Banner chính
Thứ Sáu, 19/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Định hướng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2030

Thứ Tư, 09/11/2022
Khái niệm nhà ở xã hội (NƠXH), xuất hiện trong Luật Nhà ở năm 2005 với định nghĩa NƠXH là “Nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để cho các đối tượng quy định tại Điều 53 và Điều 54 của Luật này thuê hoặc thuê mua”. Khái niệm NƠXH đã được luật hóa trong văn bản luật tiếp theo cho đến nay đều sử dụng định nghĩa gián tiếp, NƠXH là một loại hình nhà ở được xây dựng dành cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

Tác động tích cực của phát triển nhà ở xã hội đối với ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội:

- Nhà ở là một hàng hóa đặc biệt, đáp ứng một trong những nhu cầu thiết yếu, quan trọng nhất của con người, là tài sản có giá trị lớn của mỗi hộ gia đình, cá nhân. Phát triển nhà ở với chất lượng tốt, nâng cao điều kiện sống cho người dân luôn được các quốc gia quan tâm.

- Thực tiễn tại nhiều quốc gia cho thấy việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội bảo đảm quyền sở hữu nhà ở cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, ít năng lực cạnh tranh, cần được chăm sóc về nhà ở là yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự ổn định chính trị và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Hiệu quả kinh tế - xã hội của việc phát triển nhà ở xã hội tại mỗi quốc gia được thể hiện ở những khía cạnh, lĩnh vực khác nhau tùy theo mỗi nước. Phát triển nhà ở xã hội góp phần kích thích nền kinh tế quốc gia qua nâng cao lĩnh vực xây dựng, tạo thêm việc làm. Nhà ở xã hội giúp lực lượng lao động có cơ hội nâng cao các điều kiện về sức khỏe, giáo dục, giải trí,… tạo điều kiện tốt hơn để tái sản xuất sức lao động, giúp người lao động tập trung sản xuất, tạo của cải vật chất cũng như cung cấp chuỗi cung ứng sản xuất hàng ngày, gián tiếp nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mặt khác, sự an tâm về nơi ở không chỉ giúp tăng chi tiêu, kích thích thị trường mà còn tăng cường sự hòa nhập xã hội, giảm sự mâu thuẫn giữa các nhóm người hoặc giữa các nhóm người với chính quyền.

Một số tồn tại, khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội cho người lao động các khu công nghiệp:

- Hiện nay, các khu công nghiệp đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Dù đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ, địa phương ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, tuy nhiên các doanh nghiệp đầu tư vẫn chưa coi nhà ở xã hội là thị trường hấp dẫn để tập trung đầu tư. Việc phát triển nhà ở cho công nhân vẫn còn điểm nghẽn ở chính sách, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại khu công nghiệp; quá trình phát triển nhà ở tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là pháp lý và quy định pháp luật còn xung đột, chồng chéo với nhau.

- Các doanh nghiệp thường ít quan tâm đến nhà ở xã hội do giới hạn về lợi nhuận dự án; giới hạn về đối tượng khách hàng.   

- Người lao động chưa tiếp cận được với nhà ở xã hội do thu nhập thấp; giá nhà ở xã hội, mặc dù đã khá thấp, nhưng vẫn vượt quá khả năng chi trả của hầu hết công nhân có nhu cầu mua nhà. Bên cạnh đó, phần lớn người lao động trẻ chưa xác định gắn bó lâu dài tại một doanh nghiệp, trên một địa bàn, thường chuyển việc, dịch chuyển nhiều địa bàn nên chưa muốn ở một nơi cố định. Ngoài ra, thiết kế, công năng, cách thức quản lý tại một số khu nhà ở xã hội chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, thói quen, lối sống… của người lao động.

Giải pháp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình:

- Tỉnh cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân như: Vốn, quỹ đất, thủ tục hành chính, thiết kế mô hình mẫu … giúp chủ đầu tư giảm thời gian xét duyệt hồ sơ, tiết giảm chi phí đầu tư, giảm giá nhà, gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ công nhân khi mua, thuê mua nhà ở xã hội.

