Ngày 20/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. với quan điểm thực hiện chuyển đổi số gắn liền với tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử/Chính quyền số sẽ là động lực quan trọng, là cách tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng, đưa tỉnh Ninh Bình bứt phá vươn lên đạt mục tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với tinh thần đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, các cấp, các ngành vào cuộc quyết tâm, đồng bộ. Việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu:
Hiện nay, nền tảng chính quyền điện tử, chính quyền số Ninh Bình đang được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh đã phủ rộng đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các hệ thống thông tin của tỉnh; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có máy tính sử dụng tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, tại cấp xã đạt khoảng 85%.
Mạng Truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) đã được triển khai cho 196 cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh; đã hình thành mạng diện rộng nội tỉnh dựa trên hạ tầng của Mạng TSLCD, hiện đã đấu chuyển cơ bản cho các cơ quan, đơn vị để sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh vào Mạng TSLCD và kết nối với Mạng TSLCD quốc gia do Cục Bưu điện Trung ương quản lý.
Trung tâm dữ liệu của tỉnh đang tích cực triển khai, từng bước phấn đấu đạt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội tỉnh đã được triển khai và kết nối cơ sở dữ liệu hộ tịch, CSDL cấp phiếu lý lịch tư pháp, CSDL cấp mã số quan hệ ngân sách, CSDL đăng ký doanh nghiệp từ bộ và các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, ngành Trung ương với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Cổng dịch vụ công của tỉnh đã triển khai và hoạt động hiệu quả trên cơ sở tích hợp, kết nối liên thông với hệ thống một cửa điện tử của 18 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện và 3 đơn vị ngành dọc với tổng số 2.042 dịch vụ.
Đã thực hiện kết nối liên thông Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia qua Trục LGSP của tỉnh, NGSP của quốc gia; năm 2021, thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ trên Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đã xây dựng nền tảng thanh toán trực tuyến và kết nối với nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp hệ thống hóa đơn, biên lai điện tử nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý việc thu phí, lệ phí trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; kết nối cơ sở dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính.
Ninh Bình đã hoàn thành triển khai rà soát và công bố 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định áp dụng thực hiện ở mức độ 4; đã thực hiện tích hợp 806 dịch vụ công mức độ 3, 4 đủ điều kiện cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã nâng cấp, bổ sung tính năng, đáp ứng việc ký số, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong tỉnh và liên thông với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh qua Trục liên thông văn bản Quốc gia; liên thông giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, đã có 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện ký số hồ sơ, văn bản điện tử; có 86,9 % hồ sơ, văn bản tại các sở, ban, ngành, 72,6 % cấp huyện thực hiện đầy đủ ký số tổ chức và cá nhân là lãnh đạo trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh. Ước tính tiết kiệm tiền ngân sách năm 2021 khoảng 63,9 tỷ.
Việc triển khai các Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Toàn tỉnh đã có 10.210 tài khoản thư điện tử công vụ; hệ thống Hội nghị truyền hình đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai liên thông, tương tác đến 143 điểm cầu cấp xã, 16 điểm cầu cấp huyện và 3 điểm cầu cấp tỉnh với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; đấu nối cho 100% điểm cầu cấp xã, cấp tỉnh.
Về hệ thống Thông tin báo cáo: Đã triển khai ứng dụng cho 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với gần 100 biểu mẫu báo cáo. Thực hiện tích hợp liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ và tích hợp với Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của UBND tỉnh.
Trung tâm giám sát điều hành thông minh đã sẵn sàng tích hợp cơ sở dữ liệu với hệ thống Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử; hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; hệ thống Thông tin báo cáo; Cổng dữ liệu, phần mềm thống kê y tế của Bộ Y tế; CSDL ngành giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đã hoàn thành giai đoạn 1 chương trình thí điểm chuyển đổi tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao, trên cơ sở đó đã nhân rộng triển khai tại 13 xã và thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền số tại thành phố Tam Điệp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, điểm nghẽn như: một số cơ quan, đơn vị chưa hình dung được tổng thể về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; cán bộ tham mưu, chuyên sâu về lĩnh vực này còn thiếu và yếu, thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị đã cũ, cấu hình thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhiều; tỷ lệ hồ sơ mức độ 3, 4 tiếp nhận trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn thấp...
