Banner chính
Thứ Năm, 28/03/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Công nghệ sấy tĩnh vỉ ngang với công nghệ sấy tháp của nhật bản tại Công ty Cổ phần Tổng Công ty giống cây trồng Ninh Bình

Thứ Sáu, 29/12/2017
Quá trình sấy là một trong các bước quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc phơi, sấy lúa theo các phương pháp truyền thống chưa đạt được nhiều hiệu quả, gây nên tình trạng sản phẩm lúa không đồng đều, tỷ lệ thủy phần ở mức cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạo Ninh Bình trên thị trường trong nước và quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, từ cuối năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã giao cho Công ty Cổ phần Tổng công ty giống cây trồng Ninh Bình thực hiện đề tài “Kết hợp công nghệ sấy tĩnh vỉ ngang với công nghệ sấy tháp của Nhật Bản”, qua đó đã giải quyết được nhu cầu sấy lúa nói riêng và nhiều loại nông sản khác nói chung của người dân.

Sau khi thu hoạch, lúa chủ yếu được phơi ngoài trời, tận dụng nguồn nhiệt tự nhiên và người nông dân phải thường xuyên đảo lúa, coi sóc để lúa được khô đều. Tuy nhiên, đối với phương pháp này, tỷ lệ hạt hỏng, gãy, nứt tương đối cao, lại phụ thuộc vào thời tiết và tốn công lao động. Chính vì vậy, Công ty Cổ phần Tổng công ty giống cây trồng Ninh Bình đã thực hiện công nghệ sấy sản phẩm lúa, gạo bằng hệ thống sấy tiên tiến. Quá trình sấy này, so với phương pháp truyền thống của bà con nông dân, tỷ lệ hạt lúa bị hỏng đã giảm xuống đáng kể. Chất lượng lúa sau khi sấy đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm gạo khi xay, xát, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu và nhiều thị trường khác trên thế giới. Riêng về hiệu quả kinh tế, việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất đã giảm chi phí sấy trên 55%.  Đặc biệt, cơ chế sấy mới thể hiện sự thích ứng với nhiều loại lúa gạo, nông sản Việt Nam nói chung và các giống lúa ở Ninh Bình nói riêng. Điểm mới của hệ thống, đó là cơ chế sấy đã được tích hợp giữa 2 công nghệ, công nghệ sấy tĩnh vỉ ngang và công nghệ sấy tháp của Nhật Bản. Đối với toàn bộ quy trình, lúa sẽ được sấy giai đoạn 1 tại khu vực sấy tĩnh vỉ ngang, sau khi đạt đến tiêu chuẩn nhất định, lúa sẽ được chuyển sang khu vực sấy tháp.

Riêng đối với hệ thống sấy vỉ ngang, lúa sau khi được vận chuyển vào các khoang chứa của hệ thống sẽ được sấy theo nguyên lý thổi gió nóng từ dưới lên trên qua bề mặt sàn. Hiện nay, nhiệt độ tiêu chuẩn trong khoang lò là khoảng 430C.. Ở nhiệt độ này, hạt sẽ không bị phá vỡ liên kết nên chất lượng gạo sau khi xay xát gạo nguyên hạt sẽ đạt tỷ lệ cao và hạt cũng sẽ có khả năng nảy mầm tốt nếu để hạt làm giống. Để lượng nhiệt được cung cấp đều và trả khắp bề mặt sàn, các lò đốt, các quạt gió đã được lắp đặt tại nhiều khu vực xung quanh lò đốt. Khí nóng từ các lò đốt sẽ được quạt thổi trực tiếp xuống đáy của mặt sàn. Ưu điểm lớn nhất của hệ thống này, đó là lượng nhiệt sấy được lan tỏa rất nhanh, thời gian sấy lại ngắn hơn nhiều so với phương pháp phơi ngoài trời và không bị ảnh hưởng bởi tác động thời tiết.

Sau khi lúa được sấy đến một mức nhất định, người lao động sẽ mở lò sấy, sử dụng các biện pháp cào, di chuyển lúa đến băng chuyền sang hệ thống sấy tháp. Do chất liệu vỏ lúa có độ đàn hồi cao, lại mỏng, rất dễ dấn đến tình trạng vỏ lúa bị nứt, vỡ, ảnh hưởng đến chất lượng chung của sản phẩm, vì vậy, hệ thống băng chuyền đã được thiết kế với bề mặt bằng cao su mềm, được vận hành với mô tơ công suất 11 kw, sử dụng hệ thống điện 3 pha nhằm tránh các tác nhân lực có hại cho lúa. Công suất của băng tải được thiết kế có khả năng vận chuyển 60 tấn lúa/1 giờ. Cũng để nâng cao hiệu quả vận chuyển, băng tải được thiết kế có khả năng vận chuyển tự động lúa từ hệ thống sấy tĩnh sang hệ thống sấy tháp mà không cần tác động của con người.

