1. Trợ cấp mẹ Việt Nam anh hùng bằng ba lần mức chuẩn
Pháp lệnh ưu đãi về người có công có hiệu lực từ ngày 01/7, thay thế cho Pháp lệnh năm 2005, quy định mức trợ cấp hàng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng ba lần mức chuẩn.
Mức chuẩn để xác định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng. Theo quy định trước đó, bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng tiền tuất theo số con liệt sỹ cộng phụ cấp. Nếu mẹ có một con là liệt sỹ được hưởng 1.624.000 đồng cộng với phụ cấp 1.361.000 đồng; mẹ có hai con là liệt sỹ được hưởng tiền tuất 3.248.000 (1.624.000x2) cộng với phụ cấp.
Tuy nhiên, Pháp lệnh mới không quy định trợ cấp tuất theo số con liệt sỹ mà các mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hưởng mức trợ cấp hàng tháng bằng ba lần mức chuẩn (1.624.000x3 = 4.872.000 đồng) cộng phụ cấp. Như vậy, hàng tháng mỗi mẹ Việt Nam anh hùng sẽ nhận được 6.233.000 đồng.
Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, với việc nâng mức trợ cấp, cùng với phụng dưỡng của xã hội, bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ có cuộc sống tốt hơn mà không phụ thuộc vào số con liệt sỹ. Pháp lệnh giữ nguyên quy định ưu đãi khác dành cho bà mẹ Việt Nam anh hùng như trợ cấp người phục vụ (với mẹ sống ở gia đình); điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm...
2. Những trường hợp được miễn phí kiểm dịch thực vật
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 33/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động kiểm dịch và bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, những trường hợp được miễn phí kiểm dịch thực vật như sau:
- Kiểm dịch lô hàng giống dùng cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường hợp khối lượng: Nhỏ hơn hoặc bằng 01 kg (hạt giống), nhỏ hơn hoặc bằng 10 cá thể (cành ghép, mắt ghép, hom giống, củ giống) đối với một chủng loại giống cho một lần nhập khẩu, xuất khẩu.
- Kiểm dịch sản phẩm thực vật xách tay nhập khẩu để sử dụng trong thời gian đi đường.
- Kiểm dịch thực vật theo nghi thức ngoại giao khi xuất cảnh, nhập cảnh.
- Kiểm dịch thực vật phục vụ các sự kiện của quốc gia.
- Kiểm dịch thực vật làm quà tặng của Nguyên thủ quốc gia.
- Kiểm dịch thực vật xuất khẩu vào các thị trường mới mở.
Cũng theo Thông tư số 33/2021/TT-BTC, phí thẩm định cấp giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật như sau: Đối với khảo nghiệm diện rộng và diện hẹp mức phí là 6 triệu đồng/lần; trường hợp khảo nghiệm diện rộng mức thu là 3,5 triệu đồng/lần.
Đối với thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật: Trường hợp đăng ký chính thức mức thu 9 triệu đồng/lần; đăng ký bổ sung, gia hạn mức thu 2,5 triệu đồng/lần; phí thẩm định cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, mức thu 6 triệu đồng/lần.
Thông tư số 33/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/7/2021.
3. Áp dụng một số chính sách mới về Bảo hiểm y tế
Nhiều văn bản có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 cũng có một số quy định liên quan đến bảo hiểm y tế. Cụ thể như:
- Luật Cư trú 2020 thay đổi khái niệm “Hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế”. Theo đó, hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú (trước đây là toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú).
- Nghị định 20 của Chính phủ bổ sung một số trường hợp được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, như: Người đơn thân nghèo đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc con từ 16 đến 22 tuổi nhưng đang ăn học; Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng…
- Thông tư 04 của Bộ Y tế quy định việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế theo định suất. - Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2020 quy định vợ hoặc chồng liệt sỹ đã tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sỹ hoặc chăm sóc cha, mẹ đẻ của liệt sỹ cũng được hỗ trợ về Bảo hiểm y tế (trong khi trước đây không được)…
4. Quy định mới về hủy, xác lập lại số định danh cá nhân
Thông tư số 59/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021.
Thông tư nêu rõ quy định việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân. Cụ thể, trường hợp xác lập lại số định danh cá nhân do công dân được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú yêu cầu công dân đó cung cấp giấy tờ, tài liệu hộ tịch chứng minh việc đã được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh để kiểm tra, xác minh, bổ sung vào hồ sơ quản lý và gửi yêu cầu đề nghị xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp hủy số định danh cá nhân đã xác lập cho công dân do có sai sót trong quá trình nhập dữ liệu liên quan đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú phải kiểm tra, xác minh tính chính xác của các thông tin cần điều chỉnh và gửi yêu cầu đề nghị hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.
Thông tư có hiệu lực từ 01/7/2021.
5. Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân
Thông tư số 60/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cũng có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.
Trong đó, về tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, Thông tư nêu rõ, công dân đến địa điểm làm thủ tục cấp Căn cước công dân hoặc thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Đông Hà