Banner chính
Thứ Sáu, 25/10/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Kinh nghiệm sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, hiệp hội tại tỉnh Ninh Bình trong tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 12/05/2023

Thực hiện Công văn số 5424-CV/BTGTW, ngày 18/5/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc mời viết tham luận Hội thảo khoa học; Công văn số 308/LHHVN-TVPB, ngày 18/5/2023 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về việc Báo cáo tham luận công tác thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2013 - 2023, theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 24-NQ/TW), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Ninh Bình (Liên hiệp Hội Ninh Bình) báo cáo tham luận như sau:

I. Công tác học tập, quán triệt, xây dựng và ban hành chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết  số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

1. Việc học tập, nghiên cứu và triển khai thực hiện Nghị quyết

Thực hiện Hướng dẫn số 81-HD/BTGTW, ngày 15/5/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; ngày 16/7/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 76-KH/TU về học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết. Ngày 02/08/2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được truyền hình trực tiếp qua sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình.

Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc (trong đó có Đảng đoàn Liên hiệp Hội Ninh Bình) đã tham mưu giúp cấp ủy chuẩn bị tài liệu, xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt cấp huyện nghiên cứu, học tập nội dung Nghị quyết qua sóng truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức. Các tổ chức cơ sở đảng (trong đó có Chi bộ Liên hiệp Hội Ninh Bình) đã kịp thời tổ chức học tập, quán triệt, triển khai cho cán bộ, đảng viên cơ sở. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt trên 95%.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết tới các đoàn viên, hội viên, người lao động với nhiều hình thức như: thông qua các đợt sinh hoạt định kỳ, lồng ghép với việc triển khai nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

- Thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan liên quan ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn, định hướng công tác quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 56-KL/TW. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên và Nhân dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Qua học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết phải chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, của MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp, hiệp hội tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác ứng phó với biếu đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong tình hình hiện nay.

2. Việc thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp

- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 24 NQ/TW; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 13/5/2016 về “tăng cường sự lãnh đạo về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”; Kế hoạch số 44-KH/TU, ngày 16/11/2021 về thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các văn bản được ban hành kịp thời đã cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực.

- HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, như:

+ HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐND, ngày 17/12/2014 về việc thông qua Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2025, định hướng đến năm 2035; Nghị quyết số 33/NQ-HĐND, ngày 17/12/2014 về việc phê duyệt Đế án số 20/ĐA-UBND ngày 25/11/2014 của UBND tỉnh Ninh Bình về quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết sông Hoàng Long đến năm 2025.

+ UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND, ngày 16/4/2013 thực hiện Chương trình hành động số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08/NQ-CP, ngày 23/01/2014 của Chính phủ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kế hoạch số 46/KH-UBND, ngày 09/7/2013 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Kế hoạch số 47/KH-UBND, ngày 10/7/2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; Kế hoạch số 81/KH-UBND, ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2020.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn, định hướng công tác  tuyên truyền Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh.

- Các huyện, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, UBMTTQVN tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các thành viên của UBMTTQVN tỉnh đã kịp thời xây dựng chương trình hành động hoặc nghị quyết, kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 24.

3. Công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2013-2023

Các cấp ủy Đảng, UBMTTQVN tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của UBMTTQVN tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động và giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, đã huy động được các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức hội cùng tham gia thực hiện với nhiều hình thức và nội dung phong phú: Tuyên truyền trên báo chí, cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh, của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương, trên hệ thống đài truyền thanh các cấp; Hội nghị chuyên đề báo cáo viên các cấp, Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các hội nghị lồng ghép, lớp bồi dưỡng của các cấp, các ngành, đoàn thể.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên định hướng tuyên truyền việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các hội nghị: Hội nghị giao ban công tác báo chí, tuyên truyền hằng tháng, giao ban công tác khoa giáo hàng quý, giao ban công tác dư luận xã hội. Đưa nội dung tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh, hội nghị chuyên đề báo cáo viên cấp tỉnh, Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đặc biệt năm 2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Luật Bảo vệ môi trường năm 2019 và những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường hiện nay tại lớp bồi dưỡng công tác khoa giáo cho 180 người dự.

