Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Các nguyên tắc chính về sử dụng thuốc trừ sâu an tòan trên cây rau

Thứ Sáu, 26/04/2019
Rau là loại cây trồng có nhiều sâu bệnh gây hại nhất và cũng là nông sản dễ bị ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu nhất. Lý do là bà con nông dân chúng ta thường sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu trên rau để giữ năng suất và chất lượng về mặt cảm quan, trong khi rau xanh lại được người tiêu dùng sử dụng ngay khi thu hoạch mà không có thời gian phơi khô, bảo quản hoặc chế biến như các loại nông sản khác. Vì vậy mà lượng thức trừ sâu vẫn còn tồn lưu khá cao trong rau khi ăn, có thể dẫn tới ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.

Từ những lý do nói trên, việc sử dụng thuốc trừ sâu trên cây phải hết sức cẩn thận và phải đạt 2 yêu cầu cơ bản: Hiệu quả và An toàn. Thuốc phải hiệu quả nghĩa là ngăn chặn được các loài sâu hại làm tổn thất đến năng suất ruộng rau và phải an toàn cho người tiêu dùng rau, nghĩa là lượng thuốc tồn lưu trong rau khi thu hoạch (gọi là dư lượng thuốc trừ sâu) phải thấp. Ngoài ra thuốc cũng còn phải ít độc cho người trồng rau tức là chính bà con nông dân chúng ta.

Đối với cây rau, để việc sử dụng thuốc trừ sâu có được yếu tố an toàn, cần phải căn cứ vào các yếu tố sau:

- Thuốc phải có độ độc thấp.

- Thuốc phải nhanh phân huỷ.

- Thuốc có tính chọn lọc, ít diệt thiên địch.

- Thuốc có lượng hoạt chất sử dụng trên một đơn vị diện tích thấp.

1. Về độ độc của thuốc

Nói chung thuốc trừ sâu nào cũng độc cho người. Tuy nhiên có loại độc nhiều, có loại độc ít hơn. Vì vậy, bà con cần chọn lựa loại thuốc nào ít độc nhất mà vẫn trừ sâu hữu hiệu để sử dụng trên rau. Trước hết, bà con tuyệt đối không dùng các loại thuốc đã cấm sử dụng như Monitor, Azodrin, Phosphamidon dưới bất kỳ nhãn hiệu nào vì đây là những thuốc cực độc dễ gây ngộ độc cho người tiêu dùng và người phun thuốc. Bà con cũng không được sử dụng các thuốc hạn chế sử dụng và đã có quy định cấm dùng trên rau như Furadan, Sát trùng linh, Demon, Kelthane, Bidrin và các thuốc có hoạt chất là endosulfan dưới các tên thương mại như Thiodan, Endosol, Thiodol.

Ngoài ra, trong các loại thuốc còn lại, bà con nên chọn dùng các loại thuốc ít độc để vừa an toàn cho người tiêu dùng lại cũng bảo vệ sức khoẻ cho chính minh khi đi phun thuốc. Về các thuốc ít độc bà con nên sử dụng các thuốc vi sinh như thuốc trừ sâu BT với nhiều nhãn hiệu thương mại khác nhau như AZTRON, BACTERIN, BTB, DELFIN, DIPEL, XENTARI,... các thuốc trừ sâu gốc thảo mộc như retenone trích từ rễ cây thuốc cá, nicotine từ vụn thuốc lá, dầu neem trích từ cây xoan dưới các nhãn hiệu thương hiệu như Neem Bond-A, Nimbecidine. Các thuốc này ít độc nên sử dụng trên rau rất phù hợp. Ngoài ra một số thuốc hoá học khác có độ độc thấp cũng có thể sử dụng trên rau như các thuốc nhóm cúc tổng hợp, nhóm thuốc ức chế lột xác. Riêng các thuốc lân hữu cơ hoặc carbamate thì nên hạn chế sử dụng trên rau vì các thuốc này thường có độ độc rất cao.

Để dễ nhận biết loại thuốc nào độ nhiều hay độc ít, bà con có thể nhìn lên nhãn dán hoặc in trên bao bì, trên đó có dải băng màu ở phía dưới để chỉ thị độ độc của thuốc. Quy định chung màu đỏ là rất độc, màu vàng là độc, màu xanh dương là độc vừa và màu xanh lá cây là tương đối ít độc. Bà con cũng cần lưu ý độ độc này là áp dụng cho người chứ không phải cho sâu rầy. Thực tế nhiều loại thuốc độc cho người mà lại ít độc đối với côn trùng và ngược lại có nhiều loại thuốc trừ côn trùng hữu hiệu nhưng lại ít độc cho người.

2. Về đặc tính phân huỷ của thuốc:

Thuốc trừ sâu trên cây trồng sẽ bị phân huỷ sau một thời gian do các tác động của hoạt động sinh hoá trong cây, do ánh sáng mặt trời, nhiệt độ không khí và các vi sinh vật phân giải. Tuy nhiên, thời gian phân huỷ nhanh hay chậm tuỳ theo từng loại thuốc. Khi sử dụng thuốc trừ sâu trên rau bà con cần chọn loại thuốc nhanh phân huỷ để khỏi để lại dư lượng cao trong rau khi thu hoạch. Thời gian phân huỷ nhanh hay chậm được thể hiện bởi thời gian cách ly được các hãng sản xuất thuốc ghi trên nhãn. Thời gian cách ly là thời gian tối thiểu từ lần phun thuốc cuối cùng đến ngày thu hoạch để cho sản phẩm thu hoạch được an toàn vì không còn tồn dư thuốc. Đa số các thuốc nhóm cúc tổng hợp và vi sinh thường có thời gian cách ly ngắn.

3. Về tính chọn lọc của thuốc:

Thuốc trừ sâu có loại diệt đồng thời nhiều loài côn trùng, nhưng cũng có loại chỉ diệt được một hoặc vài loài côn trùng được gọi thuốc có tính chọn lọc. Loại thuốc diệt trừ được nhiều loài côn trùng tuy tiện lợi là trừ một lúc nhiều loài sâu hại những cũng có điều hại là giết chết nhiều loài thiên địch nên dễ gây bộc phát các loài sâu rầy. Từ đó lại phải sử dụng nhiều thuốc hơn, dễ gây ô nhiễm cho rau hơn. Các thuốc trừ sâu nhóm ức chế lột xác như Nomolt Mimic, Atabron, Applaud hay các thuốc tương đương và các thuốc vi sinh thường có tính chọn lọc cao nên khi sử dụng không gây bộc phát sâu rầy. Các thuốc trừ sâu nhóm khác nếu sử dụng không đúng kỹ thuật thường gây bộc phát một số côn trùng gây hại.

4. Về lượng hoạt chất sử dụng cho đơn vị diện tích:

Để hạ thập dư lượng thuốc trừ sâu trên rau khi thu hoạch, bà con nên chọn loại thuốc trừ sâu nào lượng hoạt chất sử dụng trên mỗi ha thấp. Các loại thuốc cần phải sử dụng với liều lượng hoạt chất cao thường để lại dư lượng cao, nhất là những loại thuốc mà sâu đã kháng thuốc nên bà con phải sử dụng với liều lượng cao gấp nhiều lần so với liều lượng được hướng dẫn trên bao bì.

Nói tóm lại, để tránh rau sản xuất và bán ra trên thị trường bị ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, đồng thời để tránh nhiễm độc cho chính mình, bà con sử dụng thuốc trừ sâu trên rau phải hết sức cẩn thận, cần căn cứ vào các nguyên tắc nêu trên.

Thanh Mai (St)

Các tin khác