Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến của Liên hiệp Hội tỉnh Ninh Bình trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng; khó khăn, thách thức và kiến nghị

Thứ Sáu, 27/09/2019
Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng Sông Hồng, có đặc điểm địa lý bán sơn địa, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Diện tích đất hẹp chỉ khoảng 140 ngàn km2. Dân số nhỏ, khoảng 960 ngàn người; dân số nông thôn chiếm 79%. Hệ thống Liên hiệp Hội tỉnh Ninh Bình gồm có cơ quan Liên hiệp Hội, 19 hội thành viên và 2 trung tâm trực thuộc. Trong đó có 8 hội thành viên thuộc lĩnh vực y - dược, chiếm 38% so với tổng số hội thành viên.

Ban Chấp hành Liên hiệp Hội gồm 41 uỷ viên, trong đó có 9 Ủy viên (22%) là lãnh đạo Sở Y tế, các hội thành viên thuộc lĩnh vực Y - Dược. Hoạt động của Liên hiệp hội tỉnh được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở của Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn Liên hiệp Hội tỉnh với huyện uỷ, thành uỷ, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng của các sở, ban ngành cấp tỉnh; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chấp hành Liên hiệp Hội tỉnh; Điều lệ Liên hiệp Hội Việt Nam.

Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực: kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn; chất lượng khám chữa bệnh từng bước được cải thiện và nâng cao, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao; trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện vượt mức một số chỉ tiêu và tốt hơn so với trung bình của toàn quốc: Số bác sỹ trên vạn dân, đạt 11,7 cao hơn so với mức 8,6 của toàn quốc; dược sỹ đại học trên vạn dân, đạt 1,98; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020, đạt 88,3% cao hơn tỷ lệ 76% của toàn quốc; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, đạt 91% cao hơn so với tỷ lệ 90% của toàn quốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO, theo Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978): Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là tình trạng không có bệnh tật hoặc ốm yếu.

Khỏe mạnh là trạng thái của một người có đầy đủ các yếu tố sức khỏe sau:

- Sức khỏe thể lực (Physical health): đây là yếu tố cần thiết nhất của sức khỏe, liên quan đến những chức năng cơ học của cơ thể.

- Sức khỏe tâm thần (Mental health): khả năng suy nghĩ sáng sủa, rõ ràng, mạch lạc và kiên định.

- Sức khỏe cảm xúc (Emothional health): khả năng cảm nghĩ, xúc động và sợ hãi, thích thú, vui buồn, tức giận và khả năng thể hiện các cảm nhận đó một cách thích hợp; đồng thời cũng là khả năng đương đầu với các stress, sự căng thẳng, nỗi thất vọng và lo lắng.

- Sức khỏe xã hội (Social health): khả năng tạo lập và duy trì mối quan hệ lành mạnh với những người khác trong xã hội.

- Sức khỏe tâm linh (Spiritual health): ở một số người yếu tố này liên quan đến niềm tin, tín ngưỡng; một số người khác liên quan đến niềm tin của cá nhân, các nguyên tắc liên quan đến hành vi thực hành để đạt được sự thoải mái về tâm linh.

- Sức khỏe môi trường xã hội (Societal health): môi trường không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về thể lực và tâm hồn, con người không thể được coi là khỏe mạnh.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu là những chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bằng các phương pháp và kỹ thuật thực hành có cơ sở khoa học, có thể tới được mọi người, mọi gia đình trong cộng đồng, được họ chấp nhận và tích cực tham gia, với mức chi phí mà nhân dân và Nhà nước có thể cung ứng được, phát huy được tính tự lực, tự quyết của mọi người dân.

Những chăm sóc thiết yếu chính là những chăm sóc cơ bản cho sức khỏe, có thể tới được mọi người dân, nơi họ đang sinh sống, phù hợp với nền kinh tế của người dân, của đất nước và được người dân chấp nhận, tích cực tham gia.

Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu không hoàn toàn giống nhau ở các nước. Trong cùng một nước, cùng một thời điểm chăm sóc sức khỏe ban đầu nhưng lại khác nhau ở các vùng, miền.

Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cần được thay đổi theo thời gian, thay đổi theo hoàn cảnh để phù hợp với tình hình sức khỏe, kinh tế, xã hội của nhân dân, địa phương và Nhà nước.

Bốn nguyên tắc cơ bản của chăm sóc sức khỏe ban đầu:

- Tiếp cận rộng rãi và phổ cập các nhu cầu cơ bản: Đây là nguyên tắc nền tảng của chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mọi người dân trên thế giới được tiếp cận với những chăm sóc y tế hiện có để đảm bảo có sức khỏe đầy đủ.

