
Trong kỳ đại hội gần đây nhất tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta đã vạch ra 03 nhóm chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ, đó là nhóm kinh tế, nhóm xã hội và nhóm môi trường. Trong đó, lĩnh vực y tế chiếm 2/6 chỉ tiêu thuộc nhóm xã hội [8].
Tại Ninh Bình, Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI của tỉnh cũng đã đưa ra 15 mục tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có 01 mục tiêu về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân với 06 chỉ tiêu thành phần. Từ Nghị quyết Đại hội Đảng, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động để triển khai thực hiện trong lĩnh vực y tế: Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 17/10/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVCSSKND giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác BVCSSKND trong tình hình mới, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới [9].
Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, việc đánh giá toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ là hết sức cần thiết, giúp nhìn nhận lại những kết quả, thành tựu đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại, yếu kém tiếp tục cần giải quyết và nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm rút ra, đồng thời, đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ tới.
Lĩnh vực BVCSSKND là một trong những nội dung quan trọng, với 01 nhóm mục tiêu chủ yếu, 01 Nghị quyết và 02 Chương trình hành động quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình. Vì vậy, cần thiết tiến hành một nghiên cứu nhằm đánh giá toàn diện các kết quả nổi bật đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, những bước tiến trong công tác BVCSSKND của tỉnh nhà, những vấn đề còn tồn tại, phát sinh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cần tập trung ưu tiên, những nhiệm vu, giải pháp trọng tâm cần chỉ đạo, triển khai trong nhiệm kỳ tới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân trên địa bàn; nghiên cứu sẽ là tài liệu quan trọng, cung cấp bằng chứng khoa học, giúp Đại hội Đảng đưa ra những quyết định trong cả giai đoạn 2021-2025.
Với mục đích đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu chuyên đề: “Thực trạng mô hình bệnh tật, những kết quả nổi trội trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020 và giải pháp tăng cường chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025” gồm các mục tiêu sau:
1. Xác định mô hình bệnh tật của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020.
2. Mô tả, đánh giá kết quả nổi bật công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn 2015-2020.
3. Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn 2021-2025.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng thiết kế nghiên cứu cắt ngang, phương pháp định lượng kết hợp định tính, hồi cứu số liệu sẵn có từ năm 2015-2019.
2. Địa điểm nghiên cứu: Tại tỉnh Ninh Bình.
3. Thời gian nghiên cứu: Tháng 4-5 năm 2020.
4. Cách thu thập và xử lý số liệu
- Thu thập toàn bộ các loại báo cáo từ năm 2016-2019 đã được phát hành của Sở Y tế Ninh Bình: Báo cáo tổng kết ngành, Báo cáo thống kê y tế, Báo cáo nhân lực, Báo cáo tài chính, Báo cáo công tác y tế dự phòng, Báo cáo Chương trình Y tế - Dân số, ... từ các phòng chức năng, các đơn vị trực thuộc đầu mối các lĩnh vực. Các lĩnh vực chưa có số liệu tiến hành phỏng vấn Trưởng các phòng chức năng để thu thập thông tin.
- Tổng hợp các số liệu trên vào các biểu mẫu đã thiết kế sẵn theo lĩnh vực và thời gian. Đối với nghiên cứu về MHBT, sử dụng biểu số 16 về phân loại bệnh tật và tử vong theo ICD 10 thuộc báo cáo thống kê y tế hàng năm của toàn ngành và các đơn vị trực thuộc.
- Đối chiếu xem xét các số liệu giữa các loại báo cáo, giữa các năm, ... để phát hiện các bất thường về số liệu và phản hồi với đơn vị đầu mối để chỉnh sửa các số liệu chưa phù hợp.
- Xử lý và phân tích số liệu bằng Excel 2010.
TÓM TẮT KẾT QUẢ
1. Mô hình bệnh tật của tỉnh giai đoạn 2015-2019
- Bệnh không lây nhiễm chiếm tỷ lệ cao nhất trong số nhập viện điều trị, tiếp đó là bệnh lây nhiễm và cuối cùng là bệnh do tai nạn, ngộ độc, chấn thương. Trong giai đoạn 2015-2019, bệnh lây và không lây có chiều hướng tăng nhẹ, bệnh do tai nạn, chấn thương, ngộ độc giảm xuống.
- Tử vong do các bệnh không lây chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là bệnh lây và thấp nhất là bệnh do tai nạn, chấn thương, ngộ độc. Trong giai đoạn 2015-2019, tử vong do bệnh không lây nhiễm tăng lên, do 2 nhóm nguyên nhân còn lại giảm xuống.
- 10 bệnh mắc nhiều nhất trong số nhập viện năm 2019 bao gồm: Các tổn thương khác do chấn thương xác định và ở nhiều nơi, Thương tổn do chấn thương trong sọ, Sỏi tiết niệu, Suy thận, Bệnh tim thiếu máu cục bộ khác, Đái tháo đường, Bệnh của ruột thừa, Các bệnh viêm phổi, Suy tim, Gãy các phần khác của chi do lao động và giao thông.
- 10 bệnh tử vong nhiều nhất năm 2019 bao gồm: Các triệu chứng, dấu hiệu và kết quả bất thường về khám lâm sàng và xét nghiệm khác, chưa xếp ở chỗ khác, Các triệu chứng, dấu hiệu và kết quả bất thường về khám lâm sàng và xét nghiệm khác, chưa xếp ở chỗ khác, Thương tổn do chấn thương trong sọ, Thương tổn do chấn thương ở mắt và hốc mắt, U ác khí quản, phế quản và phổi, Nhiễm HIV, Đái tháo đường, Các bệnh viêm phổi, Suy tim, Tai biến mạch máu não, không xác định rõ chảy máu hoặc do nhồi máu.
2. Kết quả giai đoạn 2015-2019
- Lĩnh vực y tế dự phòng: Không để dịch bệnh xảy ra trong 05 năm liền, 23/28 các bệnh có số ca mắc năm sau giảm so với năm trước, không để xảy ra các ca bệnh nguy hiểm, mới nổi như: MERS-coV, Ebola, bệnh do virus Zika, ...trên địa bàn tỉnh. Đạt và vượt các chỉ tiêu giao: tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ (đạt trên 95%), tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván (đạt từ 95% trở lên), tỷ lệ trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi và bà mẹ sau khi đẻ được uống Vitamin A (đạt 100% và trên 95%), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (giảm 0,4%/ năm), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (giảm 0,6%/ năm), tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi (giảm còn 3,2‰), tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi (giảm còn 4,3‰), tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn được khống chế ở mức dưới 0,3%, mức giảm tỷ lệ sinh đạt tối thiểu 0,15%, tỷ số giới tính khi sinh đạt 112,7, không để xảy ra tử vong do ngộ độc thực phẩm.
- Công tác KCB: Hiệu quả điều trị tăng lên thể hiện ở số ngày điều trị trung bình giảm, điểm đánh giá tiêu chí chất lượng bệnh viện trung bình tăng từ 2,6 lên 3,1, đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao tại các tuyến như: Can thiệp mạch, phẫu thuật mạch treo búi trĩ, khai thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não cấp, điều trị đích trong ung thư, phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối, chụp và can thiệp mạch não (Tuyến tỉnh), điều trị vàng da sơ sinh, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày, phẫu thuật cắt thận, lách, túi mật, phẫu thuật u xơ tuyến tiền liệt, ... (tuyến huyện), diện mạo các cơ sở y tế đã thay đổi nhờ việc tích cực triển khai xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, việc kết hợp KCB bằng YHCT trong KCB còn hạn chế, tốc độ phát triển kỹ thuật chưa nhanh, chất lượng KCB giữa các đơn vị cùng tuyến chưa đồng đều. Hệ thống y tế tư nhân chưa phát triển mạnh mẽ.
- Nhân lực y tế và khoa học công nghệ: Đạt được những bước tiến mới về cả số lượng và chất lượng nhân lực: Số CBYT trên vạn dân tăng từ 39,3 lên 41,7, tỷ lệ TYT có bác sỹ làm việc cao hơn đạt 94,2%, tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế hoạt động đạt 100%, tỷ lệ CBYT có trình độ đại học, sau đại học ngày càng tăng từ 31,5% (năm 2016) lên 48,4% (năm 2019). Tuy nhiên, cán bộ dược có trình độ cao vẫn còn thiếu thể hiện ở chỉ tiêu “Số dược sỹ đại học trên vạn dân” còn thấp so với trung bình của toàn quốc, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn sâu. Công tác nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu, nhiều đề tài có tính ứng dụng cao được triển khai như: dụng phần mềm trong quản lý y tế cơ sở, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, nghiên cứu thực trạng và mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm, ...
