Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Kỹ năng con người cần có cho Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Tư, 31/10/2018
Trong những ngày qua, khái niệm “Cách mạng Công nghiệp 4.0” được nhắc đến nhiều trên truyền thông và mạng xã hội. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc “đổi đời” của các doanh nghiệp tại Việt Nam nếu đón được làn sóng này. Nhân Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) tại Hà Nội, xin giới thiệu các kỹ năng con người cần có để đón đường cuộc cách mạng quan trọng này:

1.  Giải quyết vấn đề phức tạp

Đây là kỹ năng đầu bảng con người cần có từ sau năm 2020. Có thể hiểu là khả năng giải quyết các vấn đề chưa hề xuất hiện trước đây với tốc độ thay đổi chóng mặt và ngày càng phức tạp hơn. Ví dụ, ở tầm vĩ mô, các quốc gia cần phải đối mặt với những mâu thuẫn liên tục tiến hóa như biến đổi khí hậu, nghèo đói hoặc khủng bố. Mỗi cá nhân phải tìm cách để giải quyết công việc theo cách riêng, “đi đâu, làm gì” để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

2. Kỹ năng tư duy phản biện

Tư duy phản biện hay là tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác nhau cho vấn đề đã đặt ra nhằm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm. Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Đây là  là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác nhằm  xác định lại tính chính xác của thông tin.

Kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp con người tiếp cận và sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại như siêu máy tính của IBM Watson hay trí thông minh nhân tạo ROSS cũng như nhiều loại hình công nghệ mới mẻ khác.

3. Kỹ năng sáng tạo

Chuyên gia cao cấp của WEF Alex Grey cho biết, sáng tạo là một tronh những kỹ năng con người cần có cho cuộc Cách mạng 4.0 trong tương lai gần. Robot có thể giúp con người được nhiều thứ nhưng nó không thể sáng tạo được như con người. Nên nhớ, sự sáng tạo không phải là độc quyền như trong âm nhạc hay nghệ thuật, nó có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đang ngủ, đang tập thể dục  hay đang đi lang thang trên đường.... Sáng tạo cũng có thể là ý tưởng mà người trong cuộc ghép nối tất cả những ý tưởng khác với nhau, tạo ra một cái “mới” hơn, hữu ích hơn...

4. Quản lý con người

Quản lý con người được xem là một nghệ thuật cho dù ở cương vị nào, chẳng hạn tổ trưởng, hay giám đốc. Hiểu con người luôn là đề tài muôn thuở mà bất kì ai cũng cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên khi đã “hiểu người hiểu ta” thì mọi cái sẽ dễ dàng hơn. Bởi vậy, nhờ sự khéo léo, chân thành mà quản trị nhân sự sẽ được đền đáp một cách xứng đáng. Con người hiểu nhau hơn, đoàn kết sẽ tạo ra một tổ chức mạnh, phát huy tính sáng tạo, làm cho doanh nghiệp lẫn các cá nhân ít “mắc bệnh” thể chất lẫn tinh thần. Một người quản lý tuyệt vời có rất nhiều việc phải làm bằng trí thông minh cảm xúc, biết cách tin tưởng và làm cho công ty của mình ngày thêm vững mạnh.

5. Kỹ năng phối hợp với những người khác

Kỹ năng này đứng vị trí thứ 5, hợp tác tốt với những người khác rất quan trọng trong bất kỳ môi trường làm việc nào, tăng sức mạnh tập thể, phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của nhiều tính cách khác nhau. Giúp thích ứng linh hoạt với những hoàn cảnh bất lợi, thu hút nhiều người giỏi, thạo việc mà robot hay người máy không thể làm được.

6. Trí tuệ xúc cảm

Trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence hay EI) thường dùng để nói về chỉ số cảm xúc hay EQ của từng người. Chỉ số này mô tả khả năng, năng lực điều tiết cảm xúc của chính mỗi người, của người khác, của các nhóm cảm xúc. EI là nhánh nghiên cứu tương đối mới của ngành tâm lý học, bởi vậy việc định nghĩa về trí tuệ xúc cũng liên tục tiến hóa. Nói đến EI là nói đến tổng thể các kỹ năng xã hội, nhất là khả năng thuyết phục, chinh phục người khác, nó rất cần cho các ngành công nghiệp trong tương lai.