- Sự tham gia và tự lực của cá nhân và cộng đồng: Yếu tố chìa khóa để đạt được sự tham gia và tự lực của cá nhân và cộng đồng là giáo dục, xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi người với sức khỏe của chính mình và của mọi người.

- Phối hợp liên ngành trong chăm sóc sức khỏe ban đầu: Ngành Y tế đóng vai trò chính, phải phối hợp với các ngành khác như giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp, thể thao, du lịch..., phối hợp với các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, với chính quyền địa phương, đặc biệt là sự cam kết của hệ thống chính trị để đạt được hiệu quả cao trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

- Kỹ thuật thích ứng, hiệu quả chi phí trong khuôn khổ nguồn lực có sẵn: Dựa vào thực trạng tại địa phương để đưa ra những kỹ thuật chăm sóc cho phù hợp, hiệu quả và huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng. Những kỹ thuật thích ứng, sử dụng nguồn kinh phí, nhân lực y tế có hiệu quả từ trung ương đến địa phương sao cho đa số người dân được hưởng.

Kết quả hoạt động Chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua, cụ thể như sau:

1. Công tác khám chữa bệnh (năm 2018)

- Tổng số giường bệnh của các cơ sở y tế trong toàn tỉnh là 3.380 giường.

- Tổng số lượt khám bệnh là 1.124.479 tăng 13,9% so với năm 2017.

2. Thực hiện tốt công tác phòng, chống các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và một số Dự án thuộc Chương trình mục tiêu y tế.

3. Kết quả hoạt động Chăm sóc sức khỏe cộng đồng của các Hội thành viên thuộc lĩnh vực y tế trong 6 tháng đầu năm 2019:

3.1. Hội Kế hoạch hoá gia đình.

Ban Chấp hành Hội Kế hoạch hóa gia đình họp thông qua kế hoạch kết hợp với các Trung tâm Dân số các huyện thị triển khai công tác tuyên truyền, khám phụ khoa và cung cấp các biện pháp tránh thai tại cộng đồng.

Thường trực tỉnh Hội đã bám sát kế hoạch năm 2019 để triển khai tới các huyện hội với mục tiêu không ngừng nâng cao hiệu quả các hoạt động, vận động cán bộ Hội viên tích cực tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, tiếp thị các phương tiên tránh thai phi lâm sàng góp phần cùng ngành dân số hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2019.

3.2. Hội Đông Y

Tính đến nay toàn tỉnh có tổng số gần 514 Hội viên bao gồm cả chính thức và danh dự. Hoạt động ở 100 Chi hội khắp các huyện, thành phố. Công tác kết hợp giữa Sở Y tế Ninh Bình và Hội Đông y tỉnh chặt chẽ, hiệu quả. Việc quản lý hành nghề y tế tư nhân và Đông dược có hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Tính đến nay đã có 108 trạm y tế được khám chữa bệnh bằng thuốc Y học cổ truyền và phương pháp không dùng thuốc như: xoa bóp, châm cứu.

Các phòng chẩn trị Y học cổ truyền tư nhân được cấp phép đã thực hiện đúng quy định không để xảy ra sai xót.

Công tác trồng cấy cây thuốc Nam không ngừng phát triển với phong trào xây dựng xã chuẩn quốc gia giai đoạn mới. Một số huyện hội đã kết hợp với Liên minh Hợp tác xã trồng cây dược liệu như Kim Sơn, Yên Khánh, Tam Điệp, Nho Quan.

3.3. Hội Nội Khoa

Sáu tháng đầu năm 2019, Hội đã tổ chức các buổi hội thảo về chuyên đề tăng huyết áp, viêm gan vi rút B, C và bệnh tiểu đểm ở người cao tuổi.

Hội luôn chú trọng đến công tác đào tạo, coi đào tạo là chìa khóa để phát triển kỹ thuật của bệnh viện nên Hội đã phối hợp với các bệnh viện mở rộng các loại hình đào tạo như: đào tào tuyến trên, đào tạo tại chỗ, đào tạo dài hạn, đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc chuyển giao gói kỹ thuật;

Chuyển giao quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn theo đề án 1816 cho Trung tâm Y tế huyện Yên Mô và Gia Viễn. Thông qua các Bệnh viện tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ bệnh viện và cán bộ tuyến dưới về các bệnh truyền nhiễm.