Dây chuyền sấy đánh bóng gạo của DN, công suất lớn nhất khu vực

Đối với hệ thống sấy tháp, đây là một công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Ninh Bình, có khả năng xử lý hiệu quả tỷ lệ thủy phần trong hạt lúa. Về cơ chế hoạt động, Công nghệ sấy tháp áp dụng nguyên lý dùng hơi nóng thổi qua khối hạt luôn di động từ trên đỉnh tháp xuống đáy tháp liên hoàn. Hạt nông sản luôn chuyển động qua các thiết bị tải hạt từ trên xuống và từ dưới lên theo vòng tuần hoàn khép kín giúp hạt được khô đều, có chất lượng cao. Về cơ chế cấp nhiệt, ở cả 2 chế độ sấy đều sử dụng chung nguồn nguyên liệu là than, dầu hỏa, lượng nhiệt được điều chỉnh dựa trên cơ chế điều tốc độ gió vào buồng sấy.

Trên thực tế, cả hai cơ chế sấy tĩnh vỉ ngang và sấy tháp khi được vận hành độc lập đều có khả năng sấy đến khi thành sản phẩm cuối cùng trước khi xay, xát. Tuy nhiên, cả 2 hệ thống này đều có những nhược điểm, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và chất lượng hạt. Cụ thể, đối với hệ thống sấy vỉ ngang, mặc dù nhiệt độ phân bố nhanh, thời gian sấy ngắn, tuy nhiên chất lượng hạt sau khi sấy lại không đồng đều. Bên cạnh đó, sấy tĩnh vỉ ngang gây tốn nguyên liệu và tốn nhiều nhân công. Còn đối với hệ thống lò sấy tháp, mặc dù chất lượng hạt tốt, đồng đều và tỷ lệ hạt hỏng thấp, tuy nhiên, nếu áp dụng riêng biện pháp sấy tháp thì thời gian sấy sẽ kéo dài lên đến hơn 30 tiếng. Vì vậy, hai hệ thống này được áp dụng kết hợp với nhau đã mang lại nhiều hiệu quả. Trước hết, thời gian sẩy được rút ngắn xuống chỉ còn từ 20 đến 24 tiếng. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm sau sấy cũng được đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn chất lượng châu Âu.

Hệ thống mới được áp dụng có khả năng tự động điều chỉnh nhiệt độ, được kết hợp cơ chế điều khiển tự động và điều khiển bằng tay qua đó, đã góp phần giảm bớt chi phí nhân công. Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm chủ được công nghệ và vận hành máy sấy tĩnh và máy sấy tháp trong sấy lúa, ngô giống.

Hiệu chỉnh từ những chi tiết nhỏ nhất của hệ thống xay, đánh bóng gạo

Đối với việc áp dụng hệ thống sấy tiên tiến vào sản suất, tổng công suất của công ty đã được nâng lên đến 36.000 tấn/ năm. Trung bình một năm, giúp công ty giảm chi phí sản xuất lên đến 1,2 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp, chỉ sau từ 3-4 năm, lợi nhuận tăng thêm đã bù được chi phí sản xuất, là động lực để doanh nghiệp tiếp tục phát triển, đầu tư các máy móc, trang thiết bị hiện đại.

Hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ sấy nông sản của công ty, hệ thống sấy theo công nghệ mới có công suất cao còn có khả năng đáp ứng nhu cầu sấy nông sản của nhiều người dân, doanh nghiệp khu vực lân cận. Do giá thành rẻ, hiệu quả lại cao, vì thế, chất lượng hạt lúa được đảm bảo và nâng cao hơn nhiều so với phương pháp phơi truyền thống, là tiền đề quan trọng  nhằm nâng cao sức cạnh tranh của lúa gạo Ninh Bình trên thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể thấy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm thiểu chi phí sản xuất đóng một vai trò quan trọng đối với nông nghiệp Ninh Bình hiện nay. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khoa học, nông nghiệp Ninh Bình đã có nhiều bước phát triển, chất lượng sản phẩm lúa gạo Ninh Bình đang dần có chỗ đứng trên thị trường, việc có các cơ sở áp dụng máy móc, trang bị mới vào quy trình sấy, sẽ nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Ninh Bình. So với phương pháp truyền thống, việc kết hợp các công nghệ sấy mới được áp dụng đã mang lại nhiều hiệu quả, hữa hẹn có khả năng nhân rộng, giúp người dân và doanh nghiệp giải quyết được nhu cầu về sấy nông sản, giảm bớt chi phí vận hành của hệ thống.

Đông Hà

Các tin khác