Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 đã xác định xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Ngày 20/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, ngày 12/7/2021, UBND Tỉnh ban hành kế hoạch số 106 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tất cả khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh ta cho phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình.
Ý nghĩa và vai trò của chính quyền điện tử, chuyển đổi số
Chúng ta có thể nói chính quyền điện tử vừa là động lực, vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, của một địa phương.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều có nền hành chính hiện đại song hành với nó là sự hoạt động, điều hành rất hiệu quả của Chính quyền điện tử do vậy đã đạt được nhiều thành quả lớn trong quản lý hành chính nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển, việc xây dựng Chính quyền điện tử từ trung ương đến địa phương không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính quyền điện tử thực hiện vai trò quản lý nhà nước đạt hiệu quả tối ưu, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên trong xã hội, thực hiện nhà nước là của dân, do dân và vì dân.
Chính quyền điện tử tự động hoá, cho phép công dân truy cập thu thập thông tin và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách nhanh gọn, đơn giản, chính xác và dễ dàng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí thông qua các phương tiện điện tử bất kỳ khi nào và ở đâu.
Chính quyền điện tử còn thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch khi tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tương tác với chính quyền, bày tỏ các ý kiến của mình; đồng thời, góp phần tăng cường năng lực điều hành và quản lý của Nhà nước, phòng chống tham nhũng, giảm chi phí vận hành bộ máy Nhà nước, góp phần tăng thu nhập quốc dân.
Thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn hiện nay
Để xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, vấn đề nguồn nhân lực là rất quan trọng, mang tính chất quyết định. Trong xây dựng và vận hành chính quyền điện tử địa phương chúng ta quan tâm tới 02 đối tượng: đối tượng thứ nhất là nhân lực CNTT, cần được phải đảm bảo về số lượng và chất lượng cao, làm chủ được công nghệ thông tin; đối tượng thứ hai là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cần được bồi dưỡng đủ kiến thức và kỹ năng sử dụng hiệu quả các phương tiện công nghệ thông tin trong thực thi nhiệm vụ của mình về các dịch vụ số, dịch vụ đô thị thông minh.
Thực trạng nguồn nhân lực CNTT của tỉnh Ninh Bình còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Yêu cầu cần có kế hoạch và giải pháp cấp bách, khả thi để trong thời gian sớm nhất có đủ nguồn nhân lực CNTT, đáp ứng yêu cầu của kế hoạch triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số của tỉnh.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin theo vị trí công tác của mình trong tiến trình vận hành chính quyền điện tử địa phương.
Một số giải pháp trước mắt về nguồn nhân lực của tỉnh
Trước tiên tỉnh cần rà soát lại thực trạng nguồn nhân lực CNTT. Đối với đội ngũ CNTT có trình độ chuyên môn tốt, làm chủ được CNTT thì bố trí, sắp xếp ở vị trí phù hợp; đối với đội ngũ còn yếu về chuyên môn thì có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để làm chủ được CNTT.
Để giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực CNTT, tỉnh phải có kế hoạch khả thi cho việc đào tạo bổ sung. Bên cạnh đó tỉnh phải có kế hoạch tuyển dụng, chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT.
Để đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực CNTT, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng vận hành chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình yêu cầu cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm chính trị cao trong suốt qua trình xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
Đỗ Văn Dung - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh