Là tác giả của gần 100 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau, anh Phạm Bá Ngọc luôn đặt ra những mục tiêu cho doanh nghiệp, các sản phẩm này phải chinh phục được thị trường du lịch của tỉnh, bởi đây vừa là tiềm năng vừa là cơ hội để các sản phẩm của doanh nghiệp đến với thị trường trong nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, việc không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật, công nhân của công ty có vai trò đặc biệt quan trọng. Hàng năm, công ty luôn chú trong đầu tư vào công nghệ, máy móc hiện đại, trong đó ứng dụng công nghệ CNC vào điêu khắc gỗ là một trong những giải pháp hiệu quả mà công ty đã thực hiện thành công.
CNC là cụm từ viết tắt của “Computer numerial contral”, là môt loại máy điều khiển tự động có sự hỗ trợ của máy tính, và trong đó các bộ phận tự động được lập trình để hoạt động theo các sự kiện tiếp nối nhau với tốc độ được xác định trước để có thể tạo ra được mẫu vật với hình dạng và kích thước yêu cầu. Với tính năng hoạt động như trên, cho phép người sử dụng có thể sáng tạo và thực hiện đươc tất cả các mẫu theo ý tưởng của mình, máy không hạn chế về mẫu mã sản phẩm, do đó để có sản phẩm đẹp phụ thuộc nhiều vào ý tưởng và bản vẽ ban đầu, và đối với các doanh nghiệp, tính năng linh hoạt của máy sẽ giúp các doanh nghiệp thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng và liên tục về mẫu mã của thị trường và chủng loai khách hàng nói chung. Bên cạnh đó, môt ưu điểm vượt trội của công nghệ CNC này đó là cho phép gia công các sản phẩm có độ chính xác cao mà máy công cụ truyền thống không thể làm được. Khi chương trình gia công đã được kiểm tra và có lệnh xuất file, thì máy CNC sẽ đảm bảo cho ra hàng loạt sản phẩm với mẫu mã và chất lượng đồng nhất. Đây là yếu tố cơ bản làm nên hiệu quả kinh tế khi ứng dụng công nghệ này, cho phép doanh nghiệp đáp ứng được các đơn hàng với số lượng lớn trong khoảng thời gian nhất định và đồng nghĩa với việc mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp.
Còn đối với doanh nghiệp Công ty TNHH Vạn Bảo Ngọc thì hiệu quả khi ứng dụng công nghệ này đã mang lại các đơn hàng lớn cho doanh nghiệp, thị trường mở rộng và doanh thu tăng lên, điều này đồng nghĩa với mức thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp cũng tăng lên. Giảm chi phí sản xuất, giảm sức lao động và tăng doanh thu luôn là mục tiêu hướng tới của các doanh nghiệp, do đó hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ CNC vào điêu khắc gỗ còn có ý nghĩa khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, và sư phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung.
Đối với làng nghề mộc Phúc Lộc - Phường Ninh Phong - TP Ninh Bình, việc thích ứng với sự hiện đại và phát triển của công nghệ cũng được các nghệ nhân, doanh nghiệp trong làng nghề tiếp cận. Bộ tranh “Tùng - cúc - trúc - mai” của nghệ nhân Phạm Ngọc Vũ, đã đạt được giải B trong “Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2017” vừa qua đã mang lại cho nghệ nhân niềm vui, niềm tự hào. Và đối với nghệ nhân như ông Phạm Ngọc Vũ, thì kết quả trên khẳng định công nghệ có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của làng nghề. Bộ tranh được hoàn thiện phần lớn nhờ vào bộ máy CNC mà gia đình đã đầu tư cách đây hai năm, sau khi được gia công bằng máy, thì bằng bàn tay khéo léo của nghệ nhân, các đường nét hoa văn được chỉnh chu giúp mềm mại hơn, đẹp hơn. Hiện tại, bộ tranh tứ quý này được gia đình nghệ nhân sản xuất hàng loạt do nhu cầu của thị trường cũng rất lớn. Hơn 60 năm gắn bó với nghề mộc truyền thống của gia đình, của quê hương, chứng kiến làng nghề trải qua nhiều giai đoạn phát triển, một nghệ nhân như ông thấy vui vì sự hiện đại của công nghệ đối với nghề điêu khắc gỗ.
Làng nghề mộc Phúc Lộc hiện có hơn 600 người làm nghề, nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ quy mô lớn phát triển đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương. Các sản phẩm sản xuất ở Phúc Lộc đa số là hàng thông dụng như giường, tủ, bàn, ghế, salon, chấn song, cửa tay vịn cầu thang. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng thị trường, nhiều gia đình cũng sản xuất các mặt hàng gỗ mỹ nghệ như; tủ chè, sập gụ, tượng thờ, các loại đồ gỗ phục vụ tế tự, lễ hội với những đường nét chạm khắc tinh xảo. Từ xưa, người thợ mộc Phúc Lộc đã sáng tạo ra những sản phẩm mộc với phương pháp lao động hết sức thủ công như đục, đẽo bằng tay. Nhưng ngày nay, nhờ sự năng động, nhạy bén, biết nắm bắt thị trường và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, các thiết bị công nghệ ngày càng được đưa vào làng nghề để giảm sức lao động và hiện đại hóa quá trình sản xuất. Phát huy những tinh hoa, sự sáng tạo và khéo léo của người thợ làng nghề, kết hợp với công nghệ điêu khắc hiện đại, các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ của làng nghề đã đạt độ tinh xảo và chất lượng đồng đều. Việc ứng dụng công nghệ CNC vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xem như một giải pháp hiệu quả giải quyết bài toán về nhân công và sự đồng đều về chất lượng sản phẩm.
Cùng với nhiều loại máy phục vụ sản xuất gỗ, thì hiện nay, trong làng nghề mộc Phúc Lộc đã có khoảng 10 máy điêu khắc CNC với các loại khác nhau. Với việc đầu tư vào công nghệ này, cùng sức sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân, thợ mộc làng nghề, những sản phẩm đẹp, chất lượng đang được sản xuất ra đồng loạt trong khi không phải tăng chi phí cho nhân công, chi phí sản xuất và tái tạo sức lao động của người thợ. Công nghệ CNC đang khẳng định có thể dần thay thế cho con người trong quá trình sản xuất, lao động. Và đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp, gia đình ở làng nghề phát triển nghề gỗ mỹ nghệ càng chú trọng đến đổi mới và đầu tư vào công nghệ hiện đại.
Trong điều kiện thị trường luôn không ngừng đòi hỏi chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng tốt, đa dạng, phong phú, thì việc đáp ứng những nhu cầu này để tồn tại và phát triển là mục tiêu xuyên suốt của các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất hàng mỹ nghệ. Và ứng dụng công nghệ CNC vào điêu khắc gỗ được xem là lời giải cho bài toán kinh tế, hiệu suất và chất lượng cho sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ.
Thu Trà