Theo tạp chí Forrbes của Mỹ, theo nghĩa đen EI ảnh hưởng đến cách mà con người quản lý hành vi, điều hướng các vấn đề hức tạp xã hội và đưa ra quyết định cá nhân đạt để được kết quả cao nhất, rất cần cho các nhà quản lý và các nhà lãnh đạo cũng như cho mỗi người trong Cuộc cách mạng 4.0.

7. Phán quyết và ra quyết định

Khả năng phán quyết và ra quyết định là một trong những tiêu chí rất cần cho con người. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xem xét khối lượng dữ liệu để tìm thông tin  hữu ích và sử dụng dữ liệu lớn để tạo ra chiến lược và quyết định trong kinh doanh. Trước tiên, đưa ra vấn đề mà bản thân quan tâm, sau đó khám phá công cụ dữ liệu và công nghệ dữ liệu mới để thu thập thông tin. Khi đã có hai thứ này, có thể biến Excel thành người bạn thân cận để thao tác và khai thác dữ liệu đó phục vụ cho mục tiêu phán quyết và ra quyết định.

8. Định hướng dịch vụ

Định hướng dịch vụ của tổ chức được định nghĩa gồm tập hợp các giá trị và hoạt động do tổ chức thiết kế và thực hiện nhằm tạo ra và chuyển giao dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Đây là một loại năng lực chiến lược mà tổ chức đó dựa vào để xúc tiến và triển khai quá trình đồng tạo sinh giá trị cho khách hàng, hay cho đối tác, đồng thời dự đoán nhu cầu của khách hàng. Theo WEF, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin đang ngày càng phải đối mặt với những lo ngại của người tiêu dùng có liên quan đến các vấn đề như phát thải khí carbon, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn lao động và sự bí mật riêng tư. Bằng cách hiểu tâm tư nguyện vọng của khách hàng, doanh nghiệp sẽ phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới thích ứng tốt hơn với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

9. Kỹ năng đàm phán

Đàm phán là một kỹ năng  cơ bản để đạt được mục tiêu mong muốn từ người khác. Đó là quá trình giao tiếp có đi có lại được thiết kế nhằm thỏa thuận giữa các bên có cùng quyền lợi hoặc quyền lợi đối kháng. Trong bối cảnh  robot gia tăng vào lực lượng lao động và tự động hóa ngày càng phổ biến, thì kỹ năng lại quan trọng hơn bao giờ hết. Ngay cả những người trong ngành kỹ thuật thuần túy thì kỹ năng giao tiếp và thương lượng với đồng nghiệp, người quản lý, khách hàng và nhóm đối tác cùng nghề cũng rất quan trọng, giúp mọi người sớm đạt mục tiêu với chi phí thấp, tiến độ nhanh và học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích.

10. Nhận thức linh hoạt

Nhận thức linh hoạt là sự ứng biến nhanh chóng, điều chỉnh kịp thời về mặt tinh thần và thể chất để thích nghi với mọi hoàn cảnh, cho dù khó khăn hay đến đâu. Thể hiện khả năng quan sát, tìm hiểu, phân tích và đánh giá chính xác các tình huống xảy ra, từ đó đưa ra các giải pháp xử lý đúng đắn và không bị ảnh hưởng về mặt tâm lý. Linh hoạt sẽ giúp chúng ta phản ứng nhanh trong việc nắm bắt những cơ hội có lợi hoặc giải quyết các vấn đề khó khăn. Vì vậy kỹ năng này được ví là môn thể thao tinh thần, một cách để rèn luyện tính quyết đoán. Thiếu đi sự linh hoạt, cảm xúc hoặc áp lực tâm lý tiêu cực làm cho con người ta trở nên khập khiễng, ảnh hưởng đến tính cách và các mối quan hệ xã hội, dễ dẫn đến hỏng việc.

Đức Thiện (st)

Các tin khác