3.4. Hội Châm cứu

Công tác đào tạo được Ban chấp hành Hội rất quan tâm và triển khai thực hiện đạt kết quả cao, qua các lớp tập huấn chuyên môn ngắn và dài hạn các hội viên được trao đổi về chuyên môn cùng các thầy và bạn đồng nghiệp qua đó củng cố những kiến thức cơ bản về lý luận và không ngừng cập nhật những tiến bộ, những kết quả của các nghiên cứu mới từ đó mạnh dạn ứng dụng vào thực hành châm cứu, góp phần thực hiện công tác kế thừa và phát triển phương pháp châm cứu trong chữa bệnh trong tỉnh nhà.

Số lần khám chữa bệnh là 16.351, số bệnh nhân chữa bệnh bằng Châm cứu là 14.631 người

3.5. Hội Điều dưỡng

Tổng số hội viên hiện nay trên 1.200 người. Số chi hội trực thuộc: 17 Chi hội Điều dưỡng. Hội đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức đào tạo các lớp: Chăm sóc người bệnh toàn diện, Tiêm an toàn, Quản lý chất thải y tế.

Tại các Chi hội Điều dưỡng đã tổ chức và phối hợp tổ chức được các lớp tập huấn: Kỹ năng giao tiếp hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Kỹ thuật điều dưỡng cơ bản. Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Quản lý chất thải y tế. Cấp cứu sản khoa. Cấp cứu sơ sinh ...

Hội tiếp tục triển khai kịp thời các văn bản ban hành của hội cấp trên và ngành Y tế tới các Chi hội Điều dưỡng. Tổ chức tập huấn về an toàn sử dụng thuốc và kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Phối hợp hỗ trợ Câu lạc bộ Khát vọng tình thương trong triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Phát triển tổ chức Hội và hội viên: tại 02 bệnh viện mới thành lập (Bệnh viện Công an tỉnh; Bệnh viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng Tam Điệp).

3.6. Hội Y học

Hội đã tuyên truyền thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 của Bộ Y tế về việc thực hiện đổi mới, phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Hội Y học tỉnh tham gia đóng góp ý kiến với Sở Y tế về việc xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2015-2020. Đồng thời tham gia góp ý vào các văn bản chế độ, chính sách của Bộ Y tế, Tỉnh uỷ, Hồi đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh có liên quan đến phát triển sự nghiệp y tế của đất nước, của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

3.7. Hội Phục hồi chức năng

Hoạt động tổ chức và phát triển hội viên được chú trọng cả về chất lượng và số lượng. Các hoạt động chuyên môn vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Lâp hồ sơ quản lý người khuyết tật tại thành phố Tam Điệp và Ninh Bình, tại 3 xã của huyện Hoa Lư. Hiện nay, Tỉnh hội Ninh Bình đã có đội ngũ cán bộ chuyên môn về phục hồi chức năng gồm 15 bác sỹ, 35 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng, hàng trăm cộng tác viên được đào tạo, tập huấn kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng đang hoạt động ở cộng đồng.

3.8. Hội Dược học

Các hội viên của Hội dược tham gia vào việc quản lý, nâng cao chất lượng thuốc, tham gia kiểm tra kiểm soát phòng chống thuốc giả lưu hành trên thị trường.

Một số chi hội hoạt động tương đối đều là Chi hội dược thành phố Tam Điệp, Chi hội Dược huyện Kim Sơn và Chi hội Dược huyện Yên Khánh.

4. Một số sáng kiến, mô hình Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Để góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong nhiều năm qua đã và đang triển khai một số mô hình Chăm sóc sức khỏe công đồng, cụ thể:

- Các Câu lạc bộ “Tự lực” của những người nhiễm HIV/AIDS: nhiều địa phương, những người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ đã thành lập CLB được đặt các tên khác nhau: “Khát vọng tình thương”, “Vì ngày mai tươi sáng”, “Bông Hồng đỏ”, “Hoa Ngọc lan”…, mô hình này được thành lập, duy trì và hoạt động tương đối có hiệu quả, nguồn kinh phí chủ yếu là các hội viên đóng góp, họ đồng cảm và tự nguyện chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau chăm sóc sức khoẻ, kể cả khi bệnh nặng và tử vong. Điều quan trọng là các Câu lạc bộ này hầu hết hoạt động công khai và không còn hiện tượng kỳ thị, phân biệt đối sử; họ hoàn toàn tự tin, tự giác và tự lực trong sinh hoạt và cuộc sống.