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, căn cứ tình hình thực tiễn, ban tuyên giáo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thông tin tuyên truyền ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức phong phú, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

- Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Đài truyền thanh các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết, các chính sách, pháp luật về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, các tổ chức hội, mọi người nhân dân và toàn xã hội. Thường xuyên duy trì các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, diễn đàn cuối tuần, thực hiện nhiều phóng sự, bài phỏng vấn, giới thiệu tập thể, cá nhân điển hình trong việc bảo vệ môi trường; đồng thời phản ánh, phê phán kịp thời cơ quan, tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

- UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên UBMTTQVN từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ.v.v., tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục kiến thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho thành viên, đoàn viên, hội viên, người lao động. Ký kết các Chương trình hành động bảo vệ môi trường với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tại đơn vị, địa phương, xác định việc bảo vệ môi trường tiêu chí bình xét, đánh giá kết quả đối với khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình văn hóa hằng năm.

- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tổ chức thành viên xây dựng chương trình thực hiện bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương như: Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng mô hình xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư… Thực hiện tốt vai trò, chức năng giám sát, phát huy quyền làm chủ của người dân tham gia vào hoạt động giám sát việc thực hiện chức năng quản lý của các cơ quan chức năng trong quản lý tài nguyên, đặc biệt công tác đảm bảo môi trường đối với các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hằng năm đưa nội dung đảm bảo vệ sinh môi trường vào kế hoạch công tác và triển khai đến các cấp hội. Phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn “phụ nữ các tôn giáo vùng đồng bằng sông Hồng chung tay bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới”. Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp). Biên soạn, in ấn, tiếp nhận, cấp phát bộ tài liệu tuyên truyền. Thành lập, củng cố và duy trì 113 câu lạc bộ trong lĩnh vực môi trường như Câu lạc bộ “Sử dụng năng lượng tiết kiệm”; Phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình.v.v. với 5.549 thành viên, thường xuyên sinh hoạt định kỳ theo quý hoặc lồng ghép với đợt sinh hoạt hội viên. Xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình bảo vệ môi trường, điển hình như mô hình “7 ngày xanh - sạch - đẹp”; mô hình “đoạn sông Phụ nữ tự quản”…

- Hội Nông dân các cấp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và cộng đồng dân cư về ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ, sống thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhân rộng mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời lên án hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động hưởng ứng, hoạt động thu gom rác thải, phát quang đường, ngõ, khơi thông cống rãnh, tu sửa, vệ sinh giếng nước, trồng và chăm sóc cây xanh ven đường, khu công cộng…; xây dựng, nhân rộng mô hình “ứng dụng quy trình kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi”, mô hình này đã giải quyết cơ bản hiện tượng ô nhiễm môi trường của hàng trục cơ sở trăn nuôi lợn qui mô nhỏ và vừa của các hộ gia đình mà trước kia chủ yếu xử lý phân bằng công nghệ bể BIOGA. Tuyên truyền trên bản tin Nông dân Ninh Bình và Website Hội Nông dân, tuyên truyền hệ thống đài truyền thanh cơ sở; treo băng zôn, khẩu hiệu… Một trong những công việc thành công của Hội Nông dân cấp cơ sở đó là cuộc vận động người dân không đốt rơm, rạ trên các cánh đồng trồng lúa sau thu hoạch, hiện tại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không còn xuất hiện cảnh tượng khói bụi mù mịt gâu ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, tiềm ẩn tai nạn giao thông và gây nên hiệu ứng nhà kính nữa; Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai đề tài cấp tỉnh “Xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt CNC330 tại xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình”, đề tài triển khai trong 21 tháng, công suất 330 kg rác/giờ, hiện tại lò đốt vẫn đang hoạt động hiệu quả, xử lý cơ bản số lượng rác thải xã Gia Hưng và một số thôn của các xã lân cận.

