá trị đề án phát triển. Kết quả phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức sẽ là cơ cơ sở khoa học vững chắc để nhóm nghiên cứu xây dựng chiến lược, đề xuất giải pháp phát triển ngành du lịch tỉnh Ninh Bình trong những năm tiếp theo.

1. Nhận diện những điểm mạnh - điểm yếu - Cơ hội - Thách thức trong quá trình phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020

1.1. Điểm mạnh - Lợi thế phát triển của du lịch Ninh Bình (Strengths)

- Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Bộ và Chính quyền tỉnh Ninh Bình luôn thống nhất, xuyên xuốt.

- Vị trí địa lý thuận lợi để kết nối với các địa phương trong hoạt động giao thương

- Địa hình đa dạng tạo nên hệ sinh thái độc đáo mang nhiều giá trị nổi bật.

- Nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng có giá trị cả về vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên và giá trị lịch sử văn hóa truyền thống.

- Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đang phát triển.

- Du lịch Ninh Bình đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế.

1.2. Điểm yếu - Hạn chế tồn tại trong phát triển du lịch Ninh Bình (Weaknesses)

- Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch nói chung và quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng hiện nay đang là một trong những vấn đề còn hạn chế.

- Nhiều nguồn tài nguyên du lịch quý hiếm, đặc thù nhưng chưa được sử dụng hết để phát triển du lịch.

- Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là khách du lịch có yêu cầu chất lượng phục vụ cao.

- Thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu riêng của Ninh Bình, các sản phẩm du lịch có thể giữ khách lưu trú dài ngày.

- Các sản phẩm du lịch mới phát triển dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có mà chưa căn cứ trên nhu cầu thị trường.

- Công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa định vị được thị trường trọng tâm.

- Thiếu các nhà đầu tư lớn, đủ mạnh có thể khai thác được nguồn lực tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.

- Thiếu nguồn lao động chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực làm công tác quản lý, nghiên cứu, định hướng phát triển du lịch.

- Hoạt động du lịch còn mang nặng tính thời vụ, khách đến tham quan tập trung chủ yếu vào 03 tháng đầu năm.

- Du lịch Ninh Bình còn thiếu sự gắn kết hệ thống giữa các ngành Du lịch - Thương mại - Nông nghiệp.

1.3. Cơ hội (Opportunities)

- Chính sách đổi mới, mở cửa, hội nhập và định hướng phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước tiếp tục phát huy có hiệu quả.

- Tình hình chính trị, an ninh quốc phòng của quốc gia luôn trong tình trạng ổn định.

- Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của khách du lịch ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về loại hình do điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội để du lịch Ninh Bình phát triển theo hướng hiện đại từ hoạt động quản lý kinh doanh đến phát triển điểm đến, xúc tiến quảng bá mở rộng thị trường.

- Du lịch thế giới ngày càng phát triển mạnh.

- Dòng khách du lịch quốc tế đang có xu hướng chuyển dịch địa điểm du lịch, nghĩ dưỡng sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

- Du lịch tại các nước Đông Nam Á (ASEAN) giữ vị trí quan trọng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

- Các công ty lữ hành trong cả nước đánh giá cao về du lịch di sản tại Ninh Bình.

- Loại hình du lịch MICE đang phát triển trên thế giới và đã xâm nhập vào Việt Nam.

1.4. Thách thức – Khó khăn (Threats)

- Cạnh tranh của du lịch Ninh Bình còn nhiều hạn chế. Trong đó:

+ Sản phẩm du lịch MICE đang phải cạnh tranh với TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng. Đây là những trung tâm lớn, có nhiều tiềm năng du lịch và có lợi thế về vị trí, đồng thời đang là những điểm nóng được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn.

+ Sản phẩm du lịch tâm linh đang phải cạnh tranh với các tỉnh Nam Định (có đền trần, có Phủ Giầy, chờ viềng…), Hà Nội (Chùa Hương), Quảng Ninh (Yên Tử, Chùa Cái Bầu, chùa Ba Vàng…), những địa phương đã có truyền thống khai thác du lịch tâm linh từ rất lâu, các giá trị văn hóa lịch sử, giá trị tâm linh đã ghi sâu vào tâm thức của đông đảo khách du lịch trong nước.

