Cách mạng công nghiệp (4.0) phát triển dựa trên ba trụ cột cơ bản: công nghệ sinh học, vật lý và kỹ thuật số:
(1) Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung nghiên cứu, tạo ra những bước phát triển đột phá và nhảy vọt về chất trong y dược (thuốc và phương pháp chữa bệnh mới), nông nghiệp và thủy sản, làm biến đổi gen, tạo ra giống cây, giống con mới), chế biến thực phẩm (chất lượng cao, sạch và an toàn...), bảo vệ môi trường và tái tạo năng lượng...;
(2) Trong lĩnh vực vật lý, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung nghiên cứu, chế tạo các loại robot thế hệ mới, máy in 3D, các phương tiện tự lái (xe, máy bay, tàu thủy), các vật liệu mới (vật liệu siêu nhẹ, siêu mỏng, siêu bền...), công nghệ nano...;
(3) Trong lĩnh vực kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp tập trung chủ yếu vào phát minh, sáng tạo, phát triển Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và Vạn vật kết nối (Internet of Things).
Trí tuệ nhân tạo (AI) được hiểu như một lĩnh vực của khoa học máy tính gắn trực tiếp với việc tự động hóa các hành vi thông minh. Cụ thể là: AI chính là trí tuệ do con người lập trình tạo ra để giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như ở bộ não người (trí tuệ nhân tạo tự mình biết suy nghĩ, lập luận, phân tích, so sánh và tổng hợp rút ra các quyết định (biện pháp, phương pháp...) giải quyết các vấn đề nhanh gọn). Ngoài ra, AI còn biết giao tiếp, biết nói, biết học, thích nghi và tự bộc lộ sở thích, ham muốn...
Dữ liệu lớn (Big Data) được hiểu là tài sản thông tin có khối lượng dữ liệu lớn, phong phú, đa dạng với tốc độ cao, yêu cầu phải có công nghệ mới, để xử lý nhanh và hiệu quả (khám phá được các yếu tố quan trọng ẩn giấu sâu trong dữ liệu và tối ưu hóa được dữ liệu) nhằm đưa ra được các quyết định kịp thời và có hiệu quả.
Vạn vật kết nối (Internet of Things) được hiểu là thế giới vạn vật kết nối Internet (hoặc mạng lưới thiết bị kết nối Internet), trong đó mỗi vật, mỗi người đều có định dạng riêng và tất cả đều có khả năng trao đổi, truyền tải thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất (mà không cần sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. Vạn vật kết nối (IoT) phát triển dựa trên sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói ngắn gọn, đó là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một nhiệm vụ nhất định.
Đối với Việt Nam, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo ra điều kiện thuận lợi và thời cơ lớn cho sự phát triển, vừa tạo ra khó khăn và thách thức không nhỏ trong phát triển.
Những thuận lợi và thời cơ phát triển
- Một là, trên phương diện vĩ mô, cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Hai là, ở phương diện vi mô, cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến việc nhận thức lại một số giá trị, định hình lại các ngành công nghiệp, dịch vụ... mở ra những “khoảng trống”, “kẽ hở” và “không gian” mới trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Và do đó, tạo điều kiện và mở ra các cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa “xếp hàng” vừa “chen lấn” và “lấn sân” vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp, dịch vụ mới.
- Ba là, cách mạng công nghiệp 4.0 làm sâu sắc hơn quá trình toàn cầu hóa và cùng với toàn cầu hóa tác động, thúc đẩy sự biến đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế. Đó cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Bốn là, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra điều kiện và cơ hội để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể tổ chức cuộc sống, làm việc, học tập, sinh hoạt, giải trí tốt hơn và ngày càng có chất lượng hơn.
Những khó khăn và thách thức trong phát triển
- Thứ nhất, khó khăn và thách thức lớn nhất là: nếu Việt Nam chậm chạp trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết (vật chất, tinh thần, cơ chế, chính sách, nhân lực...) để tiếp thu và ứng dụng ngay công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0, thì Việt Nam có thể “lỡ hẹn” với cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; và điều này dẫn đến tụt hậu không chỉ xa hơn về kinh tế, mà còn tụt hậu cả về khoa học - công nghệ, tiềm lực an ninh, quốc phòng và chủ quyền số so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
- Thứ hai, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 là khách quan và tất yếu (kể cả trong trường hợp Việt Nam chưa chuẩn bị được các điều kiện cần thiết để chủ động tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới), vì vậy, trong một không gian và thời gian nhất định, ở Việt Nam sẽ diễn ra tình trạng thất nghiệp (do lao động máy móc thay cho lao động con người), sự gia tăng nghèo đói và nới rộng khoảng cách giàu nghèo. (Hiện nay ở Việt Nam, báo giấy và báo hình đang xuống cấp, 87% sinh viên không có thói quen dùng tivi, nhiều cơ quan, công ty, gia đình không sử dụng điện thoại bàn, máy fax... Theo dự báo, có tới 86% lao động ngành may mặc và da giày mất việc trong vòng 15 năm tới).
