Banner chính
Chủ Nhật, 08/09/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 06/2024

Thứ Năm, 06/06/2024

Nhiều chính sách mới liên quan lớn đến đời sống,kinh tế xã hội như: Những trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024; Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp từ ngày 01/6/2024; Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm;  Phương thức thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 06/2024.

1. Những trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024

Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi hàng loạt các Thông tư liên quan đến vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái sẽ có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.Cụ thể, các trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024 gồm:

Trong đó, các trường hợp bị thu hồi Giấy phép lái xe (GPLX) gồm có:

- Có hành vi gian dối để được cấp GPLX. Có thể kể đến khai báo gian dối về tuổi, sức khỏe, sử dụng giấy tờ không đúng quy định…

- Tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên GPLX: Những người vi phạm trường hợp này sẽ không được cấp bằng trong 05 năm, nếu muốn cấp lại thì phải học và sát hạch như cấp giấy phép lái xe lần đầu.

- Để người khác sử dụng GPLX của mình: Đây là một trường hợp mới so với trước đây. Khi bị phát hiện thì sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe. Nếu muốn cấp lại thì phải học và thi sát hạch lại.

- Cấp GPLX cho người không đủ điều kiện: Trong đó, người được cấp bằng lái xe có thể không có đủ các điều kiện như không đủ tuổi, không đủ sức khỏe…

- Khi có sai sót về thông tin trên GPLX. Các thông tin có thể bị sai sót gồm thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe…

- Khi người lái xe bị phát hiện trong cơ thể có ma túy thông qua việc khám sức khỏe.

2. Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp từ ngày 01/6/2024

Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Cụ thể, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu, có vị trí việc làm còn thiếu ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xét thăng hạng và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02.

- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT .

Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.

3. Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP ngày 24/4/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2024.

Trong đó, Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho tổ chức theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng. Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoặc một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).

Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không áp dụng đối với: Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm, phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 44/2024/NĐ-CP phê duyệt tại Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.

4. Ban hành sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới

Ngày 13/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 36/2023/TT-BGTVT sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Các trường hợp không phải thử nghiệm lại khí thải bao gồm:

- Các kiểu loại xe ô tô hoặc động cơ xe ô tô đã được cấp Báo cáo thử nghiệm khí thải phù hợp với QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới;

- Các xe ô tô được sản xuất tại Việt Nam từ xe ô tô cơ sở (từ xe ô tô sát xi hoặc từ xe ô tô hoàn chỉnh) đã được cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (xe sản xuất, lắp ráp trong nước) hoặc được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (xe nhập khẩu).

Thông tư 36/2023/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2024.

5. Điều kiện vay vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ ban hành Nghị định 45/2024 sửa đổi, bổ sung một số nội dung về hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về nguyên tắc cho vay, hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với quy định tại Nghị định này. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn của Quỹ phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận. Đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam.

Nghị định mới bổ sung nguyên tắc doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ nếu đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn.

Nguyên tắc này nhằm hạn chế một doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải cho nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Sau khi doanh nghiệp hoàn trả hết sẽ đủ cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả, khả năng và nhu cầu thực sự hỗ trợ lần tiếp theo

6. Người tiêu dùng có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được nêu ra tại Thông tư số 02/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ, có hiệu lực từ 01/6.

Người tiêu dùng có thể tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia các thông tin sau: Tên và hình ảnh của sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị và địa chỉ của đơn vị sản xuất, kinh doanh; thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra trong sản xuất, kinh doanh; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký tự và số seri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng (nếu có).

Tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm bảo đảm phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13274:2020 Truy xuất nguồn gốc - Hướng dẫn định dạng các mã dùng trong truy vết do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trước khi đưa vào sử dụng.

7. Sửa quy định đánh giá tác động của chính sách khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Chính phủ ban hành Nghị định 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 154/2020/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Nghị định 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định 154/2020/NĐ-CP về đánh giá tác động của chính sách.

Cụ thể, việc đánh giá tác động của chính sách khi lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL theo yêu cầu các nội dung sau: Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật; tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…

Nghị định 59/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2024.

8. Phương thức thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 27/2024/TT-BTC ngày 03/5/2024 quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương, có hiệu lực từ ngày 17/6/2024.

Theo đó, phương thức thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương như sau:

- Việc chuyển đổi vị trí công tác là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan.

- Định kỳ hằng năm, cấp ủy và người đứng đầu cơ quan phải ban hành, công khai kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.

Việc rà soát, xây dựng kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện trong Quý I hằng năm.

- Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan trong phạm vi quản lý của chính quyền địa phương.

- Đối với cơ quan chỉ có một vị trí trong danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung.

Đông Hà

Các tin khác