Nhiều chính sách mới liên quan lớn đến đời sống,kinh tế xã hội như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh; Tiêu chuẩn trình độ chuyên môn giám định viên pháp y tâm thần; Nguyên tắc kết nối, chia sẻ thông tin CSDLQG về dân cư với hệ thống thông tin khác; Hình thức gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương thuộc quản lý Bộ Nội vụ; Chuẩn bị "khai tử" sổ hộ khẩu giấy .. có hiệu lực từ tháng 12/2022.
1. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh
Đây là nội dung tại Thông tư 14/2022/TT-BTTTT (có hiệu lực từ ngày 12/12/2022) quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Điều kiện được hỗ trợ:
+ Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến (máy tính bảng, máy tính để bàn, máy tính xách tay) thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (tính đến thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ số lượng điện thoại thông minh cho các địa phương);
+ Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.
- Hình thức hỗ trợ:
+ Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình;
+ Hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày Thông tư 14/2022/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành). Trường hợp hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ.
2. Tiêu chuẩn trình độ chuyên môn giám định viên pháp y tâm thần
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 11/2022/TT-BYT ngày 01/11/2022 quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần.
Theo đó, tiêu chuẩn trình độ chuyên môn với giám định viên pháp y tâm thần quy định như sau:
Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp, không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:
- Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo quy định tại Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT phù hợp với lĩnh vực pháp y tâm thần.
- Là bác sĩ thuộc ngành đào tạo y đa khoa đã được cấp Chứng chỉ hoặc Giấy chứng nhận đào tạo chuyên môn về tâm thần từ 06 tháng trở lên tại cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo chuyên ngành tâm thần; hoặc bác sĩ đã được cấp văn bằng đào tạo sau đại học chuyên khoa tâm thần (Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ).
(Hiện hành, yêu cầu giám định viên pháp y tâm thần phải đáp ứng tiêu chuẩn “đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo” tại cơ sở y tế từ đủ 05 năm trở lên. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y tâm thần là người trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức pháp y tâm thần thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn phải từ đủ 03 năm trở lên.)
Thông tư 11/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2022 và thay thế Thông tư 02/2014/TT-BYT.
3. Nguyên tắc kết nối, chia sẻ thông tin CSDLQG về dân cư với hệ thống thông tin khác
Đây là nội dung tại Thông tư 46/2022/TT-BCA ngày 04/11/2022 quy định về kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Theo đó, quy định nguyên tắc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác như sau:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm các quy định về bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, không được xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trừ trường hợp pháp luật khác có quy định.
- Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân được kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm điều kiện hạ tầng hệ thống thông tin, mô hình kết nối, cấu trúc dữ liệu, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Thông tư 46/2022/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 19/12/2022.
4. Hình thức gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương thuộc quản lý Bộ Nội vụ
Thông tư 8/2022/TT-BNV sửa đổi Thông tư 14/2019/TT-BNV quy định tặng Kỷ niệm chương về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 01/12/2022.
Theo đó, quy định về hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương như sau:
- Tờ trình đề nghị của đơn vị (theo mẫu tại Phụ lục I);
- Danh sách đề nghị tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu tại Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV);
- Bản khai thành tích và quá trình công tác đối với cá nhân trong ngành (theo mẫu tại Phụ lục V);
- Những trường hợp thuộc diện ưu tiên xét tặng được quy định tại Khoản 1, Điều 10 Thông tư 14/2019/TT-BNV (sửa đổi bởi Thông tư 8/2022/TT-BNV) kèm theo bản sao Quyết định khen thưởng hoặc Bằng công nhận.
Bên cạnh đó, quy định về số lượng hồ sơ gửi về Bộ Nội vụ như sau:
- Đối với Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Tổ chức nhà nước”: 01 bộ.
- Đối với Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thi đua, Khen thưởng”, “Vì sự nghiệp Quản lý nhà nước về Tín ngưỡng, Tôn giáo”, “Vì sự nghiệp Văn thư, Lưu trữ”: 02 bộ.
Hồ sơ đề nghị nghị khen thưởng gửi về Bộ Nội vụ, đồng thời gửi kèm hồ sơ điện tử (ở định dạng “.doc” hoặc “.docx” đối với Tờ trình, danh sách; ở định dạng “.pdf” đối với báo cáo thành tích và các hồ sơ khác có liên quan; trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước).
5. Chuẩn bị "khai tử" sổ hộ khẩu giấy
Luật Cư trú năm 2020 quy định, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Như vậy, hai loại sổ này còn giá trị trong một tháng, trước khi bị "khai tử".
Sau đó, để chứng minh thông tin cá nhân nơi cư trú, người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú, hoặc dùng số định danh cá nhân, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Muốn có giấy xác nhận thông tin về cư trú, người dân có thể ra công an địa phương yêu cầu cấp hoặc đề nghị cấp bản điện tử thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Giấy xác nhận có giá trị 30 ngày và giá trị 6 tháng với trường hợp xác nhận về khai báo cư trú.
Chính phủ đã yêu cầu các địa phương đảm bảo điều kiện về an ninh, an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay cho việc yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu.
6. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác bị phạt đến 20 triệu đồng
Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.
Trong đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình.
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình.
7. Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam
Quốc hội thông qua Nghị quyết 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam.
Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan thực hiện:
- Sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện;
- Khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, tại Nghị quyết 76/2022/QH15 thì Quốc hội còn thông qua, áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức:
- 05 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Nghị quyết 76/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 30/12/2022.
Đông Hà