Banner chính
Thứ Sáu, 25/10/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 07/2024

Thứ Tư, 10/07/2024

Nhiều chính sách mới liên quan lớn đến đời sống,kinh tế xã hội như: Chế độ, chính sách với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, tai nạn, bị thương; Sửa quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sởlà những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 07/2024

1. Sửa quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 46/2024/NĐ-CP ngày 4/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021.

Trong đó, Nghị định số 46/2024/NĐ-CP bổ sung thêm "Điều 3a. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính".

Cụ thể, Nghị định số 46/2024/NĐ-CP bổ sung biện pháp ngăn chặn là tạm giữ tên miền thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm: Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

2. Chế độ, chính sách với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, tai nạn, bị thương

Nghị định 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

3. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sở 

Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở, trong đó nêu rõ: Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sở.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

4. Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 

Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trong đó dành riêng Chương III quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

5. Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử

Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử vừa được quy định rõ tại Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Nghị định quy định tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải đảm bảo điều kiện về tổ chức, doanh nghiệp; nhân sự; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, quy trình quản lý cung cấp dịch vụ và phương án bảo đảm an ninh, trật tự.

Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trong Công an nhân dân; người đứng đầu tổ chức, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam…

6. Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 

Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Nghị định quy định rõ việc khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo quy định cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp tài khoản cho cơ quan, tổ chức để truy cập, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp tài khoản có trách nhiệm tạo lập, quản lý tài khoản riêng trên hệ thống thông tin của mình đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phân quyền sử dụng tài khoản đã tạo lập cho cá nhân thuộc quyền quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

7. Thẻ Căn cước Công dân thành thẻ Căn cước

Từ 01/7, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người. Thẻ căn cước công dân đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước.

Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Điều 18 của Luật Căn cước nêu các trường thông tin thể hiện trên thẻ Căn cước. Trong đó có ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.

Như vậy, so với Luật Căn cước công dân 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ không cần thể hiện trên thẻ Căn cước. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp...

Người được cấp thẻ Căn cước bao gồm: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước; công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu.

8. Liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ Bảo hiểm Y tế

Từ 01/7, người dân có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi cùng lúc trên cổng dịch vụ công.

Nghị định số 63/2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính nêu rõ, liên thông điện tử 22 nhóm thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.

Theo đó, người dân giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không phải nộp bản giấy. Phương thức xử lý được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các thủ tục hành chính thực hiện liên thông có giá trị pháp lý như các hình thức khác và không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức.

Thông tin trong tờ khai điện tử nếu đã có trong Cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, bảo hiểm sẽ được phần mềm dịch vụ công liên thông điền tự động. Hồ sơ, biểu mẫu điện tử của từng thủ tục cũng được phần mềm dịch vụ công liên thông tự động phân tách để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

9. Quy định về chữ ký số

Ngày 22/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó các quy định mới về chữ ký số được quy định như sau:

Chữ ký số, là một hình thức chữ ký điện tử, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây, đảm bảo tính hiệu quả và bảo mật trong các giao dịch điện tử:

- Xác nhận và chấp thuận: Chữ ký số xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu. Điều này đảm bảo tính xác thực và sự đồng ý rõ ràng từ phía chủ thể đối với nội dung của thông điệp dữ liệu.

- Gắn kết với nội dung: Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ được gắn kết duy nhất với nội dung được chấp thuận của thông điệp dữ liệu. Điều này đảm bảo tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu, không cho phép sửa đổi thông tin sau khi chữ ký số đã được tạo ra.

- Sự kiểm soát: Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký. Điều này đảm bảo rằng chỉ có chủ thể ký mới có thể tạo và kiểm soát chữ ký số, đồng thời giới hạn truy cập và sửa đổi từ các bên khác.

- Phát hiện thay đổi: Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký có thể bị phát hiện. Điều này đảm bảo tính trung thực và không thể chối bỏ của thông điệp dữ liệu, bất kể có sự can thiệp hay thay đổi từ bên ngoài.

- Để đảm bảo tính bảo mật và đáng tin cậy của chữ ký số, yêu cầu sử dụng chứng thư chữ ký số là cần thiết. Cụ thể, có hai trường hợp cần được bảo đảm bằng chứng thư chữ ký số từ các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số:

+ Chữ ký số chuyên dùng công vụ: Trường hợp chữ ký số được sử dụng cho mục đích chuyên dùng công vụ, nó phải được bảo đảm bằng chứng thư chữ ký số từ tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Điều này đảm bảo tính uy tín và khả năng xác minh của chữ ký số trong các hoạt động liên quan đến dịch vụ công.

+ Chữ ký số công cộng: Trường hợp chữ ký số sử dụng công cộng, nó cũng cần được bảo đảm bằng chứng thư chữ ký số từ tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Điều này đảm bảo tính xác thực và sự tin cậy của chữ ký số trong các hoạt động trao đổi thông tin công cộng.

- Phương tiện tạo chữ ký số phải đáp ứng những yêu cầu bảo mật và tính toàn vẹn sau đây để đảm bảo tính chính xác và bảo mật của quá trình ký:

+ Bảo mật thông tin: Dữ liệu tạo chữ ký số phải được bảo vệ một cách tuyệt đối để tránh tiết lộ, thu thập hoặc sử dụng sai mục đích cho việc giả mạo chữ ký. Điều này đảm bảo rằng chỉ những người có quyền truy cập có thể tạo và sử dụng dữ liệu tạo chữ ký số.

+ Một lần sử dụng duy nhất: Dữ liệu được sử dụng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất. Điều này đảm bảo tính duy nhất và không thể tái sử dụng của chữ ký số, ngăn chặn bất kỳ việc sao chép hoặc sửa đổi nội dung sau khi đã được ký.

+ Tính toàn vẹn dữ liệu: Phương tiện tạo chữ ký số không được làm thay đổi dữ liệu cần ký. Nó phải bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, đảm bảo rằng bất kỳ sửa đổi nào sau quá trình ký đều có thể được phát hiện.

Tuân thủ các yêu cầu trên đảm bảo rằng quá trình tạo chữ ký số là an toàn, không thể giả mạo và không thể chối bỏ. Điều này tạo ra một cơ chế tin cậy để xác minh tính xác thực và toàn vẹn của chữ ký số trong các giao dịch điện tử. Với các yêu cầu này, chữ ký số đảm bảo tính chính xác, bảo mật và khả năng phát hiện thay đổi, tạo ra một cơ chế tin cậy trong việc xác thực và bảo vệ thông tin trong giao dịch điện tử.

Đông Hà

Các tin khác