Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Cơ hội, thách thức và giải pháp cho nguồn nhân lực thời kỳ CMCN 4.0

Thứ Sáu, 23/10/2020
Kể từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 21, nhân loại đã trải qua 3 cuộc Cách mạng công nghiệp (viết tắt là CMCN) và đang bước vào cuộc CMCN lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc CMCN 4.0. Cuộc CMCN lần thứ 1 bắt đầu ở cuối thế kỷ 18 gắn với công cuộc cơ khí hoá máy chạy bằng thuỷ lực và hơi nước. CMCN lần thứ 2 xuất hiện vào cuối 19 gắn với động cơ điện và dây truyền sản xuất hàng loạt. CMCN lần thứ 3 xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 là kỷ nguyên máy tính và tự động hoá, Internet, bán dẫn.

CMCN 4.0 xuất hiện là sự kế thừa phát triển của nhân loại, là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), rôbốt, Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, công nghệ nano, tự động hóa, công nghệ in 3 chiều (3D), khoa học mang tính liên ngành sâu rộng… với nền tảng là đột phá của công nghệ số, đáp ứng đòi hỏi của xã hội tri thức, nền kinh tế tri thức.

CMCN 4.0 có ý nghĩa quan trọng, to lớn đối với sự phát triển của nhân loại, cũng như của mỗi quốc gia, dân tộc hiện nay. Song, CMCN 4.0 chỉ trở thành cơ hội phát triển mạnh mẽ cho quốc gia nào tận dụng được những yếu tố, điều kiện thuận lợi của nó với sự quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực đổi mới sáng tạo của cả cộng đồng cư dân. Ngược lại, nếu quốc gia bị gạt ra bên ngoài tiến trình vận động của nó thì CMCN 4.0 sẽ là thách thức, thậm chí là lực cản dẫn tới sự tụt hậu.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” đã đề ra mục tiêu của nước ta là: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, nhận định “mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức”.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu phải chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0, xem đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải đối mặt với một loạt vấn đề.

Thứ nhất, vấn đề hoàn thiện thể chế phát triển, bao gồm từ cơ chế tổ chức, vận hành của hệ thống chính trị, hệ thống luật pháp và các chính sách, quyết định quản lý của Nhà nước và các địa phương, bảo đảm cho sự vận hành thuận lợi, hiệu quả các tiến trình chính trị, kinh tế xã hội, trong đó có việc tạo ra môi trường thuận lợi cho việc chủ động tham gia CMCN 4.0.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, cũng như yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số.

Thứ tư, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, nhất là năng lực nghiên cứu, ứng dụng của các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học; năng lực nghiên cứu, tiếp thu, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trong nước.

Thứ năm, thúc đẩy nhanh, chủ động quá trình chuyển đổi số, kết nối dữ liệu quốc gia, phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ kinh tế số, thương mại và thanh toán điện tử hiện đại.

Đúng như tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW, “chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng...”. Để có thể biến những thách thức của cuộc CMCN 4.0 thành “cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế  xã hội”, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong đổi mới tư duy và hành động, đề ra những giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình sáng tạo, phù hợp.

Cuộc CMCN 4.0 xuất hiện là sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số là sự xuất hiện IoT. Đơn giản nhất, có thể coi IoT là mối quan hệ giữa vạn vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm,...) và con người thông qua các công nghệ kết nối và các nền tảng khác nhau. Theo các chuyên gia, IoT có thể tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp mới, khiến cả nền kinh tế thế giới và đời sống nhân loại phải chuyển mình theo.

Không giống như các cuộc cách mạng trước, thường diễn ra theo xu hướng phát minh mới làm mờ đi phát minh cũ. IoT được tin là sẽ tạo cơ hội cho tất cả các ngành nghề đều được hưởng lợi, IoT gia tăng cũng có nghĩa là việc truyền tải dữ liệu và giao tiếp qua internet tăng lên. Chính vì thế mà tất cả các công ty, ngành nghề đều có thể sử dụng các dữ liệu đó để phân tích và quyết định chiến lược cạnh tranh giành lấy thành công cho mình trong tương lai.

Những xu thế phát triển mới, khác biệt tạo ra từ ảnh hưởng của CMCN 4.0, gồm:

- Trong nền kinh tế tri thức với cuộc CMCN 4.0, tiếp tục xu thế làm thay đổi sâu sắc thị trường lao động, phân cực giàu nghèo, gia tăng sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội, đặc biệt là tầng lớp lao động có trình độ và tay nghề thấp, ngay cả những lao động có học vấn cao nhưng không có khả năng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ khi tham gia thị trường lao động cũng thất nghiệp. Bởi vậy, các chính sách giảm nghèo và phát triển toàn diện vẫn là ưu tiên quan trọng trong xu thế mới. Nền kinh tế tri thức với lực lượng lao động trí thức thay thế chủ yếu cho nền kinh tế dựa vào vật liệu với lực lượng lao động cơ bắp. Các sản phẩm sẽ mang hàm lượng tri thức lớn và có giá trị cao, cấu trúc thành phố thông minh và giải pháp thông minh.

- Do sự tiến bộ và thay đổi nhanh chóng từ cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra, có thể dẫn đến xuất hiện hình thái kinh tế mới làm thay đổi căn bản, toàn diện nhiều lĩnh vực, kể cả làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ của con người trong mọi hoạt động xã hội.

