Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để tham gia nền kinh tế tri thức

Thứ Năm, 02/02/2012
        Nước ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định huớng XHCN. Nền kinh tế có đầy đủ thành phần, trong đó công nghiệp đang tiến dần sang cơ khí hoá, tự động hoá, trong khi đó hệ số sử dụng phương tiện công cụ cơ khí và cơ giới lại quá thấp, trung bình khoảng 20%-30% số máy móc công cụ và máy động cơ; nền sản xuất thủ công với dụng cụ thô sơ chiếm một tỉ lệ khá cao (70%-80%). Từ đó yêu cầu đặt ra cho giáo dục là phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực với trình độ cao, có kiến thức kỹ năng sử dụng máy móc, làm quen với các quy trình sản xuất hiện đại thay thế cho các phương tiện sản xuất thô sơ.

         Bước sang thế kỷ XXI, cuộc cách mạng KH - CN trên toàn thế giới phát triển mạnh mẽ; trong đó kinh tế tri thức là một phần quan trọng.
1. Một vài khái niệm.
1.1. Kinh tế tri thức: Nền kinh tế tri thức (KTTT) là một hình thái kinh tế mới, được phát huy rõ nét trong thập kỷ 70, khi lực lượng sản xuất phát triển đến trình độ cao nhờ thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ tin  học.
Bộ thương mại và công nghiệp Anh (năm 1998) cho rằng một nền kinh tế được dẫn dắt bởi tri thức là một nền kinh tế mà việc sản sinh và khái thác tri thức có vai trò nổi trội trong quá  trình tạo ra của cải.
Theo GS.VS Đặng Hữu, kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Như vậy, có thể nói kinh tế tri thức là một giai đoạn phát triển mới của các nền kinh tế sau kinh tế công nghiệp với vai trò của sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trong tăng trưởng kinh tế ngày càng trở nên quan trọng. Tri thức đã trở thành nhân tố hàng đầu của sản xuất, vượt lên các nhân tố sản xuất cổ truyền vốn và lao động. Đây chính là cốt lõi của kinh tế tri thức.
Khái niệm “nền kinh tế tri thức” được Liên Hiệp Quốc sử dụng vào cuối thập kỷ 90 để chỉ “nền kinh tế chủ yếu dựa vào khoa học và tri thức, cốt lõi là công nghệ cao”.
Sự ra đời của nền KTTT là một quá trình lâu dài. Từ trước công nguyên, Khổng Tử đã coi tri thức là con đường dẫn đến thành công. Sau đó, Lão Tử cho rằng trí thức giúp con người trở nên thông thái hơn. Các nhà triết học phương Tây như Socrates, Protagoras coi tri thức cao hơn kỹ thuật, có tính nguyên lý để giải quyết mọi tình huống. Nhiều học giả khác cho rằng khoảng 100 năm ở thời kỳ đầu, tri thức đã được ứng dụng để tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp. Từ cuối thế kỷ XIX đến sau chiến tranh thế giới thứ II, tri thức được áp dụng vào việc tổ chức lao động để tạo ra cuộc cách mạng về năng suất. Sau đó tri thức được áp dụng để tạo ra cuộc cách mạng về quản lý.
Đặc điểm của nền kinh tế tri thức
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang tạo nên bộ mặt mới của nền kinh tế, tạo tiền đề hình thành nền KTTT. KTTT có 5 đặc điểm nổi bật là: Công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin có vai trò quan trọng  -  Tri thức khoa học và công nghệ cùng với lao động kỹ năng cao là lực lượng sản xuất thứ nhất, là lợi thế phát triển quyết định  -  Cấu trúc mạng toàn cầu  -  Tốc độ biến đổi cực kỳ cao  -  Học hỏi của tổ chức, phương thức phát triển cơ bản của KTTT.
Tri thức được sử dụng để sản xuất hàng hoá, tri thức là đối tượng của sản xuất, là nguồn gốc và động lực của sự phát triển kinh tế. Còn nền kinh tế truyền thống lại dựa vào yếu tố vật chất như tài nguyên, lao động và vốn. Trong thập kỷ 50 của thế kỷ trước, khoa học công nghệ đóng góp khoảng 30% cho nền kinh tế thì trong nền KTTT, tỷ trọng này lên tới 80%.
Những đặc điểm trên đã phản ánh nền KTTT được hình thành và phát triển trước tiên ở những nước tư bản chủ nghĩa phát triển sớm, vì ở đó kho báu tri thức của nhân loại đã được đã được khai thác, tận dụng thành công. Như vậy bản thân nền KTTT là thành tựu của nhân loại, vấn đề là ai điều khiển nó, lợi ích mang lại cho giai cấp nào.
1.2. Nhân lực trình độ cao: Có học giả cho rằng nhân lực trình độ cao theo nghĩa rộng là tất cả những người lao động kể cả công nhân kỹ thuật lành nghề có trình độ cao, phải có trình độ tương đương cao đẳng và kỹ sư thực hành mới được coi là trình độ cao. Trên thế giới còn có nhiều khái niệm lân cận “nguồn nhân lực cao cấp” gồm những ai trình độ giáo dục ít nhất từ bậc THPT hoặc tương đương trở lên, là những người nắm giữ vị trí có tầm chiến lược trong xã hội hiện đại, đảm bảo vai trò lãnh đạo cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.
Theo cách tiếp cận từ cấu trúc hệ thống giáo dục, có thể hiểu rằng nhân lực trình độ cao là những người đạt trình độ đào tạo thuộc hệ thống giáo dục đại học (từ cao đẳng trở lên), nắm vững chuyên môn nghề nghiệp cả lý thuyết và thực hành, có khả năng làm việc độc lập, tổ chức triển khai những công trình quan trọng với phương pháp khoa học, công nghệ tiên tiến.
Nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò làm nòng cốt, có khả năng khởi xướng và dẫn dắt các đổi mới công nghệ, quy trình quản lý sản xuất, giữ vai trò then chốt trong sự phát triển lực lượng sản xuất. Trong bối cảnh hội nhập và kinh tế tri thức, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao  -  nguồn vốn nhân lực quý hiếm của mỗi quốc gia là vấn đề trọng tâm của chiến lược phát triển của mỗi nước.
2. Mối quan hệ giữa nền kinh tế tri thức với đào  tạo nhân lực trình độ cao.
Giáo dục và đào tạo là con đường dẫn đến nền KTTT. Yêu cầu của nền KTTT làm thay đổi quan niệm về chất lượng giáo dục và kỹ năng của người học. Có quan niệm cho rằng ngay từ giáo dục phổ thông, học sinh phải được trang bị đầy đủ những kỹ năng như đọc, viết, tính toán và có kiến thức tin học cơ sở; có năng lực thông tin như sử dụng ngôn ngữ nói, viết để thương lượng, thuyết phục, hướng dẫn, huấn luyện, tư vấn; có tu duy linh hoạt như phân tích, giải quyết vấn đề, nhận định tình huống, thực hiện các ý tưởng; biết làm việc theo nhóm, biết hợp tác với người khác; có tri thức tin học, khả năng tìm kiếm, tập hơp, phân tích và tổ chức thông tin; có khả năng tự học, tự chịu trách nhiệm, đổi mới, phổ biến và sử dụng tri thức thích ứng, chấp nhận rủi ro. Những kỹ năng cơ bản nói trên cộng thêm với động lực và lòng quyết tâm là những đức tính cần thiết để con người tham gia vào nền KTTT. Nếu giáo dục tiểu học và trung học giúp nâng cao dân trí, vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng cuộc sống, giúp người học tiếp tục học lên bậc cao hơn và để có năng lực học tập suốt đời, thì giáo dục đại học có vai trò chi phối sự phát triển các ngành kinh tế chủ lực, là nền tảng tạo ra tri thức cho một xã hội thông tin. Một số nước dù đã phát triển cao về công nghệ, những vẫn đầu tư nhiều để có được nền giáo dục tiên tiến và những trung tâm nghiên cứu tầm cỡ để tạo ra tri thức mới, những nơi đó là trung tâm đào tạo lý tưởng và cung cấp nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới.
3. Nước ta tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ở nước ngoài để chủ động tham gia nền KTTT
Cùng với việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục đại học trong nước với mạng lưới hơn 200 trường đại học và cao đẳng, quy mô hơn 1 triệu sinh viên hàng năm, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài để chuẩn bị sẵn sàng một đội ngũ chuyên gia giỏi cho các ngành mũi nhọn. Ngày 01/11/1945, nhân danh Chủ tịch Hội Văn hoá Việt Nam, Hồ chủ Tịch đã gửi thư cho ngoại trưởng Mỹ Jame F.Byrnes để “bày tỏ nguyện vọng của Hội được gửi phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định nghiên cứu kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”. Từ năm 1962 đến nay đã có trên 100 văn bản và chính sách về quản lý đào tạo lưu học sinh ở nước ngoài.
4. Một số ý kiến tham gia vào nền kinh tế tri thức.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài là bộ phận cấu thành của hệ thống đào tạo nhân lực của nước ta. Dự báo nhu cầu nhân lực trình độ cao của nước ta còn rất lớn. Nếu chúng ta mong muốn đạt trình độ như Hàn Quốc ở thời kỳ cách đây 20 năm bắt đầu công nghiệp hoá thì phải tăng số nhân lực trình độ cao lên gấp 5 lần. Trên thực tế số lưu học sinh Việt Nam du học sẽ tăng nhiều trong những năm tới do một bộ phận không nhỏ trong nhân dân có mức sống ngày càng khá hơn, tất yếu họ sẽ đi tìm ở nước ngoài những cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục đại học theo cơ chế định hướng thị trường trong khi khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục trong nước còn có hạn cùng với sức ép tuyển sinh cạnh tranh cao.
Trên thực tế, đến nay có rất ít công trình nghiên cứu về quản lý đào tạo nguồn nhân lực này do nhiều cơ quan tham gia quản lý và tiến hành trên phạm vi địa lý rộng làm cho việc nghiên cứu điều tra tốn kém, phức tạp. Muốn có được đội ngũ nhân lực đào tạo ở nước ngoài chất lượng cao hơn, việc làm đầu tiên là có sự thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Do đặc thù của lĩnh vực, nội dung quản lý nhà nước cần đặt ra trọng tâm ở xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện các chính sách về tuyển sinh, quản lý lưu học sinh học ở nước ngoài và tiếp nhận sử dụng sau đào tạo.
Cần đa dạng con đường đào tạo bồi dưỡng nhân tài bằng các con đường như hợp tác quốc tế gửi đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và học bổng viện trợ; liên kết với nước ngoài để mở rộng các chương trình đào tạo liên kết có chất lượng ở trong nước; tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo kỹ sư tài năng chất lượng cao...
Thực hiện CNH-HĐH trong điều kiện tiếp cận với nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có nguồn nhân lực trình độ cao, được bố trí theo cơ cấu hợp lý để làm ra nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thương trường khu vực và quốc tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta phải tính đến./.


TS . Bùi Việt Phú (Thông tin KH&KT Quảng trị số Xuân Nhâm Thìn)
 

Các tin khác