- Hệ thống thông tin y tế: Số lượng phần mềm, lĩnh vực và phạm vi ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng rộng, trong đó có một số lĩnh vực đột phá: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bản điều hành, ứng dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản, phần mềm y tế cơ sở, 100% dịch vụ công được thực hiện với mức độ 3,4. Tuy nhiên, một số quy trình cần áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin như: bệnh án điện tử, liên thông kết quả xét nghiệm, KCB từ xa.
- Thuốc, trang thiết bị và công trình y tế: Chất lượng thuốc được đảm bảo, giá thuốc trên thị trường, giá thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện được bình ổn, các loại thuốc, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không được phép lưu hành được quản lý, giám sát chặt chẽ không để lưu hành trên thị trường; lần đầu tiên, các cơ sở bán lẻ thuốc triển khai kết nối liên thông với hệ thống bán lẻ thuốc quốc gia; triển khai tốt đấu thầu tập trung thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền,vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm cho các cơ sở y tế cấp địa phương một cách công khai, minh bạch, theo đúng quy định. Số giường bệnh nội trú tăng từ 26,8 lên 39,5. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 53,8% lên 95,9%.
- Tài chính y tế: Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 70,1% năm 2015 lên 91% năm 2019. Chi y tế bình quân đầu người tăng từ 1 triệu/người/năm 2015 lên 1,5 triệu/người/năm năm 2019. Toàn ngành có 04 đơn vị được giao tự chủ 100% chi phí hoạt động thường xuyên chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.
- Quản trị hệ thống : Tổ chức hệ thống và nhân lực y tế được củng cố, tinh gọn và hiệu quả. Giảm 01 phòng thuộc Sở Y tế, 01 phòng thuộc Chi cục ATVSTP, giảm 9 đầu mối đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế từ 32 xuống còn 23, giảm 08 Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DSKHHGĐ so với năm 2015. Đồng thời, cắt giảm được 153 biên chế và chuyển đổi sang cơ chế tự chủ 1.275 biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
3. Nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung giai đoạn 2021-2025
- Đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ: Tiếp tục sắp xếp hệ thống y tế tuyến xã, đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước về y tế.
- Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế và mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế: Tăng chi cho các lĩnh vực y tế dự phòng, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, tiếp tục phát triển bảo hiểm toàn dân, mở rộng liên doanh liên kết trong lĩnh vực BVCSSKND.
- Nâng cao sức khoẻ nhân dân: Đảm bảo dinh dưỡng theo nhóm tuổi, hình thành lối sống lành mạnh, phát triển phong trào rèn luyện thân thể, quản lý, phát hiện sớm các bệnh mạn tính, phòng chống các bệnh do tai nạn, chấn thương, tệ nạn xã hội, ...
- Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở: Duy trì và nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo tiêm chủng mở rộng, phát triển y học gia đình, triển khai mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm, triển khai hồ sơ sức khỏe toàn dân, ...
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở, tăng sự hài lòng và tin tưởng của người dân với chất dịch DVYT; từng bước triển khai đăng ký khám, chữa bệnh qua mạng theo lộ trình; đẩy mạnh phát triển YHCT trong khám chữa bệnh; sớm hoàn thành lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh; đầu tư một số cơ sở khám, chữa bệnh với chất lượng dịch vụ kỹ thuật và chăm sóc cao theo nhu cầu; đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa.
- Đẩy mạnh công tác quản lý Dược và thiết bị y tế: Bảo đảm thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng; thực hiện tốt công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc; tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc.
- Phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế; tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế; bổ sung đội ngũ nhân lực chuyên môn sâu, dược sỹ đại học trở lên; xây dựng và triển khai các chương trình, đề án để ứng dụng, sử dụng có hiệu quả các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Tăng cường hợp tác quốc tế: Tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tài chính của các nước, các tổ chức quốc tế để triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Đỗ Văn Dung, Phạm Thị Phương Hạnh