Banner chính
Chủ Nhật, 08/09/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Khoa học và công nghệ là động lực cho sự phát triển xã hội

Thứ Ba, 23/04/2024

Thế giới chúng ta có sự phát triển như hiện nay là kết quả của sự biến đổi không ngừng, liên tục với một xu thế chung là càng ngày càng tiến bộ và phát triển. Những gì có được hôm nay thì mới ngày hôm qua có thể là câu chuyện hoang tưởng. Những gì hôm nay được xem như viễn tưởng thì ngày mai cũng có thể là thực tế trong cuộc sống.

Khoa học công nghệ (KHCN) là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thị trường, KHCN không chỉ là nền tảng, mà còn là kết quả, minh chứng của một đất nước phát triển và hiện đại. KHCN chính là động lực cho sự phát triển của xã hội.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hoạt động khoa học đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú ý. Nhiều nhà khoa học nước ngoài được mời về làm việc. Nhiều cán bộ trong nước được cử đi nước ngoài học tập kinh nghiệm và trình độ. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cách mạng khoa học kỹ thuật được coi là vị trí quan trọng. Sau năm 1975, khoa học công nghệ cũng chuyển biến nhiều mặt.

Đại hội Đảng VI (1986) coi khoa học kỹ thuật là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội Đảng VII (1991) khẳng định khoa học công nghệ là nền tảng của công nghiệp hóa hiện đại hóa. Đại hội Đảng VIII (1996) và Đại hội Đảng IX (2001) coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực công nghiệp hóa hiện đại hóa. Đại hội X (2006) nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế trí thức. Đại hội XI (2011) đề ra đường lối đổi mới đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và khoa học công nghệ giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Thực tiễn cho thấy, KHCN đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong suốt nhiều năm qua, nền khoa học nước nhà đã có những bước phát triển nhảy vọt, nhất là khoa học công nghệ ứng dụng vào đời sống và sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân lao động, xóa đói, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu...

Khoa học công nghệ với nhiều thành tựu đột phá

KHCN đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức, vấn đề cuộc sống đặt ra.

Trong công nghiệp, giao thông, xây dựng: Đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn, từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của Cách mạng công nghiệp 4.0. KHCN là vấn đề then chốt không thể thiếu trong tiến trình để Việt Nam nắm bắt và thụ hưởng những thành quả hữu ích từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong lĩnh vực y học: ghép tạng tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng. Chỉ có 6 tạng: thận, gan, tim, tụy, phổi và ruột. Hiện nay, Việt Nam đã ghép thành công cả 6 tạng gồm thận, gan, tim, ghép khối tụy - thận, phổi và tháng 10 năm 2020 đã thực hiện thành công ca ghép ruột đầu tiên.

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kết quả nghiên cứu KHCN góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; tạo ra một số sản phẩm KHCN có giá trị, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới; trong đấu tranh phòng, chống hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong lĩnh vực công nghệ cao: Bộ KHCN đã phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các vấn đề quan trọng như trí tuệ nhân tạo...

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp từ KHCN

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KHCN là yếu tố cốt yếu của thị trường KHCN. Đây là loại hình doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả KHCN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đó có thể là doanh nghiệp trực tiếp nghiên cứu KHCN và thương mại hóa các kết quả hoặc có chức năng chính là thương mại hóa các kết quả KHCN được tạo ra tại các viện, trường hoặc các tổ chức KHCN khác.

Hoặc là các doanh nghiệp non trẻ nhưng có tiềm năng phát triển lớn, các start up khởi nghiệp từ nhiều lĩnh vực thuộc KHCN. Trên thế giới có các công ty khởi nghiệp công nghệ lớn như Facebook, Google, Uber… gặt hái được rất nhiều thành công đáng ngưỡng mộ.

Con người là yếu tố then chốt để phát triển khoa học công nghệ. Do đó, cần có chính sách quan tâm, động viên và tăng nguồn lực để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trí thức. 

Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt, trao đổi cùng giới trí thức. Đến ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tôn vinh những người làm khoa học. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử và đặc biệt quan trọng không chỉ với giới khoa học và công nghệ Việt Nam mà còn đối với cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam, Liên hiệp các Hội KH&KT Ninh Bình và Liên hiệp các Hội KH&KT các địa phương khác.

Đội ngũ trí thức, khoa học và công nghệ Ninh Bình đã, đang và sẽ không ngừng hoàn thiện, phấn đấu vươn lên, có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu chung của nền khoa học và công nghệ nước nhà. Nhiều giải pháp sáng tạo được áp dụng vào cuộc sống và sản xuất mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn về kinh tế - xã hội: Giải pháp “nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống xuất bao xuống tàu sông” của Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình; giải pháp “Hệ thống máy sấy cây lúa non xuất khẩu” của tác giả Đặng Ngọc Toàn; giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật nhuộm hóa mô miễn dịch xác định 2 nhóm ung thư biểu mô tuyến vú có thụ thể nội tiết dương tính và âm tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình” của nhóm tác giả tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình; giải pháp “Chế tạo xe chuyên dụng nhằm giảm thời gian và nhân lực, tăng cao độ an toàn khi tháo trục truyền và kiểm tra khớp nối răng trục truyền giá cán đứng” của tác giả Nguyễn Đức Hạnh... Còn rất nhiều những ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật được tiến hành trong thực tiễn như dùng nguyên liệu mới từ bèo tây thay thế cói khi cói khan hiếm... Tại thành phố Tam Điệp Nông trường Đồng Giao nổi lên với các sản phẩm như nước quả cô đặc, quả đóng hộp, mà gần đây có thêm ngô ngọt, vải tươi là những mặt hàng được thị trường ưa chuộng và có tốc độ tiêu thụ nhanh nhất.

Khoa học công nghệ chính là nền tảng và động lực cho sự phát triển. Vì thế, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, giúp cho việc tìm hiểu thông tin khoa học được dễ dàng hơn (qua báo, đài, website...), kích thích sự quan tâm của giới trẻ Ninh Bình hướng tới sự nghiệp khoa học và công nghệ (Cuộc thi, Hội thi...) là đang đóng góp phần nhỏ bé sức mình vào sự phát triển của quê hương, đất nước./.

Bích Đào

Các tin khác