- Cuộc CMCN 4.0 là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Việc áp dụng rộng rãi những tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông ICT, như IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế - ảo... vào hoạt động sản xuất công nghiệp làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo, được gọi là hệ thống sản xuất thực - ảo/điều khiển - vật lý CPPS (cyber-physical production system). Cuộc CMCN 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với IoT, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua IoS, người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này…

Cuộc CMCN 4.0 xuất hiện, đúng vào thời kỳ Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng và là thời kỳ đổi mới của đất nước ta. Đây là cơ hội hiếm có, mang tính lịch sử đối với một quốc gia. Cơ hội này đã thúc đẩy việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực lao động trực tiếp có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn lịch sử này. Trước đó ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI đã ban hành nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã cho thấy sự đúng đắn và tài tình trong việc dự đoán trước tình hình của Đảng, Nhà nước trước sự xuất hiện CMCN 4.0 và yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. Nghị quyết đã chỉ ra những chủ trương, quan điểm lớn; xác định những mục tiêu, nội dung căn bản, những giải pháp toàn diện về giáo dục và đào tạo. Đây là cơ hội lớn để giáo dục đào tạo làm căn cứ và có định hướng phát triển đột phá vươn tầm quốc tế, trong đó chú trọng nhiệm vụ “lấy người học làm chủ thể trung tâm của quá trình đào tạo” với quan điểm “phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học” mà nghị quyết đã đặt ra.

Bên cạnh cơ hội, chúng ta đang đứng trước thách thức to lớn, suyên suốt và cơ bản trong hiện tại, trước mắt và tương lai trước cuộc CMCN 4.0, thể hiện như sau:

Thứ nhất, thách thức từ những nhu cầu đào tạo để đáp ứng cả về số lượng, chất lượng, tính hiệu quả của lực lượng lao động với thị trường gần 54 triệu lao động phù hợp với điều kiện mới, thời kỳ mới của đất nước góp phần làm tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, ổn định xã hội và giảm tỷ lệ tệ nạn, tội phạm trong xã hội.

Thứ hai, thách thức trước sự đòi hỏi tính linh hoạt, cấp bách đáp ứng kịp thời, đồng thời 2 nhiệm vụ hết sức lớn lao do đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 đặt ra, đó là phải đào tạo được những nghề mà việc làm chưa từng tồn tại trước đó và nghề mà việc làm sử dụng công nghệ chưa từng được phát minh.

Hiện nay, Việt Nam đang duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa dựa vào thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và xuất khẩu trong những ngành thâm dụng lao động có kỹ năng thấp. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng này sẽ đứng trước thách thức lớn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 khi robots, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế sức lao động của con người, hoạt động sản xuất chế tạo trong tương lai sẽ quay trở lại các nước công nghiệp phát triển.

Trong CMCN 4.0, chi phí nhân công và các công đoạn gia công, lắp ráp ngày càng ít quan trọng, chúng dần dần có thể được thay thế hoàn toàn bởi robots khi sự đột phá về công nghệ cho phép ứng dụng rộng rãi robots thông minh hơn với chi phí thấp hơn. Các dây chuyền sản xuất đang và sẽ chuyển dần về các nước công nghiệp phát triển (re-shoring), không phải vì giá nhân công tăng lên, mà vì các tập đoàn đa quốc gia muốn đưa sản xuất về gần với khách hàng để có thể phản ứng nhanh hơn với thay đổi nhu cầu.

Các nhà nghiên cứu về CMCN 4.0 đã chỉ ra rằng, trong tương lai, năng lực, chứ không phải nguồn vốn, sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Điều đó sẽ tạo nên sự gia tăng trong thị trường việc làm và ngày càng phân hóa theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao/trả lương cao, viễn cảnh này sẽ góp phần làm gia tăng những mâu thuẫn trong xã hội.

Vì vậy, một nội dung khác không kém quan trọng đó là chính sách phát triển nguồn nhân lực cũng cần được quan tâm theo hướng ưu tiên. Trước hết là chỉ đạo, triển khai thật bài bản, khoa học về đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0; chuẩn hóa và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở để theo kịp, thích ứng xu thế, dòng chảy phát triển của khoa học, công nghệ.

Có thể nói một cách dễ hiểu rằng, CMCN 4.0 là “môi trường cộng sinh” giữa người và robots, “môi trường cộng sinh” giữa thế giới ảo và thế giới thực. Đây chính là sự “cộng sinh” giữa trí tuệ sáng tạo của con người và những sản phẩm trí tuệ nhân tạo trên phạm vi rộng lớn, có tính phổ quát.

Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang phải chạy đua tốc độ, một theo tốc độ của nền kinh tế tri thức thời đại CMCN 4.0, một theo tốc độ thực hiện giảm nghèo và phát triển toàn diện, giữ vững ổn định nhất là ở khu vực nông thôn, nông nghiệp phát triển lạc hậu, kéo theo giáo dục đào tạo phải có giải pháp tương ứng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng và giải quyết đồng thời các vấn đề cơ bản sau:

- Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

- Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên nền tảng số.

- Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số; y tế; giáo dục và đào tạo...

- Giải quyết những thách thức và vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng hiện nay như tỷ lệ lao động nông thôn, nông nghiệp kỹ năng thấp còn cao (chiếm khoảng 70% dân số), kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh tế phát triển bền vững của Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đỏi giảm nghèo, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

- Nhanh chóng tận dụng những cơ hội và thế mạnh để đột phá vươn tầm quốc tế, vượt lên những thách thức mới với đội ngũ lao động có kỹ năng trình độ đẳng cấp quốc tế trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ mới, hiện đại theo đặc trưng của cuộc CMCN 4.0, làm tiên phong thúc đẩy đưa đất nước đi lên trở thành quốc gia khởi nghiệp, tiên tiến, hiện đại.

Như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2018) với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”: “Công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0 hay để trôi qua? Câu trả lời cũng hết sức rõ ràng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0”./.

PGS.TS Đỗ Văn Dung
Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh

Các tin khác