- Ninh Bình là địa phương chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và các yếu tố thời tiết bất lợi như bão lũ, hạn hán, thiên tai…

- Du lịch Ninh Bình phát triển chịu sức ép lớn từ trách nhiệm bảo tồn giá trị di sản thế giới Tràng An.

- Du lịch Ninh Bình đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid19.

- Tâm lý của đa số lao động chất lượng cao không muốn về làm việc tại các tỉnh lẻ, trong đó có tỉnh Ninh Bình.

- Ý thức của một bộ phận dân cư, những người tham gia vào thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập gây nên tình trạng phát triển du lịch nóng, thiếu kiểm soát tạo áp lực lên môi trường, tác động tiêu cực tới nguồn tài nguyên du lịch.

2. Kết quả phân tích SWOT

Giai đoạn 2020-2022, đại dịch covid19 bùng phát và kéo dài đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội của Việt Nam. Vượt qua khó khăn thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu lạc quan, trong đó ngành du lịch đang từng bước phục hồi và khẳng định vị thế trong nền kinh tế. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo ra nhiều mối quan hệ song phương và đa phương, sự ổn định về an ninh chính trị đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế và Ninh Bình là một trong những lựa chọn thú vị mà du khách hướng tới. Bên cạnh đó, mức sống của người lao động ngày càng tăng cao nên nhu cầu được nghỉ ngơi sau thời gian lao động cũng là một trong những lựa chọn phù hợp. Điều này đã tạo nên thị trường khách du lịch nội địa ngày càng sôi động và ổn định.
Ngoài ra, Ninh Bình là một tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, là cầu nối giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch - văn hóa giữa hai miền Nam - Bắc, là một trong 7 vùng du lịch thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng - Duyên hải Đông Bắc, thành phố Ninh Bình là trung tâm của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng; có vị trí quan trọng trong tứ giác tăng trưởng du lịch Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình; với địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa, hệ thống thảm thực vật rừng phong phú, cảnh quan thiên nhiên hung vỹ, các giá trị truyền thống gắn với lịch sử văn hóa ngàn đời tạo cho Ninh Bình nguồn tiềm năng du lịch hấp dẫn.

Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, du lịch Ninh Bình ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên hiện nay du lịch Ninh Bình còn đang gặp phải những khó khăn vướng mắc như là:

(1) Hạn chế Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch.

(2) Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch yêu cầu chất lượng phục vụ cao.

(3) Thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu riêng của Ninh Bình, các sản phẩm du lịch có thể giữ khách lưu trú dài ngày.

(4) Các sản phẩm du lịch mới phát triển dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có mà chưa căn cứ trên nhu cầu thị trường.

(5) Du lịch Ninh Bình còn thiếu tính cạnh tranh, mang nặng tính thời vụ; công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa định vị được thị trường trọng tâm.

(6) Thiếu các nhà đầu tư lớn, đủ mạnh có thể khai thác được nguồn lực tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.

(7) Thiếu nguồn lao động chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực làm công tác quản lý, nghiên cứu, định hướng phát triển du lịch.

(8) Du lịch Ninh Bình phát triển chịu sức ép lớn từ trách nhiệm bảo tồn giá trị di sản thế giới Tràng An.

(9) Du lịch Ninh Bình còn thiếu sự gắn kết hệ thống giữa các ngành Du lịch - Thương mại - Nông nghiệp.

(10) Ninh Bình là địa phương chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và các yếu tố thời tiết bất lợi như bão lũ, hạn hán, thiên tai, dịch bệnh…

(11) Ý thức của một bộ phận dân cư, những người tham gia vào thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập gây nên tình trạng phát triển du lịch nóng, thiếu kiểm soát tạo áp lực lên môi trường, tác động tiêu cực tới nguồn tài nguyên du lịch.

Từ kết quả phân tích trên mô hình SWOT, để phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, tận dụng mọi cơ hội để đưa du lịch Ninh Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chiến lược phát triển ngành du lịch Ninh Bình cần hướng tới cụ thể như sau:

2.1. Chiến lược SW (Strengths – Weaknesses). Chiến lược được phân tích dựa trên những thế mạnh để vượt qua những điểm yếu gây hạn chế sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình.

- Đầu tư cơ sở vật chất phát triển du lịch, nhất là cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khách chất lượng cao.

