Banner chính
Thứ Tư, 04/12/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Cải tiến phương pháp thụ tinh nhân tạo trong sản xuất Hàu giống Thái Bình Dương tại Ninh Bình

Thứ Hai, 18/03/2024

Trong những năm gần đây hoạt động sản xuất Hàu giống Thái Bình Dương tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn đang ngày càng phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao cho các hộ nuôi trong vùng. Hiện nay, giống Hàu Thái Bình Dương chưa nuôi được thương phẩm tại Ninh Bình, xong việc sản xuất Hàu giống trong tỉnh nhằm cung cấp nhu cầu về giống cho các tỉnh phía bắc trong đó đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng đang phát triển thuận lợi.

Quảng Ninh đang có hàng nghìn ha nuôi Hàu thương phẩm, hàng năm có nhu cầu cần tới 30 tỷ con Hàu giống. Cách đây 3-4 năm tại Ninh Bình chỉ có khoảng vải chục trại, nhưng hiện nay đã nâng lên tới gần 300 trại và các trang trại đang hoạt động rất hiệu quả, 1ha sản xuất Hàu giống bình quân tổng doanh thu khoảng 2-3 tỷ đồng, thu lãi được lên đến 1 tỷ đồng/1cơ sở. Hàu giống sản xuất tại Ninh Bình được những người nuôi thương phẩm tại Quảng Ninh và Hải Phòng rất ưa chuộng, do tỷ lệ sống nuôi lên thương phẩm rất cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ bám rất cao, thời gian thu hoạch rất dài, dải được vụ trong năm. So với giống Hàu nhập từ Trung Quốc về Quảng Ninh nuôi thì Hàu giống Ninh Bình có chất lượng tốt hơn rất nhiều, chính vì vậy hiện nay có tới 70% Hàu giống ở Quảng Ninh và Hải Phòng được nhập từ Ninh Bình.

Trong sản xuất Hàu giống, việc lựa chọn, áp dụng quy trình sản xuất giống như thế nào giữ vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng và sự thành công của mỗi đợt sản xuất. Trước đây khi sản xuất Hàu giống Thái Bình Dương, các cơ sở trong vùng thường thực hiện quy trình: Tuyển chọn Hàu bố mẹ, áp dụng biện pháp kích thích sinh sản cho Hàu đẻ, ương nuôi ấu trùng lên Hàu giống. Khi áp dụng giải pháp này các cơ sở thường không phân biệt, tuyển chọn, xác định, phối trộn, điều chỉnh được tỷ lệ đực cái qua đánh giá hình thái bên ngoài, khi tiến hành kích thích sinh sản (sốc nhiệt) cho Hàu đẻ thường rất khó khăn do vỏ Hàu dày cần cường độ sốc rất cao… do đó kết quả sản xuất giống rất thấp, hoạt động sản xuất giống tại các trại thường ổn định. Trước thực trạng đó nhóm tác giả cùng với các cơ sở sản xuất Hàu giống trên địa bàn đã nghiên cứu, tìm tòi, đưa ra giải pháp mới “Cải tiến phương pháp thụ tinh nhân tạo trong sản xuất Hàu giống Thái Bình Dương tại Ninh Bình” để khắc phục những nhược điểm của giải pháp cũ, đem lại hiệu quả và sự chủ động cao trong sản xuất giống Hàu.

Việc tuyển chọn Hàu bố mẹ theo giải pháp cũ là sau khi nuôi vỗ để tham gia sinh sản, do đó gặp khó khăn trong việc phân biệt được Hàu bố mẹ (- đực, cái) không xác định được giai đoạn thành thục của Hàu bố mẹ qua hình thái bên ngoài, do vậy thường không kiểm soát được tỷ lệ đực, cái dẫn đến tỷ lệ (trứng tinh trùng) biến động không kiểm soát được, tỷ lệ trứng thụ tinh được ít, hỏng nhiều. Trong quá trình kích thích sinh sản (sốc nhiệt) do vỏ Hàu dày, đòi hỏi cường độ sốc nhiệt cao, kỹ thuật viên thường không kiểm soát được cường độ nhiệt sốc. Khi Hàu đẻ kỹ thuật viên phải canh, theo dõi trong suốt quá trình Hàu đẻ để phân biệt Hàu đực, cái. Qua đó cần vớt, loại bỏ bớt Hàu đực ra khỏi bể, chỉ để lại tỷ lệ Hàu đực, cái trong bể khoảng 1/8-10. Tỷ lệ ấu trùng thấp, môi trường nước bể ương bị ảnh hưởng (thường do lượng trứng ít, tinh trùng thì quá nhiều). Hiệu quả kinh tế không cao, hoạt động sản xuất giống chưa chủ động.

