Như vậy toàn cầu hoá vừa là cơ hội to lớn cho sự phát triển của mỗi quốc gia ,đồng thời cũng tạo ra những thách thức mà nếu không chuẩn bị nội lực và bỏ lỡ thời cơ thì sẽ bị tụt hậu rất xa tên con đường tiến tới văn minh của nhân loại.
Trong tiến trình phát triển kinh tế thế giới, khoa học và công nghệ luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng xuất lao động và hiệu quả sản xuất và hiển nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa, lĩnh vực này cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu trong chính sách phát triển quốc gia. Tuy nhiên để sự phát triển này đi đúng lộ trình và xu thế của thế giới cần phải nhận diện rõ những cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa đối với lĩnh vực này.
Về cơ hội
Trước hết, toàn cầu hóa giúp khoa học và công nghệ Việt Nam từng bước hội nhập, giao lưu với nền khoa học công nghệ của thế giới, tạo thuận lợi cho Việt Nam học tập kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ thế giới phục vụ cho sự phát triển của kinh tế- xã hội của đất nước. Việc chuyển giao các dây chuyền công nghệ, khoa học tiên tiến của thế giới vào từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể ở Việt Nam như: Công nghệ sản xuất ô tô (Nhà máy ô tô Trường Hải tiếp nhận dây chuyền chuyển giao của Hyundai về sản xuất ô tô), công nghệ sản xuất thiết bị di động cầm tay, chip và các sản phẩm viễn thông (Samsung Việt Nam), các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (Công nghệ tưới nhỏ giọt theo tiêu chuẩn Israel), công nghệ xây dựng cầu đường và đặc biệt công nghệ thông tin trong các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng đã góp phần đưa các ngành này từng bước tiếp cận và đạt đến trình độ của thế giới.
Toàn cầu hóa tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự đầu tư của các nước tiên tiến có nền khoa học và công nghệ phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore
Toàn cầu hóa tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự đầu tư của các nước tiên tiến có nền khoa học và công nghệ phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo. Sự tham gia liên doanh, liên kết trong hoạt động khoa học và công nghệ với các đối tác nước ngoài giúp cho các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ cao mà qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu phát triển cũng như nâng cao năng lực sáng tạo khoa học-công nghệ của cá nhân và nền khoa học và công nghệ trong nước. Các chương trình hợp tác đào tạo nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, có khả năng tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới sẽ góp phần nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ những người làm khoa học hiện có và phát triển đội ngũ các nhà khoa học công nghệ trẻ kế tục sự nghiệp phát triển nền khoa học và công nghệ quốc gia ngày càng hiện đại hơn.
Những khó khăn và thách thức:
Toàn cầu hóa khiến cho các sản phẩm khoa học công nghệ của nước ngoài đặc biệt là của các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Châu Âu xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường trong nước khiến cho nền khoa học công nghệ Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, nó làm nẩy sinh các vấn đề tranh chấp mới liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp – những lĩnh vực mà nước ta đang ở trình độ phát triển rất thấp so với họ. Sự chênh lệch về trình độ phát triển KH&CN quá lớn trong một sân chơi có sự cạnh tranh gay gắt khiến cho sự thua thiệt và yếu thế luôn nằm về phía các nhà KH&CN Việt Nam. Chẳng hạn sự thống trị của giống lúa lai Trung quốc trên thị trường giống lúa trong nước là bằng chứng rõ nhất về những thách thức của nền KH&CN Việt Nam cho dù các giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam tạo ra không thua kém gì về chất lượng. Đây là một thách thức rất lớn của không chỉ riêng ngành khoa học và công nghệ.
Hiện nay, các sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam, dù đã được cải tiến và đổi mới nhiều, song phần lớn vẫn sử dụng những công nghệ cũ, lạc hậu. Việc đổi mới công nghệ so với mặt bằng chung vẫn còn chậm. Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ bị hạn chế khiến cho các sản phẩm khoa học và công nghệ vẫn bị tụt hậu so với thế giới, làm giảm năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này. Mặt khác việc đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà còn phải đổi mới cả một hệ thống quản lý cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao đi kèm mà những điều này vẫn còn thiếu và yếu. Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến 2020 đã đặt ra yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt 15-20% mỗi năm, nghĩa là sau khoảng 5 năm các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới được một thế hệ công nghệ. Thực tế, đây là con số quá cao nhưng mặt khác cũng lại được coi là quá thấp đối với khoa học và công nghệ Việt Nam.
Khung hành lang pháp lý, việc hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách để bảo đảm Luật KH&CN được triển khai sâu rộng vào cuộc sống, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa KH&CN thực sự trở thành lực lượng sản xuất quan trọng để phát triển kinh tế vẫn còn nhiều bất cập. Việc ban hành các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư hướng chậm chạp, khiến cho quá trình thực hiện Luật KH&CN gặp nhiều khó khăn.
Đầu tư để phát triển khoa học và khoa học tuy đã có nhiều chuyển biến, được chú trọng nhưng mới chỉ đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước- một con số quá thấp so với nhu cầu của hoạt động khoa học và công nghệ. Các nước tiên tiến đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu các sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3-5% ngân sách. Rõ ràng sự chênh lệch về vốn đầu tư cho KH&CN cũng đã là một thách thức lớn cho nền KH&CN Việt Nam .
Đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành còn thiếu và yếu, thiếu các trung tâm khoa học lớn; hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và kết quả hoạt động của các khu công nghệ cao còn thấp. Thiếu cơ chế quản lý khoa học nhất là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài còn nhiều hạn chế. Việc nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ làm công tác khoa học không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức cũng là những thách thức không nhỏ cho việc phát triển nền KH&CN nước nhà.
Lời kết
Để “khoa học-công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới.”, cần thiết phải ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho KH&CN, đồng thời đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế tài chính nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của nhà khoa học-công nghệ, đưa nhanh tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống. Giải pháp đưa ra là tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; Liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ cao phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế. Có như vậy nền KH&CN Việt Nam mới không lạc lõng và tụt hậu so với thế giới.
Ngô Thanh Tứ (Trường Đại học Văn Lang)