- Khai thác nguồn tài nguyên chưa được khai thác hiệu quả để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Ninh Bình đó là khai thác nguồn suối khoáng.

- Khảo sát nhu cầu của khách du lịch để đánh giá xu thế, nhu cầu chung của du khách để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch - Thu hút đầu tư để khai thác các nguồn tài nguyên còn ở dạng tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng.

- Thu hút đầu tư để khai thác các nguồn tài nguyên còn ở dạng tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng.

- Thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất nguồn nhân lực làm công tác quản lý, nghiên cứu, định hướng phát triển du lịch.

- Tạo mối liên liên kết: Nhà nước - Nhà nông - Doanh nghiệp

2.2. Chiến lược SO (Strengths - Opportunities). Chiến lược được phân tích dựa trên ưu thế của ngành du lịch Ninh Bình để tận dụng các cơ hội thị trường.

- Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó chú trọng đến các loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

- Định vị thị trường trọng điểm để đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình, nhất là quảng bá qua Internet để mở rộng thị trường

- Tạo mối liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh và các công ty lữ hành.

2.3. Chiến lược ST (Strengths – Threats). Chiến lược được phân tích dựa trên thế mạnh của ngành du lịch Ninh Bình vượt qua khó khăn.

- Tạo sản phẩm du lịch đặc thù mang đặc trưng riêng của du lịch Ninh Bình làm thế mạnh để cạnh tranh với các địa phương khác trên thị trường du lịch.

- Phát triển du lịch theo hướng bền vững góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường làm giảm tác động tiêu cực tới biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Bảo tồn nghiêm ngặt khu vực di sản thế giới Tràng An, lấy di sản là động lực thu hút khách du lịch tới trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng của Ninh Bình; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách du lịch, làm giảm tải cho khu vực di sản.

3. Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về về du lịch, nhất là công tác thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Hai là, duy trì các sản phẩm du lịch vốn có; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên quý còn giàu tiềm năng; phát triển loại hình du lịch MICE thành sản phẩm du lịch phụ trợ để khai thác tốt các cơ hội thị trường.

Ba là, định vị thị trường trọng điểm để đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ số.

Bốn là, phát triển du lịch theo hướng bền vững góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường làm giảm tác động tiêu cực tới biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo tồn nghiêm ngặt khu vực di sản thế giới Tràng An, lấy di sản là động lực thu hút khách du lịch tới trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng của Ninh Bình.

Năm là, tạo cơ chế để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất nguồn nhân lực làm công tác quản lý, nghiên cứu, định hướng phát triển du lịch.

Sáu là, tạo mối liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh và các công ty lữ hành; mối liên kết giữa, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước - Nhà nông - Doanh nghiệp.

Du lịch được xem là ngành “công nghiệp không khói”, không chỉ mang lại nguồn lợi về kinh tế cho đất nước mà còn góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với bè bạn năm châu, rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian giữa Việt Nam với thế giới. Với những tiềm năng, thế mạnh đặc sắc từ nguồn tài nguyên du lịch, Ninh Bình có nhiều cơ hội phát triển ngành du lịch với đa dạng các loại hình du lịch, như là du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, du lịch MICE và du lịch văn hóa… Đây là những loại hình du lịch chính, đầy triển vọng trong tương lai. Để ngành du lịch Ninh Bình phát triển, đáp ứng được yêu cầu “toàn cầu hoá”, “địa phương hoá” và hoàn thành “sứ mạng cao cả” của mình - là ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tỉnh, lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo ngành du lịch, các chuyên gia du lịch, các nhà đầu tư... phải xây dựng những chiến lược phát triển toàn diện cho ngành du lịch, trong đó cần chú ý: phát huy thế mạnh - nắm bắt cơ hội - khắc phục điểm yếu - ngăn chặn/hạn chế nguy cơ. Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là làm sao để việc quảng bá hình ảnh tỉnh Ninh Bình - Việt Nam ra thế giới và mời gọi thế giới đến với mình phải nằm trong ý thức của mỗi người con quê hương Ninh Bình, những công dân đã và đang sinh sống, làm việc ở Ninh Bình, trong đó có tất cả chúng ta./.

Đỗ Văn Dung, Chủ tịch LHH Ninh Bình

Các tin khác