Banner chính
Thứ Sáu, 25/10/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Mô hình phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045

Thứ Tư, 26/04/2023

1. Mô hình phát triển công nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang diễn tiến theo xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình được nhiều quốc gia lựa chọn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu và mỗi quốc gia.

Tình hình trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Khu vực tư nhân ngày càng có sự đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế. Đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn cao. Năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế. Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và xử lý ô nhiễm môi trường đô thị.

Ninh Bình có những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế, là tỉnh nằm gần thủ đô Hà Nội và giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong tứ giác kinh tế lớn đó là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và Thanh Hoá, là thị trường hàng hóa lớn và là vùng có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nền kinh tế của Ninh Bình sẽ có được những ảnh hưởng từ sự phát triển kinh tế lan tỏa của vùng.

Những ngành công nghiệp truyền thống và sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của tỉnh được tiếp tục giữ vững và phát triển như công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, công nghiệp hỗ trợ,… Trong giai đoạn tới, Ninh Bình có điều kiện để tăng cường phát triển công nghiệp ô tô, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, Ninh Bình cũng gặp một số thách thức, như tác động tiêu cực của các vấn đề vĩ mô trong và ngoài nước như lạm phát và lãi suất cao, thắt chặt và cắt giảm đầu tư, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất biến động mạnh, nguy cơ phá sản doanh nghiệp và thất nghiệp của người lao động… sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp của tỉnh và tạo ra hàng loạt các vấn đề xã hội cần giải quyết. Tích lũy đầu tư từ nội bộ nền kinh tế tỉnh còn thấp.  

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 vấn đề quan trọng mà chúng ta cần đề cập ưu tiên đó là đề xuất mô hình phát triển công nghiệp.

Để đề xuất mô hình phát triển công nghiệp trên cơ sở đánh giá, phân tích một cách khoa học, khách quan thực trạng phát triển và cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, Mô hình phân tích SWOT là một trong những phương pháp nghiên cứu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu nghiên cứu.

Tên mô hình phát triển công nghiệp: “Công nghiệp xanh, tuần hoàn, công nghiệp chế biến chế tạo là then chốt, chuyển đổi số là phương thức chính”.

2. Quan điểm

- Mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh Ninh Bình phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh; được đặt trong tổng thể kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh Ninh Bình.

- Mô hình phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch. Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển độ thị hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại.

- Mô hình phát triển công nghiệp nhằm tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, có giá trị tăng thêm công nghiệp cao, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh, nâng cao hàm lượng kỹ thuật, công nghệ, tính chuyên môn hóa, chuyển đổi số và tận dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Mô hình phát triển công nghiệp tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp và gắn với phát triển du lịch.

- Phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tập trung nguồn lực để phát triển một số ngành/lĩnh vực, công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng dư địa phát triển với quy mô lớn có khả năng tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và phân bố không gian ngành phát triển một cách hài hòa và hiệu quả.

3. Định hướng

- Xây dựng mô hình phát triển công nghiệp trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 chỉ ra những bất cập trong phát triển các ngành/lĩnh vực công nghiệp, cùng với quan điểm, định hướng cơ cấu lại nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành/lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng và dư địa được ưu tiên phát triển.

- Lựa chọn các ngành/lĩnh vực có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, trên cơ sở hàm lượng kỹ thuật, công nghệ, tính chuyên môn hóa cao và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Xây dựng mô hình phát triển công nghiệp trên cơ sở phát triển công nghiệp hỗ trợ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra mạng lưới liên kết sản xuất đa doanh nghiệp, đa ngành nghề và chuyên môn hóa theo chuỗi; qua đó giúp nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của tỉnh và vùng, góp phần tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng giúp cải thiện chất lượng, trình độ phát triển công nghiệp của tỉnh; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó tạo sức lan tỏa mạnh, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh có điều kiện thuận lợi để tham gia và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

- Duy trì, phát triển hợp lý các lĩnh vực không có nhiều điều kiện, cơ hội đầu tư và phát triển mạnh hoặc là những lĩnh vực công nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động phổ thông, nhưng vẫn cần thu hút đầu tư một cách hợp lý để phục vụ cho phát triển hạ tầng khu/cụm công nghiệp, nhu cầu tiêu dùng, tham gia xuất khẩu, mở rộng thương mại quốc tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đóng góp cho công tác an sinh xã hội.