- Ban hành quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà tại các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, đảm bảo các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thì chỉ dành cho đối tượng là công nhân, không để người không đúng đối tượng được mua với mục đích đầu cơ, kiếm lời.

- Trước khi triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân, cần tiến hành khảo sát, nắm chắc nhu cầu về nhà ở của công nhân trên địa bàn để có cơ cấu hợp lý giữa căn hộ để bán và cho thuê. Cần thiết kế căn hộ hợp lý với từng đối tượng khách hàng là hộ gia đình, người độc thân, có chính sách giá bán, giá cho thuê phù hợp với đối tượng là công nhân, người có thu nhập thấp.

- Các dự án nhà ở xã hội cho công nhân cần có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho đối tượng là công nhân như: nhà trẻ, mẫu giáo, bãi gửi xe, cây rút tiền ATM... Đặc biệt, cần có các cửa hàng tiện ích bán thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu với giá bán tương tương ở các khu nhà trọ, chợ dân sinh, các quán cơm bình dân. Có cách quản lý chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, thuận tiện đối với người thuê nhà, hỗ trợ xử lý kịp thời những vấn đề về điện, nước, phòng chống cháy nổ...

- Mô hình chúng ta hướng đến trong tương lai là mô hình khu công nghiệp đô thị và dịch vụ, đây là mô hình ưu việt và đảm bảo cả hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, cần chú ý, không nên hướng đến mục tiêu khuyến khích công nhân mua, sở hữu nhà lâu dài vì sẽ kéo theo nhiều hệ quả khó lường. Thay vào đó, cần chú trọng phát triển theo hướng: công nhân, người lao động chỉ cần ổn định trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp.

- Giải pháp cụ thể của tỉnh: Tập trung triển khai nhà ở xã hội cho công nhân theo hướng hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển nhà ở xã hội, kịp thời rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo các điều kiện để thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án theo kế hoạch, lộ trình đề ra. Phấn đấu trước năm 2025 từng bước cung cấp khu nhà ở xã hội phục vụ Khu công nghiệp Gián Khẩu và người lao động khu vực lân cận; đồng thời, triển khai các thủ tục để xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động các Khu công nghiệp Phúc Sơn, Khánh Phú và vùng phụ cận; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến công nhân lao động, các đối tượng đủ điều kiện tiếp cận việc mua, thuê nhà, đảm bảo hiệu quả. Giai đoạn trước năm 2030 và những năm tiếp theo, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động các Khu công nghiệp Khánh Cư, Tam Điệp I, Tam Điệp II và Kim Sơn.

- UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1224/QĐ-UBND, ngày 08/11/2021 Về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình năm 2021 đối với các khu vực thực hiện phát triển nhà ở theo dự án.

Theo đó, Dự án khu nhà ở xã hội phục vụ Khu công nghiệp Gián Khẩu và người lao động khu vực lân cận trên khuôn viên rộng 49.622m2, với tổng số lượng nhà ở 2.153 căn.

Dự án khu nhà ở xã hội này sẽ đáp ứng nhu cầu về nhà ở phù hợp với số lượng công nhân theo sự phát triển của Khu công nghiệp Gián Khẩu và người lao động có thu nhập thấp khu vực lân cận. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, mang lại hiệu quả tài chính cho nhà nước và nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về quy mô dự án: Diện tích đất phù hợp với quy hoạch là 49.622m2; diện tích xây dựng là 20.410,7m2; diện tích sàn xây dựng nhà ở là 208.998,5m2.

Tổng mức đầu tư 2.342 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2022-2027. Thời gian hoạt động dự án 50 năm.

Nhận định, dự án khi triển khai thực hiện sẽ tạo ra tác động quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Phát triển không gian đô thị với nhiều chức năng, đảm bảo cơ sở hạ tầng có tính liên kết, hiện đại, đồng bộ, khớp nối với các quy hoạch, dự án xung quanh đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho đối tượng phục vụ là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Gián Khẩu và người lao động có thu nhập thấp khu vực lân cận, góp phần giải quyết chính sách an sinh xã hội; Tạo điều kiện thu hút lao động, dân cư và các nguồn lực kinh tế. Đồng thời, tạo thêm nguồn thu ngân sách từ việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuế theo quy định của nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh

Các tin khác