Tổng công ty có 8 đơn vị thành viên, trong đó có: 01 trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao Khoa học công nghệ AIQ. Nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình, 6 công ty trong nước và 2 công ty ở nước ngoài gồm AIQ Mozambique và AIQ Maroc. Thương hiệu toàn cầu của Tổng Công ty là: AIQ (Nông nghiệp thông minh). Với đội ngũ 186 cán bộ công nhân viên trong bộ máy quản lý điều hành Tổng Công ty, đội ngũ cán bộ công nhân chủ yếu là Cử nhân và Kỹ sư được đào tạo trong nước và nước ngoài. Tổng Công ty đã hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp với 6 viện nghiên cứu trong nước, 3 viện nghiên cứu nước ngoài là: Trung Quốc, Israel, Lào, Hợp tác với bộ Nông nghiệp Mozambique, Madagasca. Tổng Công ty là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.
Với phương châm: cung ứng nông sản Việt Nam ra toàn cầu, những năm qua Tổng Công ty đã trú trọng đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu và luật pháp quốc tế về nông sản cung ứng trên toàn cầu để có bước đi, giải pháp phù hợp trong việc xây dựng chuỗi nông sản toàn cầu trong đó xác định được các tiêu chuần được toàn cầu chấp nhận là: Tiêu chuẩn Nhật Bản, tiêu chuẩn EU và tiêu chuẩn Hoa Kỳ là những chuẩn mực để tổng công ty phấn đấu đạt được sự phù hợp cho các sản phầm nông nghiệp của mình. Tuy nhiên để từng bước đưa nông sản Việt ra các nước, trước hết cần đạt được yêu cầu thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam (VietGAP). Tổng Công ty đang từng bước tiếp cận, thực hiện theo tiêu chuẩn GlobalGAP (Tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt).
Hiện nay Tổng Công ty đã thực hiện VietGAP cho lúa gạo, khoai lang, khoai tây, khoai sọ, cà rốt, dưa lê. Đang hoàn thiện sản phẩm sữa dê, thịt dê, thịt lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Phấn đấu đến 2020, sẽ đạt tiêu chuẩn GlobalGAP mô hình chuỗi lúa gạo.
Từ thực tiễn ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam, với ưu thế diện tích sản xuất lớn, khí hậu đa dạng và truyền thống canh tác lâu đời của người nông dân Việt Nam là nền văn minh lúa nước của nhân loại. Tuy năng suất lúa cao nhưng chất lượng thấp, sản lượng lúa gạo nhiều nhưng giá bán không cao. Những năm trước doanh nghiệp liên kết sản xuất với các hộ nông dân, các hợp tác xã để thu mua lúa về chế biến nhưng sản lượng không được nhiều, chất lượng không đồng nhất và khó kiểm soát các dư lượng thuốc BVTV, vi sinh vật gây hại cho sức khỏe và kim loại nặng. Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi gặp nhiều trở ngại. Trong bối cảnh người nông dân đang bộc lộ tư tưởng không thiết tha với đồng ruộng, xuất hiện một số nơi nông dân bỏ ruộng hoang, Tổng công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương thuê lại các khu đồng bỏ hoang đó để tổ chức sản xuất khép kín theo quy trình VietGAP. Từ năm 2016 đến nay, Tổng Công ty đã tích tụ được 900 ha đất để sản xuất lúa theo mô hình chuỗi khép kín, từ chọn tạo giống đến canh tác lúa bằng cơ giới hóa đồng bộ thu hoạch lúa tươi đưa về nhà máy sấy theo công nghệ sấy tháp tự động rồi chuyển sang dây chuyền xay sát, đánh bóng, tách mầu và đóng gói tự động. Với sản lượng lúa 13.000 tấn/năm, tương đương với 8.500 tấn gạo an toàn thực phẩm. Sản phẩm gạo, cám gạo và vỏ trấu không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Gạo sạch AIQ, đã trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường Mozambique và Maroc. Có thể khẳng định, Tổng Công ty đã thành công bước đầu trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, qua tổ chức thực hiên mô hình theo chuỗi khép kín cho thấy khâu sản xuất giống tiết kiệm 50% chi phí mua giống. Đặc biệt, tích tụ ruộng đất quy mô lớn thuận lợi để cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong canh tác, giảm chi phí sản xuất 60% so với lao động thủ công. Áp dụng các tiến bộ trong bón phân và thuốc Bảo vệ thực vật theo công nghệ nano, giảm chi phí phân bón và thuốc Bảo vệ thực vật được 30-50% so với bón phân truyền thống, nhờ đó mà chi phí sản xuất giảm đáng kể so với sản xuất thủ công quy mô nhỏ. Nhờ áp dụng đồng bộ các công nghệ tiên tiến, hiện đại đã nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Việc tích tụ ruộng đất với quy mô lớn, còn tạo điều kiện để áp dụng công nghệ cao và công nghệ 4.0 trong quản lý sản xuất, như: quản lý dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm, sâu bệnh… bằng cảm biến kết nối với định vị vệ tinh sẽ nâng cao hiệu quả tổ chức thực hành sản xuất.
Để chế biến lúa gạo đủ điều kiện xuất khẩu, Tổng Công ty đã đầu tư với tổng chi phí 150 tỷ đồng xây dựng và lắp đặt dây chuyền thiết bị hiện đại nhất Việt Nam, như: sấy tháp công nghệ Nhật Bản, xay sát bằng dây chuyền tự động với công suất 12 tấn/giờ tương đương 50.000 tấn/năm, Nhà máy chế biến lúa gạo đạt tiêu chuẩn ISO 22000-2005. Hiện nay, Tổng Công ty đang tiếp tục đầu tư hệ thống chế biến bảo quản rau củ quả theo công nghệ cấp đông nhanh (IQF).
Từ kết quả thành công trong xây dựng chuỗi khép kín trong sản xuất chế biến lúa gạo, Tổng Công ty đang khẩn trương xây dựng các cánh đồng sản xuất khoai tây, khoai lang, khoai sọ, đậu tương, rau, dưa lê, sữa dê, thịt dê và thịt lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2020, sẽ áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và sản phẩm hữu cơ.
Để thực hiện chuỗi giá trị nông sản theo hướng công nghệ 4.0, Tổng Công ty đã xây dựng cho mình là trung tâm của cả chuỗi, vì chỉ có là trung tâm của chuỗi mới chủ động hoàn toàn về đầu tư các khâu, đảm bảo đủ điều kiện cho cả chuỗi vận hành thông suốt. Đồng thời, là trung gian kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, để quyết định khối lượng và chất lượng sản phẩm của chuỗi. Từ đó, chuỗi nông sản mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hồng Quang