Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023

Thứ Tư, 08/11/2023

Nhiều chính sách mới liên quan lớn đến đời sống, kinh tế xã hội như: Hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị; Quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô công; Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2023; Quy định mới về thu phí lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2023.

1. Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2023

Ngày 03/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023.

Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật Đất đai 2013 và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai 2013) và pháp luật khác có liên quan.

Mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định 01/2023/QĐ-TTg ).

Quyết định 25/2023/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2023.

2. Quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô công

Ngày 26/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Khái ký ban hành Nghị định số 72/2023/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô thay thế Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019, có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung mới.

Nghị định nêu rõ chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô, không quy định mức giá, kể cả khi đã nghỉ công tác, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Các chức danh sử dụng xe ô tô phục vụ công tác được căn cứ theo danh mục chức danh, chức vụ... từ trung ương đến cơ sở quy định tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị. Theo đó đã chia các chức danh, chức vụ thành 4 nhóm để quy định tiêu chuẩn, định mức.

Căn cứ vào danh mục chức danh, chức vụ quy định tại Kết luận số 35-KL/TW có các nhóm chức danh như: Tổng cục trưởng và tương đương, Vụ trưởng và tương đương, Phó Vụ trưởng và tương đương.

Bên cạnh đó về giá xe ô tô phục vụ công tác các chức danh cũng có sự điều chỉnh đảm bảo phù hợp với giá xe trên thị trường hiện nay.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/11.

3. Quy định mới chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp huyện

Theo Thông tư 03/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng, từ ngày 11/11/2022, thực hiện quy định mới về chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp huyện.

Cụ thể, về vị trí và chức năng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng; kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng trên địa bàn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực khác thuộc Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tương ứng.

Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có con dấu, có tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của UBND cấp huyện; chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

4. Quy định mới về mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm

Thông tư số 61/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 28/9/2023 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (đăng ký biện pháp bảo đảm) đối với động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm theo quy định tại Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định tại Luật Xây dựng, gồm:

a) Phí đăng ký giao dịch bảo đảm.

b) Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

c) Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

Tổ chức thu phí là Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản được để lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí (bao gồm cả chi phí để Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trang trải cho việc quản lý, vận hành, duy trì Hệ thống đăng ký trực tuyến, cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp); nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước: Nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2023.

5. Quy định mới về thu phí lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 62/2023/TT-BTC ngày 3/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Theo Thông tư, tổ chức thu phí là Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an xã, phường, thị trấn.

Tổ chức thu phí được trích lại 25% (thay cho mức 20% theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí bao gồm cả các khoản chi hỗ trợ để thực hiện các nội dung sau:

Chi phí đi lại, ăn ở, thuê phiên dịch, canh giữ người nước ngoài bị lưu giữ; chi khám chữa bệnh khi người nước ngoài bị ốm; áp giải người nước ngoài cư trú trái phép, vi phạm pháp luật về nước. Chỉ sử dụng tiền phí trích lại để hỗ trợ các nội dung chi này khi cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm không chịu kinh phí hoặc không có cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm pháp luật ở Việt Nam.

Trường hợp có công bố dịch bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức thu phí được quyết định chi các nội dung chi nêu trên và các chi phí trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong xử lý các trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật.

Chi tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Chi ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Chi phục vụ đàm phán, hợp tác đối với đối tác nước ngoài phục vụ công tác cấp thị thực và các giấy tờ liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài.

Bổ sung thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh theo quy định của Bộ Công an,

Bộ Quốc phòng và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành (nếu có).

Tổ chức thu phí nộp 75% (thay cho mức 80% hiện hành) số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/11/2023.

Đông Hà

Các tin khác