Khoai tây còn có tiềm năng lớn trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp. Trồng khoai tây vụ đông là tận dụng tối đa đất ruộng bỏ hoang sau khi thu hoạch lúa mùa; Việc đưa Khoai tây vào trồng là việc làm cần thiết, nhằm phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo. là cây trồng không quá khắt khe với thời vụ, giá bán lại gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác. Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu cây có củ - Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm chọn tạo và đưa vào sản xuất đại trà Giống khoai tây KT2. Là Giống có thời gian sinh trưởng từ 85-87 ngày, sinh trưởng khỏe, năng suất trung bình 22-25 tấn củ/ha, thâm canh cao đạt trên 30 tấn/ha. Củ thương phẩm màu vàng, ăn đậm đà, thịt củ chắc, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chúng tôi giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc để bạn đọc tham khảo:
1. Thời vụ trồng: Vụ đông: Từ 15/10/2012 - 10/11/2012
2. Đất trồng, làm đất.
- Tháo cạn nước ruộng, cắt sát gốc rạ, bón vôi bột lượng 15 - 20 kg/sào. Khi độ ẩm đất 70 - 75% (Nắm đất thấy dính tay, nước không chảy ra kẽ ngón tay) thì tiến hành trồng.
- Cày luống rộng 120 - 130 cm, rãnh rộng 30 cm, sâu 20 - 25 cm.
3. Chuẩn bị khoai giống:
- Lượng giống: Khoảng 1.100 - 1.200 củ giống (35 - 40 kg/sào; 1,0 - 1,1 tấn giống/ha)
- Ủ mầm: Vặt mầm chính, rải khoai dày 5 - 10 cm, phủ rơm hoặc bao tải đay ẩm khoảng 3 - 4 ngày, khi mầm phụ mọc dài 0,5 - 1 cm thì đem trồng. Nếu củ giống to thì bổ củ làm 2 phần.
* Cách bổ củ khoai giống:
Bước 1: Hơ dao qua lửa;
Bước 2: Bổ dọc củ khoai sao cho mỗi phần củ có từ 2 - 3 mắt;
Bước 3: Chấm mặt cắt củ khoai vào xi măng khô;
Bước 4: Đặt ngửa củ khoai lên nong, nia hoặc bạt; khi mặt cắt khô, đem trồng. Quay lại Bước 1 để tiếp tục bổ củ khác.
4. Cách trồng:
- Trồng 2 hàng so le trên 1 luống: Hàng cách hàng: 40 cm; Cây cách cây: 30 cm.
- Rải phân bón lót giữa luống (Phân chuồng + NPK + Đạm Urê trộn đều)
- Đặt nghiêng củ giống, chú ý không để củ giống tiếp xúc với phân bón; Phủ kín củ bằng đất bột để cố định củ và giúp cây nhanh ra rễ.
- Phủ rơm, rạ dày 5 - 7 cm kín mặt luống. Khi cây cao 5 cm thì tỉa mầm, chỉ để 3 - 4 mầm/khóm. Khi cây cao 20 cm, phủ thêm 1 lớp rơm, rạ dày 10 - 12 cm quanh gốc cây kết hợp bón phân thúc lần 1.
5. Phân bón và cách bón: (Tính cho 1 sào Bắc bộ)
* Lượng phân bón: 5 - 8 tạ phân chuồng; 20 - 25kg NPK5.10.3; 12 - 14 kg Đạm Urê; 10 - 12 kg Kali Clorua. Có thể thay thế phân đạm và phân kali bằng phân NPK12.5.10 để bón thúc.
- Bón lót (Khi trồng): 5 - 8 tạ phân chuồng; 20 - 25 kg NPK5.10.3; 4 - 5 kg đạm.
- Thúc lần 1 (Sau trồng 3 tuần hoặc khi cây cao 20 cm): 4 - 5 kg đạm + 5 - 6 kg kali + Phủ bổ sung rơm rạ.
- Thúc lần 2 (Sau trồng 6 tuần): 3 - 4 kg đạm + 5 - 6 kg kali.
* Cách bón thúc: Vạch rơm, rải phân vào giữa 2 cây rồi phủ lại (Nếu đất khô phải tưới bổ sung ngay sau khi bón).
6. Nước tưới: (Đảm bảo độ ẩm đất 70 - 75%)
- Lần 1 (Sau trồng 2-3 ngày): Cho nước ngập 1/3 rãnh, để ngấm đủ ẩm rồi tháo cạn.
- Lần 2 (Sau thúc lần 1): Cho nước ngập 1/2 rãnh, để ngấm đủ ẩm rồi tháo cạn.
- Lần 3 (Sau bón thúc lần 2): Cho nước ngập 1/2 rãnh, để ngấm đủ ẩm rồi tháo cạn.
- Ngoài ra: Khi nào đất khô có thể tưới bổ sung bằng ô doa hoặc bằng gáo.
- Trước thu hoạch 15 - 20 ngày (Sau trồng 10 tuần), không tưới nước để tránh thối củ.
7. Sâu bệnh:
Chú ý sâu xanh, bọ trĩ, nhện bằng các loại thuốc Regend 800 WG, Ortus 5SC. Bệnh sương mai, lở cổ rễ...
8. Thu hoạch:
Sau trồng xung quanh 90 ngày, khi cây có biểu hiện thân lá chuyển vàng, vỏ củ nhẵn bóng và rắn chắc. Trước khi thu hoạch 7-10 ngày ngừng tưới nước, thu hoạch khi trời nắng ráo, phân loại củ và bảo quản nơi râm mát.
KS Vũ Tùng