Banner chính
Thứ Tư, 17/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Cơ chế gây tử vong, cách phòng chống cúm H5N1

Thứ Sáu, 26/06/2015
H5N1 gây ra các triệu chứng tương tự như của các loại cúm khác như: sốt, ho, viêm đường hô hấp trên; khó thở... và cuối cùng có thể dẫn đến tử vong.
 

H5N1 là một phân nhóm có khả năng gây nhiễm cao của virus cúm gia cầm. Chủng virus này lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hồng Kông năm 1997. Chính nhóm virus cũng là tác nhân gây dịch cúm trên gia cầm ở đất nước này lúc đó. Tên gọi phân nhóm H5N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 5 (H5) và neuraminidase nhóm 1 (N1).

Sau khi lây lan, thời kỳ ủ bệnh của loài vi rút này kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Triệu chứng mắc bệnh ở các động vật là khác nhau, nhưng một số biến thể virus có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vòng vài ngày.

Đối với con người, H5N1 gây ra các triệu chứng tương tự như của các loại cúm khác. Đó là sốt trên 38 độ có thể rét run; ho, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên; khó thở, thở nhanh, tím tái... và cuối cùng có thể dẫn đến tử vong.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc phần lớn vào thể trạng sức khoẻ, khả năng miễn dịch, tiền sử tiếp xúc virus của người bị nhiễm.

Tác hại của H1N1 và H5N1 trên cơ thể con người. Ảnh: Wikipedia.

Các chủng của vi rút cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người. Vi rút cúm có thể lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này này sang trại chăn nuôi khác bằng các cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép... Vi rút có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính. Vi rút có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm vi rút...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm vi rút. Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Trong số đó, chủng H5N1 nguy hiểm bởi nhiều lý do: Nó biến dị nhanh và cho thấy nó chứa các gen của các vi rút nhiễm từ các loài động vật khác nhau;

Nó có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người;

Vi rút cúm A/H5N1 được chia làm 2 nhóm theo độc lực của vi rút: vi rút cúm gia cầm có độc lực thấp (LPAI) và vi rút cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI). Hiện nay chỉ có các týp H5, H7 và H9 là có độc lực cao;

Chim có thể đào thải vi rút ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân do đó làm tăng lan truyền theo các đàn chim di cư;
Nó có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gà sang người .Nếu có nhiều người mắc bệnh thì làm tăng khả năng là người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các vi rút cúm người và động vật tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành vi rút mới với gen vi rút cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, gây nên đại dịch ở người.

Ngoài ra, H5N1 còn nguy hiểm bời khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài. Vi rút này chỉ bị giết chết ở 560 độ trong 3 giờ và 600 độ trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodin. Các týp vi rút có độc lực cao có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp, có thể sống ít nhất trong 35 ngày ở nhiệt độ 40C. Nếu ở đông băng, chúng có thể sống trong nhiều năm. Ở nhiệt độ 370 độ nó có thể sống đến 6 ngày trong phân của gia cầm.

Không ai có thể dự đoán chính xác khi nào thì đại dịch xảy ra. Cũng chưa có loại vắc-xin chuyên biệt cho cúm H5N1, dù Tổ chức Y tế Thế giới thông báo rằng các nỗ lực phát triển loại vắc-xin này đang được tiến hành. Người ta trông cậy cả vào Tamiflu, một thuốc diệt virus, có thể ngăn ngừa sự phát triển của virus trên cơ thể người Tuy nhiên đó cũng không phải là phương pháp. Loại thuốc này dù hữu hiệu trong cả ngăn ngừa và trị bệnh nhưng nó chưa phải là giải pháp thực sự hữu hiệu. Các chủng cúm biến hóa nhanh chóng và khôn lường trong khi thông thường phải mất tối thiểu 4 tháng để sản suất một loại vắc xin chống lại một chủng.

Cách phòng chống đại dịch tốt nhất là hạn chế sự lây truyền của vi rút H5N1. Biện pháp phòng ngừa hiện phổ biến nhất là tiêu hủy những gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

Ưu tiên ngăn chặn ngay lập tức sự lan truyền dịch ở gia cầm bao gồm  thực hiện an toàn sinh học trong phương pháp chăn nuôi, tiêu huỷ và tiêm vắc xin đối với gia cầm, thay đổi thực hành trong chăn nuôi... Điều này sẽ làm giảm cơ hội làm con người tiếp xúc với  vi rút. Tiêm vắc xin  cúm  cho những người có nguy cơ cao có thể làm giảm khả năng đồng nhiễm vi rút cúm người và cúm gia cầm từ đó làm giảm nguy cơ thay đổi và đột biến gen. Tăng cường giám sát, nghiên cứu về sự lưu hành các chủng vi rút cúm gia cầm và cúm ở người. Những thông tin về mức độ nhiễm vi rút cúm ở người cũng như ở động vật, sự lưu hành các chủng vi rút cúm là rất cần thiết để giúp cho việc đánh giá nguy cơ về y tế công cộng và đề xuất các biện pháp dự phòng có hiệu qủa nhất, bao gồm cả việc nghiên cứu phát triển vắc xin.

Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5N1 hoặc gia cầm bị bệnh được lập danh sách theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn, 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi và phải được đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu nhiệt độ trên 380C hoặc có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp cấp phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
Những người được cách ly theo dõi nên bố trí nơi ăn ngủ riêng, hạn chế đi lại, tiếp xúc, thường xuyên mang khẩu trang y tế và sử dụng thuốc sát khuẩn mũi họng hàng ngày.

Tại gia đình, nơi tạm trú hoặc khu vực ổ dịch cần thực hiện triệt để việc khử khuẩn bề mặt bằng Chloramin B 2% hoặc xử lý không khí bị ô nhiễm bằng fomaline.

Người tiếp xúc hoặc giết mổ gia cầm phải được trang bị phòng hộ. Những người có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm trong khu dịch thực hiện tốt phòng hộ cá nhân hàng ngày, đặc biệt đeo mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Đông Hà (Theo Sức khỏe và Đời sống)

Các tin khác