
Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành các văn bản, chính sách về triển khai công tác giảm nghèo, hệ thống các văn bản này đã cụ thể hóa được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh vào tình hình thực tế tại địa phương để các cấp, các ngành cùng phối hợp hoàn thành tốt kế hoạch công tác xóa đói, giảm nghèo tỉnh Ninh Bình.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các đoàn thể trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực phối hợp, triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách, dự án, đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện trên cơ sở phạm vi chức năng, nhiệm vụ quy định. Các mục tiêu, nội dung, biện pháp giảm nghèo được đưa vào chương trình hoạt động của các đơn vị và hội viên cơ sở trong hệ thống của Liên hiệp Hội tỉnh thông qua các kế hoạch cụ thể giúp người nghèo phát triển sản xuất, tổ chức sản xuất có hiệu quả.
Liên hiệp Hội tỉnh đã chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình xây dựng chuyên đề, chuyên mục, các mô hình về công tác giảm nghèo 01 tháng 02 lần, tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường 01 tháng 04 lần nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình, giúp cho người nghèo thoát nghèo bền vững. Liên hiệp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân nghèo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Khuyến khích nông dân, mạnh dạn áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất trên trang thông tin điện tử của Liên hiệp Hội tỉnh tại địa chỉ khoahockythuat.ninhbinh.gov.vn, giúp người dân tự nâng cao kiến thức cũng như nâng cao thu nhập cho chính mình và gia đình, chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá.
Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức hàng chục nghìn buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các xã, thôn. Cùng các cấp trong tỉnh xây dựng được hàng chục mô hình giảm nghèo bền vững, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng như mô hình trồng khoai lang Nhật Bản cho các hộ nghèo tại xã Văn Phương và xã Gia Sơn (huyện Nho Quan); mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh), xã Gia Lập (huyện Gia Viễn); mô hình nuôi thỏ thương phẩm ở xã Gia Sơn, ếch Thái Lan xã Thượng Hoà, dê sinh sản xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan); mô hình trồng nấm ở xã Ninh Hoà (huyện Hoa Lư), xã Khánh Vân, Khánh Hồng (huyện Yên Khánh)…
Liên hiệp Hội tỉnh đã tổ chức thành công 08 Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật với hàng nghìn công trình, giải pháp khoa học kỹ thuật đã được áp dụng có hiệu quả vào trong đời sống kinh tế chính trị, xã hội, văn hóa và an ninh quốc phòng của tỉnh. Tổ chức thành công 09 Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cho các em Thanh Thiếu niên và Nhi đồng toàn tỉnh, định hướng niềm đam mê khoa học cho các em. Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Hoa Lư đối với các công trình khoa học đã áp dụng có hiệu quả trong đời sống xã hội của tỉnh, nhằm vinh danh các cá nhân có công đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Tổ chức hội thảo, phản biện các đề án liên quan đến môi trường và xã hội, điển hình là “Đề án chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long” do Sở Du lịch chủ trì soạn thảo giúp cho Ủy ban nhân dân tỉnh có cái nhìn toàn diện về Đề án...
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai cho thấy, việc triển khai và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo có phần khó khăn hơn các đối tượng khác. Vì, người nghèo họ thường do dự và không mạnh dạn, không chủ động khi áp dụng mô hình mới. Mặt khác, nhận thức về khoa học kỹ thuật mới cũng chậm hơn. Do vậy, đội ngũ cán bộ trong hệ thống Liên hiệp Hội tỉnh đã sâu sát cơ sở hơn để hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho nông dân theo hướng “cầm tay, chỉ việc”. Thực hiện nguyên tắc “vết dầu loang”, khi thấy nhiều người làm đạt kết quả tốt, số người nghèo còn lại sẽ mạnh dạn làm theo. Liên hiệp Hội tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh để giúp người nghèo có thêm hiểu biết về khoa học kỹ thuật nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn, triển khai nhiều dự án hỗ trợ về máy móc nông nghiệp và trang thiết bị vệ sinh môi trường.
Với phương châm “dạy những nghề mà nông dân cần, nghề mà sản phẩm làm ra có thể tiêu thụ được”, Liên hiệp Hội tỉnh đã tập trung khảo sát nhu cầu học nghề, sau đó chủ động hoặc phối hợp với các doanh nghiệp mở các lớp dạy nghề. Thời gian qua, Liên hiệp Hội tỉnh đã trực tiếp và phối hợp mở những lớp dạy nghề cho hàng nghìn người. Liên hiệp Hội tỉnh ưu tiên dạy nghề cho nông dân nghèo, nông dân thực hiện thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đô thị hoá, nông dân là đồng bào công giáo và dân tộc thiểu số. Nhờ đó, toàn tỉnh có 52.242 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội.
Cho đến nay, có thể khẳng định, chất lượng giảm nghèo ở Ninh Bình đã có những bước đi đúng đắn, hiệu quả, bởi những năm qua Liên hiệp Hội tỉnh Ninh Bình đã tích cực, chủ động cùng các cấp, các ngành thực hiện giảm nghèo trên nền tảng những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được. Từ đó đã góp phần giúp Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh các giải pháp cho các hoạt động giảm nghèo, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo ở địa phương nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững và hiệu quả. Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo nhằm đảm bảo giảm nghèo bền vững Liên hiệp Hội tỉnh và các Hội thành viên trong hệ thống cần:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức với nhiều hình thức truyền thông sinh động tạo sự tham gia rộng rãi, biểu dương các gương điển hình vượt khó làm giàu, các mô hình tiêu biểu trong hoạt động giảm nghèo của địa phương đến trực tiếp người nghèo, hộ nghèo.
- Tiếp tục triển khai lồng ghép, huy động sức mạnh của các cấp, các ngành trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo từ các nguồn xã hội hóa, cộng đồng doanh nghiệp.
- Công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực, có cơ chế khuyến khích, động viên khen thưởng phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác giảm nghèo cấp cơ sở.
Xóa đói, giảm nghèo là chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước ta, được xem vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng; vừa là lý tưởng cao cả, nhân văn của Đảng, vừa là khát vọng của toàn dân. Trong các năm tới, Liên hiệp Hội tỉnh Ninh Bình sẽ chủ động tham gia tích cực hơn nữa các vấn đề: nông nghiệp, nông dân và nông thôn, coi đây là giải pháp then chốt để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên, sức lao động, bảo đảm an sinh xã hội, cũng là yếu tố bền gốc, yên dân, góp phần vào giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững tỉnh Ninh Bình./.
Đông Hà