1. Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn để học nghề
Nghị định 49/2020 quy định chi tiết Luật thi hành án hình sự về tái hoà nhập cộng đồng có hiệu lực từ 15/6, lần đầu tiên nêu rõ người chấp hành xong hình phạt tù, nếu có hoàn cảnh khó khăn hoặc thuộc gia đình chính sách, khi học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp dưới 3 tháng, sẽ được miễn, giảm học phí và các chính sách ở nội trú.
Người chấp hành xong hình phạt tù cũng được vay vốn để học nghề theo các quy định ưu đãi tín dụng như với học sinh, sinh viên, đồng thời được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm...
Nghị định 49/2020 cũng quy định người dưới 18 tuổi nếu chấp hành xong hình phạt tù sẽ được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm...
Ngoài các ưu đãi trên, người chấp hành xong án phạt tù còn được giới thiệu việc làm miễn phí.
2. Sân golf không được tổ chức cá cược, đánh bạc trái phép
Nghị định 52/2020 có hiệu lực từ 15/6, quy định chi tiết về các điều kiện đầu tư xây dựng kinh doanh sân golf. Theo đó, Chính phủ nghiêm cấm các hành vi xây dựng và kinh doanh sân golf khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục; lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc trái phép; cản trở hoặc không chấp hành kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước...
Nghị định này cũng quy định các loại đất không được sử dụng để làm sân golf như: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa; đất di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển.
Với sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ, Chính phủ quy định diện tích đất không được quá 90 ha và ra điều kiện với nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng trong thời hạn không quá ba năm.
3. Nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh Đại học năm 2020
Quy chế tuyển sinh đại học và trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2020 của Bộ Giáo dục vào Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/6 nêu một số điểm mới so với năm ngoái, trong đó có nội dung mở rộng diện tuyển sinh. Nếu như năm ngoái chỉ có thí sinh quốc tịch Việt Nam, năm nay thêm hai nhóm thí sinh khác cũng được dự tuyển đại học, cao đẳng là: Thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài và thí sinh nước ngoài, có nguyện vọng học đại học, cao đẳng tại Việt Nam.
Ngoài ra, từ năm nay các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp, chỉ tuyển cao đẳng ngành giáo dục mầm non; với các thí sinh muốn dự tuyển đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược phải có điểm học bạ tối thiểu 8.
Điểm mới trong điều kiện tổ chức thi riêng với các trường năm nay là phải xây dựng cấu trúc đề thi phù hợp cho tuyển sinh đại học, buộc phải công bố đề án trước khi thí sinh đăng ký dự thi tối thiểu 15 ngày...
4. Các tỉnh được tạm ứng ngân quỹ nhà nước
Thông tư số 23/2020 của Bộ Tài Chính Quy định tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách nhà nước hoặc tạm ứng ngân quỹ nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp tỉnh có hiệu lực thi hành từ 1/6.
Theo Thông tư 23, Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền quyết định mức tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời. Các tỉnh cũng có thể xin tạm ứng ngân quỹ nhà nước nhưng không được vượt quá số còn lại của dự toán chi ngân sách địa phương đã được Bộ Tài chính giao.
Việc tạm ứng, cho ngân sách nhà nước vay từ ngân quỹ nhà nước chỉ được thực hiện trong khả năng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi; đảm bảo không ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, chi trả của Kho bạc Nhà nước…
5. Cấm kê biên lương thực cho người lao động
Nghị định số 44/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại sẽ có hiệu lực từ 1/6. Theo nghị định, các biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng với pháp nhân thương mại gồm phong tỏa tài khoản; kê biên tài sản; tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu.
Tuy nhiên, Nghị định 44 nghiêm cấm kê biên một số tài sản của pháp nhân như vật phục vụ quốc phòng, an ninh; thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị phục vụ an toàn lao động, phòng cháy...
Ngược lại, nếu pháp nhân thương mại không còn tài sản, cơ quan thi hành án hình sự có quyền kê biên, xử lý tài sản của pháp nhân thương mại đang cầm cố, thế chấp hoặc đang do người thứ ba giữ.
Các tài sản là vốn góp; phương tiện giao thông; quyền sở hữu trí tuệ; tài sản gắn liền với đất… đều có thể trở thành đối tượng bị kê biên.
6. Phải xin phép khi vận chuyển chất nguy hiểm
Tổng cộng, có 2.921 loại hàng hóa nguy hiểm theo Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường hoặc trên đường thủy nội địa.
Muốn vận chuyển các hàng hóa này, cá nhân hoặc tổ chức phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, những người vận chuyển, bốc dỡ, áp tải… đều phải được tập huấn trước khi làm nhiệm vụ.
Nghị định 42/2020 cũng yêu cầu, không được vận chuyển xăng, gas, các chất dễ cháy qua hầm có chiều dài hơn 100m hoặc chở cùng hành khách trên một phương tiện.
Nghị định 4/2020 sẽ có hiệu lực từ 1/6.
7. Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu chính
Thông tư số 09/2020TT-BCT của Bộ Công thương có hiệu lực thi hành từ 30/6 quy định về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.
Thông tư này nêu rõ, việc nhập khẩu vào hoặc tái xuất các loại hàng hóa ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương).
Quy định trên được áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nếu hàng hóa đó được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.
Đông Hà