- Thứ ba, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động, tạo khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công việc; có thể tạo ra sự phá sản của một số công ty do không cạnh tranh nổi trên thị trường (công nghệ, nhân lực...).
- Thứ tư, cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là sự giao tiếp trên Internet đặt ra thách thức về bảo mật thông tin cho cá nhân con người và cả hệ thống cộng đồng xã hội; đặc biệt là vấn đề bảo mật kinh tế, chính trị quốc gia.
Vai trò của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0
Trong mọi thời đại lịch sử, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội và đội ngũ trí thức luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Sinh ra và trưởng thành trong lòng dân tộc, trí thức Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc, luôn có đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Nhiều thế hệ trí thức, nhiều nhà trí thức đã trở thành những tấm gương sáng ngời về yêu nước, thương dân, hết lòng vì nước, vì dân. Vì vậy, Nhân dân đã ghi công và tôn vinh trí thức “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và sức mạnh của tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sự phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Như vậy, xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của cách mạng khoa học - công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là quan trọng và cấp thiết, nhất là trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng công nghiệp này (với cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức) luôn đặt ra yêu cầu cao đối với việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Nói cách khác, vai trò của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:
- Một là, lực lượng trí thức khoa học - công nghệ đi tiên phong trong việc nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc cách mạng công nghiệp 4.0 với tất cả các sắc thái, sự tác động; cơ hội và thách thức của nó đối với sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cách mạng khoa học - công nghệ nói chung và cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng tới các tầng lớp Nhân dân (công nhân, nông dân, doanh nhân, học sinh, sinh viên...); làm cho họ thấu hiểu được “cơ hội” và “nguy cơ” do cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến để họ tự nguyện chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tham gia vào những chương trình, dự án “lập thân, khởi nghiệp” áp dụng công nghệ mới vào cuộc sống.
- Hai là, lực lượng trí thức khoa học - công nghệ không chỉ đi tiên phong trong việc nghiên cứu, phổ biến kiến thức về khoa học - công nghệ, mà còn gương mẫu, say mê trong việc áp dụng những tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức cuộc sống, bảo vệ môi trường, quản lý xã hội, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng...).
- Ba là, lực lượng trí thức khoa học - công nghệ đi đầu, đảm nhận sứ mệnh lịch sử định hướng, dẫn dắt xã hội thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để đưa đất nước phát triển gần sát với nhóm nước phát triển trên thế giới.
Vai trò của tổ chức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật trong cách mạng công nghiệp 4.0
Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật 63 tỉnh, thành phố cả nước là tổ chức chính trị - xã hội (trong đó bao gồm các hội thành viên là những tổ chức xã hội - nghề nghiệp). Trong cách mạng công nghiệp 4.0, tổ chức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật 63 tỉnh, thành phố (gọi tắt là Tổ chức liên hiệp hội) có vai trò đặc biệt quan trọng.
- Thứ nhất, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, Tổ chức liên hiệp hội trở thành ngôi nhà đoàn kết, tập hợp gắn kết các thế hệ trí thức, mọi nhà trí thức ở nhiều ngành nghề chuyên môn khác nhau và hoạt động trong các lĩnh vực không giống nhau tạo nên “quyền lực mềm”, sức mạnh nội sinh để tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tiễn, góp phần bảo đảm sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Thứ hai, với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, Tổ chức liên hiệp hội tự nhận thức, tự tổ chức xây dựng thành Tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh - nhân tố cơ bản của “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, góp phần trở thành nền tảng xã hội vững chắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
- Thứ ba, với tác động ngày càng mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, Tổ chức liên hiệp hội trở thành trung tâm nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng những tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống (góp phần xây dựng “đô thị thông minh”, “nhà máy thông minh”, “gia đình thông minh”, “giáo dục thông minh”, “y tế thông minh”...). Đồng thời, Tổ chức liên hiệp hội cũng trở thành “trung tâm thông minh” không chỉ trực tiếp thực hiện công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chủ trương, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn của các tỉnh, thành phố và cả nước, mà còn là “trung tâm kết nối”, tổng hợp các ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các chuyên gia và Nhân dân để gửi lên các cơ quan chức năng.
Tóm lại, cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang đến cho Việt Nam cả những thuận lợi, cơ hội lớn để phát triển và cả những khó khăn, thách thức không nhỏ trong phát triển. Trong điều kiện này, lịch sử trao cho đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ Việt Nam sứ mệnh định hướng và dẫn dắt xã hội thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 và nắm bắt tốt những cơ hội mà nó mang lại để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trần Hằng (Theo lienhiephoibinhphuoc.vn)