- Hội Cựu chiến binh tỉnh tích cực phát động hội viên hưởng ứng Cuộc thi “quê hương xanh” do Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Hội Cựu chiến binh cấp cơ sở luôn là tổ chức gương mẫu, đi đầu, thực hiện tốt các phong trào quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường tự nhiên tại cộng đồng. Hội Cựu chiến binh luôn được bố trí là thành viên trong các ban chỉ đạo, các câu lạc bộ, là thành viên của UBMTTQVN cấp cở, tham gia hầu hết mọi phong trào của cộng đồng dân cư, tham gia tích cực vào các phong trào “Toàn dân đoàn kết”.

- Hội Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để tuyên truyền phổ biến “Luật Đất đai năm 2013”; “Luật Môi trường năm 2019”; hướng dẫn lấy ý kiến nhân dân vào “Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”; phối hợp với đơn vị truyền thông xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền phổ biến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thông qua các sự kiện: Ngày môi trường thế giới, Ngày khí tượng thế giới; Ngày đất ngập nước thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày đa dạng sinh học thế giới; Tuần lễ biển và hải đảo; ngày đại dương thế giới... Hằng năm tổ chức chiến dịch Giờ trái đất với chủ đề “tiết kiệm năng lượng ứng phó với Biến đổi khí hậu” cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

- Các cấp bộ Đoàn thanh niên: tích cực tuyên truyền cho đông đảo đội ngũ thanh, thiếu niên và nhi đồng trong toàn tỉnh bằng nhiều hình thức, phương tiện, trực tiếp, gián tiếp với nhiều nội dung phong phú về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Việc tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường học được chú trọng thông qua việc triển khai Đề án “đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phát động và triển khai thực hiện phong trào xây dựng “trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn - hạnh phúc”; đồng thời đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, tài nguyên vào Tài liệu giáo dục địa phương, chỉ đạo các trường học hằng tuần trong chương trình giảng dạy và học tập đều có nội dung giáo dục học sinh với từng chủ đề: tiết kiệm điện, nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, phong trào trồng cây xanh; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và các em học sinh trên địa bàn tỉnh.

Liên đoàn lao động các cấp: Liên đoàn lao động các cấp là một tổ chức quản lý đông đảo đoàn viên công đoàn, quản lý đoàn viên công đoàn trong các cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp, trong cộng đồng dân cư. Tổ chức công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội khác, các hội nghề nghiệp, các hiệp hội có chung đối tượng tác động, đó là đông đảo các tầng lớp nhân dân, do vậy đã làm tốt công tác lồng ghép về tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt phong trào quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hầu hết các góc độ của cuộc sống xã hội.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, là một ngôi nhà chung, tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức, đã luôn tích cực tham mưu và thực hiện nhiều nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao có liên quan tới công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cụ thể thông qua các hoạt động khoa học công nghệ, ấn phẩm, các giải thưởng, các hội thảo, tập huấn đã trực tiếp, gián tiếp tham gia nhiều phong trào liên quan có hiệu quả đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường hiệu quả thiết thực.

Các tổ chức hội khác, như Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch, Liên minh hợp tác xã …, các tổ chức hội này cũng có rất nhiều hoạt động hiệu quả liên quan tới công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của tỉnh.

II. Nhiệm vụ, giải pháp về công tác thông tin, tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong thời gian tới

1. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Chương trình hành động số 08-CTr/TU,ngày 20/3/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.

2. Tiếp tục đổi mới, đa dạng công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức và thường xuyên (nhất là ứng dụng công nghệ thông tin), tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý thức, trách nhiệm trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

3. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức hội trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân chấp hành các quy định về sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường giám sát việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ký kết các phong trào về bảo vệ môi trường.

4. Chủ động nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời định hướng tư tưởng hội viên, nhân dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tham mưu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức hội có biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xả thải gây ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản, khu vực làng nghề, khu đô thị, không làm ảnh hưởng sức khỏe, đời sống nhân dân, đảm bảo phát triển kinh tế hài hòa, bền vững./.

PGS.TS Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp Hội

Các tin khác