Banner chính
Chủ Nhật, 08/09/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Thứ Tư, 08/05/2024

Nhiều chính sách mới liên quan lớn đến đời sống,kinh tế xã hội như: Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; Quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; Điều kiện xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

1. Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước

Tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP, Chính phủ quy định tiêu chuẩn áp dụng cho chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, sẽ có hiệu lực từ 01/5/2024.

Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định 29/2024/NĐ-CP, công chức lãnh đạo phải đáp ứng các điều kiện chung dưới đây:

- Về chính trị tư tưởng: Trung thành với lợi ích của Đảng, quốc gia và dân tộc; có lập trường, có tinh thần yêu nước, tuân thủ kỷ luật trong phát ngôn…

- Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật: Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực, lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị, có trách nhiệm cao với công việc, đoàn kết, gương mẫu, tích cực ngăn chặn biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống cơ hội…

- Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp ngành công tác; có bằng cử nhân chính trị hoặc cao cấp chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ cao cấp lý luận chính trị…

- Về năng lực và uy tín: Người được bổ nhiệm công chức lãnh đạo phải có tư duy đổi mới, phương pháp làm việc khoa học, có khả năng dự báo, phân tích, quy tụ và phát huy sức mạnh của tập thể, cá nhân; năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

- Về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác: Đủ sức khỏe, đảm bảo tuổi bổ nhiệm, có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác; có kinh nghiệm thực tiễn, thời gian công tác phù hợp…

Ngoài ra, Chính phủ quy định một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm: Trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn đã kinh qua vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến bổ nhiệm.

Trường hợp người giữ chức vụ, chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 29/2024 được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm chức vụ, chức danh khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm.

Trong trường hợp đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, yêu cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện tại Nghị định 29 nhưng không phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định của chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.

Đối với các trường hợp này, Chính phủ yêu cầu phải hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm.

2. Quy định mới về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Nghị định 35/2024/NĐ-CP ngày 2/4/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" có hiệu lực từ 25/5/2024.

Cụ thể, đối tượng áp dụng là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục bao gồm:

- Nhà giáo và cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục (gọi chung là nuôi dạy), giảng dạy trong cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục;

- Cán bộ quản lý làm nhiệm vụ quản lý tại các cơ quan quản lý giáo dục theo quy định của pháp luật (gọi chung là cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục);

- Cán bộ nghiên cứu giáo dục làm nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp;

- Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng;

- Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu tại các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục.

3. Điều kiện xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật

Nghị định 36/2024 của Chính phủ quy định chi tiết xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật có hiệu lực thi hành từ 20/5.

Theo đó, tác giả có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật đề nghị xét tặng 2 giải thưởng này phải trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật, nghiên cứu về Việt Nam đề nghị xét tặng 2 giải thưởng phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam.

Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật xét tặng phải đáp ứng các điều kiện: Đã được công bố, sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát kể từ ngày 02/9/1945.

Thời gian tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng tối thiểu là 5 năm đối với "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 3 năm đối với "Giải thưởng Nhà nước" tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương.

Đồng thời, tác phẩm, công trình đó không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố, sử dụng hoặc có tranh chấp nhưng đã được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm nộp hồ sơ xét tặng.

4. Quy định mới về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân

Ngày 26/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg, quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 15/5/2024.

Về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân, Quyết định nêu rõ: Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.

Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

5. Điều kiện tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam

Ngày 04/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017.

Theo đó, điều kiện tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam bao gồm:

- Tàu cá có đủ điều kiện hoạt động; đã được đăng ký, có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực ít nhất 06 tháng; có đủ trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá; thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc phù hợp, được quy định chi tiết như sau:

+ Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền thông tin, dữ liệu qua hệ thống thông tin vệ tinh, không thuộc danh sách tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp;

+ Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi chọn số và thu trực canh (DSC) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB).

- Đáp ứng điều kiện khác theo quy định của tổ chức nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác được quy định chi tiết như sau:

+ Có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) theo quy định trong trường hợp tàu cá đi khai thác tại vùng biển thuộc quyền của quản lý của tổ chức nghề cá khu vực hoặc tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác có yêu cầu;

+ Có giám sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển;

+ Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế do Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý.

Đông Hà

Các tin khác