Sản phẩm Hàu giống ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

Nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn của giải pháp cũ qua quá trình chỉ đạo sản xuất thủy sản, nắm bắt tình hình thực tế về hoạt động sản xuất Hàu giống tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, nhóm tác giả đã cùng với các cơ sở sản xuất giống áp dụng giải pháp “Cải tiến phương pháp thụ tinh nhân tạo trong sản xuất Hàu giống Thái Bình Dương tại Ninh Bình”. Qua kết quả thử nghiệm giải pháp đã thu được các kết quả khả quan và tiến hành nhân rộng kết quả này tại các cơ sở sản xuất Hàu giống trong vùng.

Trong quá trình sản xuất Hàu giống, các cơ sở sản xuất giống vẫn áp dụng quy trình sinh sản nhân tạo giống Hàu, thay thế phương pháp kích thích sinh sản bằng thực hiện phương pháp mổ, thụ tinh nhân tạo. Giải pháp đã tuyển chọn, phân biệt được từng cá thể đực, cái. Xác định được giai đoạn phát triển của tuyến sinh dục, từ đó chủ động điều tiết, phối trộn được tỷ lệ trứng, tinh trùng trong quá trình thụ tinh nhân tạo, qua đó nâng cao được tỷ lệ, số lượng trứng thụ tinh, số lượng ấu trùng trong các đợt sản xuất.

Khi áp dụng biện pháp mổ việc tuyển chọn, phân biệt Hàu bố mẹ dễ dàng hơn do vậy các cơ sở sản xuất bố trí sản xuất chủ động hơn, sắp xếp hệ thống bể ương, chăm sóc nuôi ấu trùng hợp lý hơn, đồng thời có thể tiết kiệm một phần lượng Hàu bố mẹ sử dụng. Giải pháp này cho sinh sản được số lượng ấu trùng nhiều hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các cơ sở sản xuất giống. Giải pháp này có thể áp dụng, nhân rộng được cho tất cả các trại sản xuất Hàu giống trong vùng. Từ khi triển khai giải pháp này, đến nay đã có trên 34 cơ sở áp dụng, nhân rộng giải pháp. Giải pháp được triển khai thử nghiệm tại các cơ sở sản xuất Hàu giống Thái Bình Dương tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn trong hai năm: 2019, 2020.

Qua 2 năm triển khai thử nghiệm giải pháp “Cải tiến phương pháp thụ tinh nhân tạo trong sản xuất Hàu giống Thái Bình Dương tại Ninh Bình”, kết quả cho thấy giải pháp mới tỷ lệ sống của ấu trùng cao hơn, số lượng Hàu giống sản xuất ra cao hơn nhiều, đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn so với giải pháp cũ. Giải pháp mới dễ áp dụng, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao nên phù hợp với việc sử dụng lao động, kỹ thuật ở các các cơ sở sản xuất giống hiện nay tại huyện Kim Sơn. Các cơ sở sản xuất Hàu giống trong vùng tiếp nhận và từng bước hoàn thiện giải pháp từ đó thúc dẩy hoạt động sản xuất Hàu giống phát triển, cung cấp nguồn Hàu giống có chất lượng tốt cho người nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Với quy trình, kỹ thuật nuôi tối ưu, Hàu giống Kim Sơn đảm bảo tốt những tiêu chí của người nuôi thương phẩm như con giống dày, phát triển mạnh, bám cả 2 mặt giá thể. Đặc biệt, Hàu giống Kim Sơn có thể sống đến 10, 11 tháng mà không bị sụt giảm khối lượng, chất lượng thịt, sữa. Ngày 15 tháng 02 năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký số 444527 cho Nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn” do Ủy ban Nhân dân huyện Kim Sơn làm chủ sở hữu và tổ chức quản lý nhãn hiệu này.

Thu Hoài

Các tin khác