Trong thời gian tới, để thực hiện thành công các giải pháp, mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong Nghị quyết 01 của BCH Đảng Bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 Ninh Bình nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước và đến năm 2030: Xây dựng thành phố Ninh Bình cơ bản trở thành đô thị thông minh; các dịch vụ đô thị thông minh ưu tiên được triển khai tại thành phố Tam điệp và các huyện trong tỉnh, Ninh Bình nằm trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước. UBND tỉnh đã giao Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số của tỉnh: chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát và điều phối chung việc tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch và Đầu tư; Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số tỉnh, chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch và Đầu tư; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các cơ quan, đơn vị, địa phương; các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai hiệu quả 5 nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Kế hoạch, đó là:
Nhóm 1. Về phát triển nền tảng chính quyền điện tử: Hoàn thiện nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh đáp ứng các yêu cầu kết nối, liên thông dữ liệu với nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); xây dựng, triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Ninh Bình (IOC); triển khai kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyên ngành qua trục LGSP vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ công tác chuyển đổi số …
Về phát triển hạ tầng số: Đầu tư, xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp độ 2 (tier 2); đến năm 2030 nâng cấp, hoàn thiện đạt tiêu chuẩn cấp độ 3 (tier 3); triển khai hệ thống dự phòng, phòng chống thảm họa (DR side) cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh phục vụ cho chuyển đổi số; xây dựng, phát triển kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; kho dữ liệu của công dân, tổ chức khi thực hiện giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước và hệ thống phần mềm quản lý, phân tích, thống kê, dự báo tích hợp dữ liệu chuyên ngành vào kho dữ liệu lớn, tập trung; xây dựng và triển khai nền tảng điện toán đám mây tỉnh Ninh Bình kết nối nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; chuyển đổi địa chỉ IPv4 sang IPv6 cho tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, sẵn sàng hoạt động thuần IPv6 vào năm 2025…
Về phát triển nền tảng số: Phát triển hạ tầng Internet vạn vật phục vụ chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh; xây dựng, triển khai nền tảng Đô thị thông minh (SCP) của tỉnh phục vụ xây dựng, phát triển các dịch vụ đô thị thông minh; triển khai nền tảng số hóa, nền tảng định danh và xác thực điện tử (eID); internet vạn vật (IOT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng dịch vụ chuỗi khối (Blockchain); phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở tỉnh Ninh Bình; xây dựng nền tảng số, dữ liệu số, phát triển dịch vụ Y tế thông minh, phổ cập đến cấp cơ sở, kết nối vào mạng lưới Y tế thông minh toàn quốc…
Về phát triển dữ liệu số: Số hóa, tạo lập các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN trên địa bàn tỉnh; tái cấu trúc, chuẩn hóa dữ liệu được chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; cập nhật cơ sở dữ liệu của quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương phục vụ chia sẻ dữ liệu cho các CQNN trên địa bàn tỉnh; xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu y tế tập trung của tỉnh phục vụ phát triển các dịch vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh; xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu về lĩnh vực giáo dục và kho học liệu trực tuyến trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; xây dựng bản đồ 3D các khu vực di tích và các điểm tham quan thực tế ảo sử dụng công nghệ VR 360; xây dựng hệ thống quản lý các hiện vật cho bảo tàng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực nông nghiệp….
Nhóm 2. Một số nhiệm vụ, dự án về phát triển chính quyền gồm: Triển khai xây dựng thí điểm mô hình Chính quyền số tại một số đơn vị cấp huyện, cấp xã và một số sở, ngành; thực hiện thí điểm chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động tại một số đơn vị trường học, cơ sở y tế … lấy kết quả, kinh nghiệm nhân rộng triển khai; triển khai các kênh tương tác trực tuyến giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; phát triển hệ thống tích hợp Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với các hệ thống xử lý nghiệp vụ chuyên ngành để cung cấp dịch vụ số, kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số; hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành đáp ứng các yêu cầu liên thông các cấp chính quyền, các cơ quan Đảng, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; triển khai Hệ thống phòng họp không giấy tờ….
Nhóm 3. Một số nhiệm vụ, dự án về phát triển kinh tế số gồm: Phát triển thị trường thương mại điện tử; doanh nghiệp công nghệ số. Triển khai hỗ trợ gói giải pháp SEO thông minh cho các doanh nghiệp; triển khai các chương trình khởi nghiệp sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế số; phát triển, ứng dụng nền tảng số phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại điện tử và các hoạt động liên quan; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số và môi trường số…
Nhóm 4. Một số nhiệm vụ, hoạt động và dự án về phát triển xã hội số gồm: Phát triển các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh phù hợp trên nền tảng hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số; triển khai hệ thống quản lý y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe từ xa; xây dựng, triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; phát triển các ứng dụng, dịch vụ giao thông thông minh trong việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện; triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ số, phát triển các dịch vụ thông minh về tài nguyên môi trường; triển khai dịch vụ giáo dục thông minh trên nền tảng công nghệ giáo dục số…
Nhóm 5. Một số nhiệm vụ, dự án về đảm bảo an toàn, an ninh mạng gồm: Duy trì, phát triển hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) theo mô hình 4 lớp cho 100% các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh kết nối với Trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia (NCSC); xây dựng, nâng cấp Hệ thống phòng thủ, giám sát an toàn thông tin cho trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh; hệ thống giám sát quản trị vận hành hạ tầng (NOSC) bảo đảm hoạt động an toàn cho Trung tích hợp dữ liệu của tỉnh; hệ thống giám sát các cổng/trang thông tin điện tử; xây dựng mạng lưới đảm bảo an toàn thông tin mạng; định kỳ hằng năm triển khai các chương trình nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng; tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cấp tỉnh hàng năm; đảm bảo hoạt động mạng lưới an toàn thông tin của tỉnh, kết nối thường xuyên với mạng lưới quốc gia; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hội thảo, đào tạo về an toàn thông tin mạng…
Có thể khẳng định, những kết quả bước đầu đạt được trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong thời gian qua là yếu tố quan trọng giúp Ninh Bình cải thiện Chỉ số cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng chuyển đổi số đứng thứ 6 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
PGS.TS Đỗ Văn Dung, ThS Trần Thị Thảo