Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2021

Thứ Ba, 28/12/2021
Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện; Chính sách liên quan đến công chức, viên chức; Tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; sửa đổi biểu thuế xuất nhập nhẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2021.

1. Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện

Nghị định 93/2021/NĐ-CP ban hành ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.

Trong đó, Nghị định quy định các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.

Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Sửa đổi hình thức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Có hiệu lực từ ngày 10/12/2021, Nghị định 89/2021/NĐ-CP ban hành ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, Nghị định sửa đổi hình thức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, có 04 hình thức bồi dưỡng gồm: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã; bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.

3. Hạn cuối giảm 50% lệ phí làm Căn cước công dân gắn chip

Người dân đi làm Căn cước công dân sẽ giảm 50% lệ phí đến ngày 31/12/2021, theo Thông tư 47/2021/TT-BTC.

Cụ thể, nếu chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân, mức lệ phí là 15 nghìn đồng; đổi thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 25 nghìn đồng và cấp lại thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 35 nghìn đồng.

Từ sau ngày 31/12/2021, mức lệ phí trên tăng gấp đôi. Tại Thông tư này, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ giảm nhiều loại phí khác nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19. Theo đó, giảm 10% phí hải quan; 20% phí đăng ký giao dịch bảo đảm; 20% phí cấp hộ chiếu, 10% phí sử dụng đường bộ với xe tải chở hàng hóa và 30% đối với xe khách…

4. Thay đổi quy định về kỳ xét ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô

Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực từ 31/12/2021.

Điểm đáng chú ý của Nghị định 101/2021/NĐ-CP là cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng. Cụ thể như sau:

- Kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hoặc từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hằng năm

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối trong kỳ 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ 06 tháng cuối năm.

Đồng thời, doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa đối với số linh kiện đã sử dụng trong kỳ nếu đáp ứng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7a Nghị định 125/2017/NĐ-CP.

- Kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Nghị định 57/2020/NĐ-CP hiện hành chỉ quy định về kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hoặc từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.

5. Tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/11/2021 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo Nghị định trên, từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ; các nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Từ ngày 01/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ; các nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

6. Được giữ lại 70% số tiền phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 91/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 191/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Theo đó, tổ chức thu phí thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 30% vào ngân sách nhà nước. Theo Thông tư 191/2016/TT-BTC hiện hành, các tổ chức này được để lại 90% phí thu được và nộp 10% vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định thì phải nộp 100% tiền phí thu được vào Ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai,theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Đông Hà

Các tin khác