Về giao thương, sử cũ đã ghi lại sự kiện năm 976, thuyền buôn các nước đến dâng sản vật ở kinh đô Hoa Lư. Chúng ta tuy không biết rõ có những nước nào đến vào năm đó nhưng việc trao đổi buôn bán giữa Đại Việt và Đại Tống là điều chắc chắn, bởi lẽ ở Hoa Lư đã tìm thấy hàng trăm mảnh gốm Trung Quốc. Trong số đó có gốm men ngọc, gốm men trắng và men xanh. Phân tích các tư liệu này thấy đa số là đồ gốm men ngọc có niên đại từ thời Ngũ đại đến thời Bắc Tống, được sản xuất tại các lò Việt Phúc Kiến. Một số loại gốm khác được sản xuất tại các lò Quảng Đông hoặc Giang Tây, Hà Bắc. Điều đó chứng tỏ giao thương giữa 2 nước thời kỳ này khá phát triển.
Về mặt tôn giáo, Phật giáo thời Đinh - Lê tiếp tục chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc thể hiện qua việc trao đổi kinh kệ, sư tăng. Một số nhà sư Chăm Pa cũng có mặt ở Hoa Lư để hành đạo. Các bài kinh ghi trên các cột kinh phật ở Hoa Lư thời Đinh được truyền từ phía Trung Quốc xuống.
Thông qua các hoạt động như vậy, các yếu tố văn hoá Trung Quốc, Chăm Pa đã được tiếp thu, biến đổi, hoà nhập với văn hoá Việt Nam truyền thống ở Hoa Lư. Gạch lát nền trang trí hoa sen là một ví dụ. Loại gạch này xuất hiện trong các kiến trúc thời Đường ở Trung Quốc; phong cách này ảnh hưởng đến nhiều nơi khác ở Đông Á, trong đó có Việt Nam. Gạch lát hoa sen ở Hoa Lư đã tiếp thu yếu tố trang trí này và biến đổi khác đi: Với loại gạch vuông thì tạo cánh hoa sen thon thả; với loại gạch hình chữ nhật thì bố trí 2 bông sen cánh mập. ở Hoa Lư còn có hình chim phượng trên gạch lát mà chưa gặp ở nơi khác, mặc dù là một mô típ được tiếp nhận từ Trung Quốc nhưng hình ảnh chim phượng Hoa Lư đơn giản mà vẫn không kém phần bay bướm, với những tư thế bay lượn hết sức sống động.
Về đồ gốm, trên cơ sở tiếp thu kỹ thuật gốm men Trung Quốc, Đại Cồ Việt đã giao lưu, tiếp thu, sản xuất ra loại dòng gốm riêng với các loại bát có nước men mỏng màu xám xanh nhạt. Tuy chưa sản xuất được đồ gốm men cao cấp, song sự xuất hiện của gốm Đinh - Lê chắc chắn đã tạo điều kiện để thợ gốm Việt Nam sản xuất những đồ gốm Việt cao cấp trong các thời kỳ tiếp theo… Trong các di vật được phát hiện năm 1988 ở Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư có loại ngói mũi lá, là loại ngói dẹt, một đầu có móc để lợp, một đầu vát nhọn. Loại ngói này đã tìm thấy nhiều ở Chăm Pa từ thế kỷ VII-VIII đến thế kỷ XIV. Loại ngói này xuất hiện ở Hoa Lư có lẽ là do tiếp nhận từ Chăm Pa. Khi tiếp nhận có loại ngói giữ nguyên dạng như ngói Chăm Pa, có loại đã biến đổi khác đi, trên mặt lưng có thêm 2 đường gờ nổi ở 2 rìa cạnh để tăng cường hiệu quả của việc thoát nước…
Như vậy, có thể khẳng định, qua những dấu tích đã tìm thấy ở Cố đô Hoa Lư, đã phản ánh sự giao lưu cởi mở, tiếp thu sáng tạo của văn hóa Việt Nam với các nước trong khu vực, cụ thể là trong văn hoá Việt Nam thế kỷ X, đã tiếp nhận một số yếu tố văn hoá Trung Quốc và Chăm Pa, biến đổi nó đi để làm phong phú thêm kho tàng văn hoá Việt Nam.
VT (Nguồn Báo Ninh Bình)