Banner chính
Thứ Sáu, 19/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Giới thiệu về GAP

Thứ Sáu, 29/09/2017
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại. Xuất phát từ nhu cầu bức thiết này, những năm 1990 Tổ chức các nhà bán lẻ châu Âu (EUREP), đưa ra các tiêu chuẩn cho việc đánh giá thực hành nông nghiệp tốt, viết tắt theo tiếng Anh là GAP, nhằm cung cấp những thực phẩm có chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng. Với mục tiêu tốt đẹp này, GAP nhanh chóng được dư luận toàn thế giới hưởng ứng.

Trên cơ sở các nội dung và tiêu chí chất lượng của GAP do EUREP đưa ra (gọi là EUREPGAP), nhiều nước đã xây dựng tiêu chuẩn GAP  áp dụng cho nước mình, vừa đảm bảo yêu cầu chung của thế giới, vừa phù hợp với điều kiện riêng của mỗi nước. Vì vậy, EUREPGAP đã mang tính chất toàn cầu cho nên tháng 09 năm 2007, hội nghị quốc tế lần thứ 8 tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) đổi tên thành GLOBALGAP, như vậy GAP áp dụng cho cả thế giới.

Nhằm nâng cao chất lượng và an toàn vệ sinh cho các sản phẩm nông nghiệp và đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, nước ta cũng đã xây dựng quy trình thực hiện GAP và gọi là quy trình VietGAP. Hiện tại đã ban hành quy trình VietGAP cho rau, quả, chè, lúa và sau đó sẽ tiếp tục cho các sản phẩm khác kể cả sản phẩm chăn nuôi và thuỷ sản. Tuy vậy, GAP yêu cầu một trình độ kỹ thuật và tổ chức quản lý tương đối cao, nhưng trước hết vẫn là sự nâng cao hiểu biết cho nông dân, chủ thể của sản xuất, đổi mới nhận thức cách làm cho mỗi người. Đây là điều kiện quyết định cho việc mở rộng áp dụng GAP thành công.

GAP LÀ GÌ?

GAP là viết tắt của các từ tiếng Anh “Good Agriculture Practises” dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Thực hành nông nghiệp tốt”.

Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, năm 1997 Tổ chức các nhà bán lẻ châu Âu (Euro-Retailer Produce Working Group, viết tắt là EUREP) đề ra các tiêu chuẩn trong sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, trước hết là rau và quả, gọi là thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Các tiêu chuẩn GAP do EUREP đưa ra gọi là EUREPGAP. Sau khi các tiêu chuẩn chất lượng do EUREP công bố đã nhanh chóng được nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia chấp nhận, được coi là tiêu chuẩn chung áp dụng cho toàn thế giới. Sau đó, để thích hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội, thuận lợi cho việc áp dụng, một số vùng và quốc gia đã xây dựng các tiêu chuẩn GAP riêng. Tuy vậy, các tiêu chuẩn GAP này đều dựa vào các tiêu chuẩn của EUREPGAP, bởi EUREPGAP đã khá đầy đủ và chặt chẽ, phản ánh được nhu cầu và khả năng của các quốc gia trong điều kiện hội nhập toàn cầu.

Các tiêu chuẩn và nội dung thực hiện GAP có thể áp dụng với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, trước hết với rau quả tươi và các sản phẩm được tiêu thụ nhiều và dễ bị mất an toàn. Gần đây, các tiêu chuẩn của GAP còn được mở rộng áp dụng cho các sản phẩm chăn nuôi và thuỷ sản.

TẠI SAO PHẢI ÁP DỤNG GAP

Từ các mục tiêu và yêu cầu của GAP có thể thấy rõ việc áp dụng GAP mang lại nhiều lợi ích.

Trước hết là lợi ích đối với người tiêu dùng: người tiêu dùng là đối tượng được phục vụ, đồng thời cũng là động lực để đề xuất và thúc đẩy việc thực hiện GAP. Người tiêu dùng trong đó có bản thân ta và gia đình, được hưởng những sản phẩm ngon lành sạch sẽ và an toàn, đó là mục tiêu chính và cũng là lợi ích lớn nhất mà GAP mang lại. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng kém và không đảm bảo vệ sinh an toàn còn lưu hành nhiều trên thị trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ mọi người mà ai cũng nhận thấy. Nhưng làm gì để giải quyết tình trạng này, chính GAP đã khởi xướng và để ra nhiều biện pháp, có thể nói là nghiêm khắc, quyết liệt và tích cực nhất hiện nay. Đã có nhiều quy định của nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nói chung còn mang tính chất khuyến cáo, dựa nhiều vào tính tự giác của người sản xuất và cung ứng mà chưa có những biện pháp chế tài chặt chẽ. EUREP với tư cách là tổ chức nắm quyền phân phối trên phạm vi rộng lớn hoàn toàn có thể đề ra và buộc người sản xuất phải tuân thủ các quy định, nếu không thì sản phẩm của họ không thể tiêu thụ được, trước hết là ở các nước châu Âu, thị trường quan trọng bậc nhất thế giới.

Với việc đề ra các nguy cơ và quy định thực hiện , GAP khơi dậy và khuyến khích quyền được đòi hỏi của người tiêu dùng và góp phần tạo nên một thế hệ những người tiêu dùng thông minh. Đây cũng là động lực chính thúc đẩy nông dân và các nhà cung ứng phải cải tiến để sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp tốt cho xã hội.

Đối với nông dân và các chủ trang trại, những người trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, GAP bảo vệ an toàn sức khoẻ cho chính bản thân họ và đưa đến cho họ cơ hội, biện pháp để nâng cao trình độ sản xuất, thích hợp với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Một khi sản phẩm của họ làm ra được người tiêu dùng chấp nhận thì lợi nhuận mang lại cho họ ngày càng nhiều hơn. Điều này lại khuyến khích họ hăng hái đầu tư và cải tiến phương thức làm việc , góp phần thúc đẩy sự tiến bộ chung của nền sản xuất xã hội.

Lợi ích của nhà cung ứng gắn liền và tương tự như lợi ích của người sản xuất. Người tiêu dùng có sản phẩm để sử dụng phải dựa vào người sản xuất và nhà cung ứng. Đưa được nhiều sản phẩm tốt đến người tiêu dùng , được người tiêu dùng chấp nhận sẽ nâng cao tín nhiệm và mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà cung ứng.

Việc tuyên truyền mở rộng thực hiện GAP góp phần hỗ trợ Nhà nước trong công việc quản lý xã hội.

Tổng các lợi ích trên đây là lợi ích mà GAP mang lại cho toàn xã hội , không những đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phù hợp với xu thế phát triển tương lai của loài người. Đó là các sản phẩm phục vụ đời sống con người phải có chất lượng tốt và đảm bảo an toàn. Các lợi ích mang đến nói lên sự cần thiết phải thực hiện GAP, đồng thời nhắc nhở thúc đẩy mọi người phải quan tâm và thực hiện theo GAP.

Tuy vậy, các tiêu chuẩn do GAP đưa ra hiện nay chưa phải đã là hoàn hoả, càng chưa hẳn đã thích hợp với mọi thị trường và mọi trình độ sản xuất, quản lý ở các vùng trên thế giới. Từ các tiêu chuẩn, nội dung và cách thực hiện do EUREPGAP đưa ra, các vùng và quốc gia sẽ có quy định phù hợp hơn, đảm bảo thống nhất lợi ích của vùng và toàn cầu.

Thanh Hòa

Các tin khác