
So với những quy định hiện hành về lĩnh vực này, Thông tư số 22/2016/TT-BTC nhằm hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS), cũng như tạo cơ sở pháp lý ổn định, minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), chủ xe cơ giới. Thông tư có nhiều điểm mới và được dư luận đánh giá là sẽ đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tham gia giao thông đó là:
Thay đổi quy định về thời hạn đóng phí bảo hiểm: áp dụng thống nhất cho tất cả các đối tượng chủ xe, trường hợp phí bảo hiểm dưới 50 triệu đồng, chủ xe cơ giới thanh toán 01 lần tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm; trường hợp phí bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thời hạn thanh toán phí không quá 10 ngày; trường hợp phí bảo hiểm từ 100 triệu đồng, thời hạn thanh toán phí không quá 30 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm; Bổ sung xác nhận nộp tiền của khách hàng trên Giấy chứng nhận bảo hiểm; Quy định về hồ sơ bồi thường rút gọn đối với các trường hợp không có các tài liệu liên quan. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm cụ thể giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe trong thu thập hồ sơ các hồ sơ bồi thường có liên quan. Về bồi thường thiệt hại do lỗi của bên thứ ba, Thông tư quy định rõ trường hợp lỗi hoàn toàn của bên thứ ba thì mức bồi thường bảo hiểm về người đối với các đối tượng thuộc bên thứ ba bằng 50% mức bồi thường theo quy định.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định mức tăng phí từ 10% đến 20% một số dòng xe (13 dòng) có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao, bao gồm xe dưới 6 chỗ ngồi, xe 16, 24 và trên 25 chỗ ngồi; xe tải từ 8 đến 15 tấn, trên 15 tấn và một số loại xe khác (taxi, xe chuyên dùng, đầu kéo rơ-moóc, xe máy chuyên dùng) nhằm đảm bảo an toàn tài chính của các DNBH. Ngoài ra, Thông tư đã tăng 25% và 43% mức trách nhiệm bảo hiểm hiện hành (lên mức 50 triệu/1 vụ tai nạn và 100 triệu đồng/vụ tai nạn đồng đối với thiệt hại về tài sản do mô tô, xe máy và xe ô tô gây ra, 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn đối với thiệt hại về người) nhằm phản ánh các biến động tăng về chi phí khám chữa bệnh và chi phí sửa chữa tài sản, phương tiện. Đặc biệt, Thông tư 22 đã thay thế toàn bộ bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường bảo hiểm theo quy định mới của của liên Bộ Y tế và Bộ Lao động, thương binh và xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp. Bảng tỷ lệ mới được quy định chi tiết hơn (tăng từ 221 lên 827 trường hợp thương tật) với cách phân loại đầy đủ, khoa học hơn, và thống nhất một mức dao động là 5% giữa tỷ lệ tối thiểu và tối đa của các loại thương tật.
Với những quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe cơ giới. Đồng thời, bảo đảm được quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người tham gia giao thông và từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của xã hội trong việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm.
Thu Hằng