Banner chính
Thứ Tư, 04/12/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 03/2024

Thứ Ba, 12/03/2024

Nhiều chính sách mới liên quan lớn đến đời sống,kinh tế xã hội như: Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Quy định mới về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao; Bổ sung số định danh cá nhân trong hoạt động ngân hànglà những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 03/2024

1. Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ

Có hiệu lực từ ngày 10/4/2024, Nghị định số 18/2024/NĐ-CP ngày 21/2/2024 của Chính phủ quy định rõ điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Theo quy định, đối với tác giả: Trực tiếp sáng tạo, đóng góp vào giá trị khoa học và công nghệ của công trình; không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và công nghệ và đáp ứng điều kiện sau:

- Đối với người Việt Nam: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Đối với người nước ngoài: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, pháp luật và phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam.

- Đối với công trình: Hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước), hoặc được ứng dụng tại Việt Nam;

Thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 01 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

2. Quy định mới về chuẩn cơ sở giáo dục đại học

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 22/3.

Theo đó, ban hành kèm Thông tư này là tiêu chuẩn, tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, tiêu chuẩn 1 về tổ chức và quản trị. Trong đó, bộ máy tổ chức phải ổn định, hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch gồm các vị trí lãnh đạo chủ chốt và không khuyết thiếu đồng thời hai vị trí quá 6 tháng…

Tiêu chuẩn 2 là về giảng viên. Theo đó, giảng viên cơ sở đại học phải đáp ứng tiêu chuẩn về số lượng, trình độ, quỹ thời gian đảm bảo chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.

Tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất phải có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Tiêu chuẩn 4 phải duy trì cân đối tài chính.

Tiêu chuẩn 5 về tuyển sinh và đào tạo phải duy trì được chất lượng, hiệu quả và hỗ trợ người học.

Tiêu chuẩn 6 là phải có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua các kết quả công bố khoa học và nguồn thu từ hoạt động này.

3. Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao được quy định tại Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1/2/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 25/03/2024.

Nghị định quy định khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Mức ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với dự án đầu tư, các hoạt động trong khu công nghệ cao được áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng và pháp luật có liên quan.

Ban quản lý khu công nghệ cao và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thuế, hải quan và các thủ tục liên quan theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của pháp luật; hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình nhà đầu tư triển khai hoạt động tại khu công nghệ cao.

Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

4. Bổ sung số định danh cá nhân trong hoạt động ngân hàng

Có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng 3 (ngày 01/3/2024), Thông tư 24/2023/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung các Thông tư về việc xuất trình, cung cấp giấy tờ về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động ngân hàng.

Theo đó, Thông tư 24 sửa đổi các giấy tờ trong thủ tục hành chính liên quan đến:

- Ngân hàng hợp tác xã: Hồ sơ của thành viên tham gia góp vốn vào ngân hàng hợp tác xã gồm:

+ Tên và địa điểm đặt trụ sở chính, giấy phép thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn góp và tỷ lệ, thời hạn góp vốn;

+ Họ tên, nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi thường trú, tạm trú), số Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc định danh cá nhân (với cá nhân là người đại diện theo pháp luật, người đại diện vốn góp)

Trong khi đó, quy định cũ ngoài CMND thì có thể dùng hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác - quy định mới đã thay những giấy tờ này bằng định danh cá nhân;

- Hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần từ trái phiếu chuyển đổi, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận để lại và các quỹ khác bao gồm các tài liệu với cá nhân:

Họ, tên, số CMND/số định danh cá nhân (cá nhân mang quốc tịch Việt Nam), số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu, ngày và nơi cấp với cá nhân không có quốc tịch Việt Nam.

Trong khi đó, quy định cũ đang sử dụng số CMND/số thẻ Căn cước công dân/số hộ chiếu/giấy tờ chứng thực hợp pháp khác, ngày cấp, nơi cấp mà không phân biệt có quốc tịch Việt Nam hay không. Đồng thời, bổ sung thêm giấy tờ là số định danh cá nhân.

5. Bãi bỏ quyết định về cho vay mua máy tính học Online từ 30/3/2024

Đây là nội dung đáng chú ý được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Quyết định 02/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 30/3/2024.

Theo đó, Quyết định này bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến ngày 04/4/2022.

Với các hợp đồng tín dụng đã được ký trước ngày 30/3/2024 thì sẽ giải quyết như sau:

- Các bên (ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng, các bên liên quan) tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký.

- Việc theo dõi, thu hồi nợ, xử lý nghiệp vụ phát sinh liên quan đến khoản nợ này do ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện theo quy định áp dụng với ngân hàng này.

6. Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 02/2024 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2024.

Nghị định số 02/2024 nêu rõ, công trình được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch phát triên điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh tại thời điểm xây dựng hoặc tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao; đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao.

Đồng thời, đây cũng phải là công trình điện đang vận hành (đang được sử dụng để phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) bình thường tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao; công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào khác…

Đông Hà

Các tin khác