- Trên cơ sở phân tích hiện trạng và đánh giá tiềm năng cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Mô hình phát triển công nghiệp tập trung vào theo 03 trụ cột chính như sau: (1) Phát triển các ngành/lĩnh vực công nghiệp chủ lực; (2) Phát triển công nghiệp hỗ trợ; (3) Phân bố lại không gian phát triển công nghiệp, như sau:

(1) Phát triển các ngành/lĩnh vực công nghiệp chủ lực: Tập chung phát triển các ngành/lĩnh vực:

+ Ngành cơ khí, chế tạo (phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế);

+ Ngành thiết bị điện, điện tử, tin học (phát triển sản xuất điện tử, điện gia dụng và sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao).

(2) Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Tập trung phát triển CNHT các nhóm ngành:

+ Phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo (bao gồm: sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô, gia công cơ khí, phụ tùng cho máy móc thiết bị, ...).

+ Phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành thiết bị điện, điện tử, tin học (bao gồm nhóm sản phẩm: linh kiện điện tử, thiết bị điện, sản phẩm công nghệ cao, ...).

+ Phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ngành chế biến nông lâm thuỷ sản, thực phẩm và đồ uống; dệt may và da giầy (bao gồm nhóm sản phẩm: bao bì, vỏ lon/hộp, xơ, sợi, khóa, chỉ may, chỉ khâu, bông tấm, dệt, mex dệt, mex không dệt, đế giầy, mũ giầy, ...).

(3) Phân bố lại không gian phát triển công nghiệp:

Phát triển không gian công nghiệp theo hướng tập trung vào các khu vực tập trung công nghiệp có thuận lợi về hạ tầng giao thông, logictics và lưu thông hàng hóa và bảo đảm hài hòa với phát triển du lịch.

- Duy trì, phát triển hợp lý các ngành công nghiệp:

+ Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống

+ Ngành công nghiệp dệt may, da giầy

+ Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

+ Ngành công nghiệp hóa chất

- Từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả; đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. 

- Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, tăng khả năng kết nối, tiếp cận dữ liệu thông tin, thị trường để tăng cơ hội kinh doanh; gắn kết phát triển doanh nghiệp về số lượng và chất lượng, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Phát triển công nghiệp trên cơ sở huy động hiệu quả nhất mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế; đẩy mạnh phát triển có chất lượng các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng, công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực, chiến lược có lợi thế; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cao như công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và sản xuất thông minh vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa của doanh nghiệp.

- Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường mới cho các sản phẩm công nghiệp trên cơ sở khai thác các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.

- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và hệ thống logistics đồng bộ, hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu và lưu thông hàng hóa nội địa và quốc tế; Tập trung huy động nguồn lực của các doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp.

- Thu hút đầu tư có chọn lọc đảm bảo các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh trong tương lai và gắn phát triển công nghiệp với phát triển bền vững; kiên quyết không chấp thuận những dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng tài nguyên và năng lượng không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, và giá trị gia tăng thấp.

- Tăng cường quản lý các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chống chuyển giá, tăng cường chuyển giao công nghệ, khai thác thị trường quốc tế để xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sự gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nội tỉnh.

- Phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp, đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý doanh nghiệp công nghiệp; chú trọng đào tạo các ngành nghề: điện, điện tử, tin học, cơ khí, tự động hóa, các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao; gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các trường, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

4. Mục tiêu tổng quát

Tận dụng có hiệu quả các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp. Phát triển công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đi đôi với bảo vệ môi trường. Mô hình phát triển công nghiệp tỉnh tập trung cơ cấu lại nội ngành chế biến chế tạo theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghệ cao; công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường; Phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng hợp lý lao động mà tỉnh đang có lợi thế và điều kiện phát triển. Tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) giá so sánh năm 2010 công nghiệp đạt mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đề ra (Bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt 13,4%/năm). Đến năm 2030 phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường và phát triển bền vững, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH; đến năm 2045, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh và tuần hoàn.

4. Các nhóm giải pháp chủ yếu

(1) Tăng cường xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách, cơ chế phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình

(2) Đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực

(3) Tăng cường huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực

(4) Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp

(5) Đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp

(6) Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0

(7) Tăng cường liên kết ngành, liên kết vùng cho phát triển công nghiệp

(8) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho phát triển công nghiệp

(9) Đẩy mạnh phát triển thị trường công nghiệp

(10) Định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống logistics tỉnh Ninh Bình

PGS.TS Đỗ Văn Dung và cộng sự

Các tin khác