Banner chính
Thứ Sáu, 04/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 06/2022

Thứ Sáu, 07/10/2022
Nhiều chính sách mới liên quan lớn đến đời sống,kinh tế xã hội như: Chính sách mới về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh; Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành Y tế; Sử dụng hóa đơn giấy đến hết ngày 30/6; Quy định mới về thành lập, chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Những trường hợp đơn khiếu nại công an sẽ không được xử lý; Chế độ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2022.

1. Chính sách mới về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 24/6/2022.

Theo quy định, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị  định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

2. Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư 01/2022/TT-VPCP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2022.

Theo Thông tư, Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Văn phòng UBND cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Văn phòng UBND cấp tỉnh là đầu mối Cổng Thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; quản lý Công báo và phục vụ các hoạt động chung của UBND cấp tỉnh; giúp Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý công tác quản trị nội bộ của Văn phòng; tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc (đối với địa phương không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc).

3. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành Y tế

Từ ngày 10/6/2022, không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Đây là điểm mới tại Thông tư 03/2022/TT-BYT sửa đổi quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 26/4/2022.

Đơn cử, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với bác sĩ cao cấp (hạng I) bao gồm:

Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Còn đối với bác sĩ chính (hạng II) thì yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Đối với bác sĩ (hạng III) thì yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành Y học dự phòng); bác sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

4. Sử dụng hóa đơn giấy đến hết ngày 30/6

Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì vẫn được tiếp tục sử dụng hóa đơn đó đến hết ngày 30/6/2022. Thay vì sử dụng hóa đơn giấy, từ ngày 01/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Hiện nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Mặc dù còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng cho thấy nhiều lợi ích như:

- Giúp người sử dụng hóa đơn, người nhận hóa đơn tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính.

- Giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng, tránh thất thoát, cháy hỏng hóa đơn.

- Giúp doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng số hóa, cơ quan Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số…

5. Quy định mới về thành lập, chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 25/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.

Trong đó, Nghị định quy định doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.

Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

6. Những trường hợp đơn khiếu nại công an sẽ không được xử lý

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 23/2022 quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân (CAND), có hiệu lực từ ngày 15/6/2022.

Theo quy định tại Thông tư 19/2022 của Bộ Công an, đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân sẽ không được xử lý trong các trường hợp sau:

- Đơn khiếu nại không đáp ứng về hình thức (đơn không ghi rõ người người gửi, không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn…) và nội dung (không ghi rõ nội dung, lý do khiếu nại...).

- Đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan, đơn vị tiếp nhận đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết.

- Đơn trùng nội dung đã chuyển đơn hoặc đã được hướng dẫn theo quy định.

- Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đơn có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.

7. Chế độ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 10/5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 06/2022 hướng dẫn Nghị định 80/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thông tư nêu rõ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội.

Nội dung hỗ trợ bao gồm bốn chế độ là hỗ trợ công nghệ, tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến.

Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ chi phí thuê, mua mua các giải pháp chuyển đổi số; đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số để đề xuất hỗ trợ phù hợp.

Cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số để xem xét hỗ trợ phù hợp với năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp đào tạo hoặc cung cấp dịch vụ đào tạo về quản trị doanh nghiệp bao gồm khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp cơ bản và khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu….

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đề xuất nhiều nội dung hỗ trợ trong một hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ. Tại cùng một thời điểm với cùng một nội dung hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được gửi đến một cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị hạn chế số lần hỗ trợ hoặc số lượng hợp đồng hỗ trợ đối với các nội dung hỗ trợ quy định tính theo triệu đồng/năm/doanh nghiệp hoặc triệu đồng/năm nhưng phải đảm bảo không vượt quá tỷ lệ, định mức hỗ trợ tối đa quy định tại Nghị định số 80/2021.

Thông tư 06 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2022.

Đông Hà

Các tin khác