Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chính thức được áp dụng ở Việt Nam

Thứ Năm, 01/07/2021
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được cho là sẽ tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đặc biệt, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên Mạng xã hội.

Ngày 17/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Bộ Quy tắc ứng xử hướng đến 3 đối tượng, gồm: Cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội; Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

Bộ Quy tắc nêu 4 quy tắc ứng xử chung, áp dụng cho tất cả nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội gồm:

- Quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Quy tắc lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thông tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

- Quy tắc an toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin.

- Quy tắc trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân: Bộ Quy tắc định hướng riêng cho 3 nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội. Trong đó, 8 quy tắc cho tổ chức, cá nhân; 3 quy tắc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước; 4 quy tắc cho cơ quan Nhà nước và 5 quy tắc cho nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Các quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân gồm: Tuân thủ điều khoản sử dụng mạng xã hội; Nên sử dụng họ tên thật, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng; Tự quản lý, bảo mật tài khoản và nhanh chóng thông báo tới nhà cung cấp khi tài khoản mất quyền kiểm soát; Chia sẻ thông tin chính thống, đáng tin cậy.

Ngoài ra, cần có hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống; Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

Không đăng nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân; Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm hay tung tin giả, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...

Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực.

Quy tắc dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước

Với cán bộ, công chức, viên chức, ngoài những điều ứng xử như trên còn phải tuân thủ nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội; Thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý khi có ý kiến trái chiều, vi phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý.

Quy tắc ứng xử cho các cơ quan Nhà nước, ngoài những điều ứng xử như với cá nhân, tổ chức, còn phải có trách nhiệm quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản mất quyền kiểm soát, bị giả mạo.

Cung cấp thông tin trên mạng xã hội đồng bộ, thống nhất với thông tin đã được cung cấp trên các phương tiện truyền thông chính thống khác.

Nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.

Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Với các nhà mạng, cần công bố rõ ràng các điều khoản sử dụng, gồm tất cả quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp và người sử dụng; Ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn và loại bỏ nội dung thông tin vi phạm bản quyền, phạm luật.

Khi nhận được thông báo yêu cầu loại bỏ các thông tin vi phạm từ cơ quan chức năng, nhà cung cấp phối hợp với tổ chức, cá nhân xử lý theo quy định.

Hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của "người yếu thế" trong xã hội (trẻ em, trẻ vị thành niên, người khuyết tật...); sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng.

Tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba, khi chưa được phép của chủ thể.

Đông Hà (Nguồn Bộ Thông tin và Truyền thông)

Các tin khác