- Củng cố mạng lưới cộng tác viên tham gia chương trình can thiệp giảm tác hại trong phòng chống HIV/AIDS, toàn tỉnh đã thiết lập được mạng lưới đồng đẳng viên ở các huyện, thành phố với 32 nhân viên tiếp cận cộng đồng và 4 nhóm tự lực (CBOs) của dự án thành phần VUSTA thuộc Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS. Các nhóm tự lực này hoạt động rất hiệu quả, đã tiếp cận trực tiếp được gần 1.200 người nghiện chích ma tuý để tư vấn và cung cấp BCS, BKT, nước cất giúp họ phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; ngoài ra các nhóm tự lực đang cố gắng tiếp cận với nhóm quan hệ đồng giới nam để tư vấn, phân phát bao cao su, chất bội trơn.

- Duy trì mô hình phòng, chống bệnh động kinh tại cộng đồng. Mô hình này được xây dựng và duy trì ở các xã thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình từ năm 2013.

- Hầu hết các Trạm Y tế xã, phường trong toàn tỉnh (145 TYT) đã quản lý tốt các bệnh xã hội, các bệnh không lây nhiễm (cao huyết áp, tiểu đường, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư …), kể cả bệnh nhân HIV/AIDS, người nghiện chích… và được cấp phát thuốc tại cơ sở. Đây là một giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên.

- Ninh Bình là một trong những tỉnh tiên phong hỗ trợ kinh phí mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho người nhiễm HIV/AIDS, để họ đảm bảo được thuốc ARV và Chăm sóc sức khỏe khi Tổ chức Y tế thế giới cắt giảm viện trợ về Dự án phòng chống HIV/AIDS.

- Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí: hằng năm, Câu lạc bộ Thày thuốc trẻ, các tổ chức xã hội từ trung ương và địa phương tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, các xã nghèo.

- Các chương trình y tế, các hoạt động y tế quan trọng khi tổ chức, triển khai tại cộng đồng hầu hết đều được phối hợp liên ngành để thực hiện, do vậy kết quả mang lại rất cao và kịp thời.

5. Bài học kinh nghiệm

5.1. Công tác tham mưu

Ngành Y tế là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành làm tốt công tác tham mưu và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về Chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

5.2. Công tác phối hợp, lồng ghép

- Công tác Chăm sóc sức khỏe cộng đồng không thể riêng ngành Y tế đảm nhiệm được mà đòi hỏi phải có sự cam kết của hệ thống chính trị, sự vào cuộc phối hợp liên ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của mọi người dân.

- Hệ thống Liên hiệp Hội tỉnh, đặc biệt là sự lãnh đạo, điều hành của Ban Chấp hành Liên hiệp Hội và các hội thành viên thuộc lĩnh vực y – dược góp phần vào các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có hoạt động Chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Liên hiệp Hội tỉnh luôn tăng cường công tác phổ biến kiến thức về Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình Chăm sóc sức khỏe cộng đồng có hiệu quả; triển khai tốt các Giải thưởng Khoa học công nghệ về lĩnh vực y tế.

5.3. Làm tốt công tác tri ân, suy tôn, ghi danh các tập thể và cá nhân có thành tích trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

6. Khó khăn, thách thức và kiến nghị

6.1. Khó khăn, thách thức

- Cơ quan Liên hiệp Hội tỉnh có một số khó khăn: số lượng cán bộ còn mỏng, trình độ năng lực vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp.

- Các hội thành viên, trong đó có các hội thuộc lĩnh vực y - dược còn gặp nhiều khó khăn về trụ sở làm việc, thiếu nhân lực, thiếu phương tiện, thiếu kinh phí hoạt động. Sự phối hợp hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội và cơ quan chuyên môn vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hoạt động còn mang tính hình thức và thụ động.

- Phía trước còn có nhiều thách thức trong tập hợp, quy tụ và phát huy tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. Thách thức ngày càng lớn hơn trong thời khắc thế giới và trong nước đang tiếp cận và hấp thụ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

6.2. Kiến nghị

- Trong điều kiện khó khăn chung của địa phương, Liên hiệp Hội tỉnh tiếp tục tự đứng vững bởi những kinh nghiệm và giải pháp hiệu quả đã được khẳng định để không ngừng hoàn thành tốt sứ mạng của mình trong thực thi nhiệm vụ được giao, trong đó có công tác Chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

- Liên hiệp Hội tỉnh Ninh Bình mong, sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ của Liên hiệp Hội Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội địa phương và công tác Chăm sóc sức khỏe cộng đồng./.

PGS.TS Đỗ Văn Dung

Các tin khác