Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Một số đánh giá về hệ thống logistics tỉnh Ninh Bình

Thứ Hai, 25/12/2023

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi để phát triển ngành logistics với trên 17.000 km đường nhựa, hơn 3.200 km đường sắt, 42.000 km đường thuỷ, 266 cảng biển, 20 sân bay và hàng trăm cửa khẩu quốc tế, quốc gia lớn nhỏ nằm dọc theo chiều dài đất nước. Với quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 20,9% GDP của cả nước, có tốc độ tăng trưởng của ngành hàng năm đạt trung bình 20-25%, những năm gần đây, ngành dịch vụ logistics đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Là mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ, các hoạt động logistics có nhiệm vụ kết nối và tối ưu hóa những chi phí cấu thành đầu vào để có chi phí thấp nhất ở đầu ra, từ đó giảm giá thành hàng hóa và mang hiệu quả cao hơn cho khách hàng, cho doanh nghiệp và xã hội. Theo bảng xếp hạng hoạt động của ngành logistics trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2019, chỉ số năng lực logistics của các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá ở vị trí 39/160, đứng đầu trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, có tiến bộ đáng kể so với xếp hạng thứ 53 vào năm 2012 và thứ 48 vào năm 2014.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA), cả nước hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chủ yếu về dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải,... tập trung phần lớn ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Ngoại trừ các doanh nghiệp Nhà nước đang được cổ phần hóa, hầu hết các doanh nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ, vốn điều lệ bình quân từ 4 - 6 tỷ đồng, tỷ lệ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về logistics còn chiếm khá thấp, chỉ từ 5-7%. Họ phần lớn là các doanh nghiệp trẻ và năng động, hầu hết bước ra từ những doanh nghiệp Nhà nước hoặc các liên doanh, vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp logistics nội địa chiếm tới 95% về số lượng nhưng chỉ chiếm hơn 20% doanh thu dịch vụ, với các công việc chủ yếu là làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn cho các doanh nghiệp logistics quốc tế. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như APL, NYK, Linfox, Maersk, K&N, Schenker ... hiện đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam, tuy chỉ chiếm số ít về số lượng, nhưng đang chiếm tới 70-80% thị phần cung cấp dịch vụ logistics.

Tỉnh Ninh Bình có điều kiện giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với không chỉ các các tỉnh, thành phố nằm trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, khu vực Duyên hải Bắc Bộ mà còn với các tỉnh và thành phố trong vùng Thủ đô Hà Nội, khu vực miền núi Tây Bắc; khu vực Bắc Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình còn có một vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển tuyến hành lang ven biển nhằm tăng cường, thúc đẩy các hoạt động kinh tế với nhiều lợi thế và điều kiện để phát triển nhanh và bền vững. Với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh thu hút được vận tải hàng hóa trong vùng, vị trí ven biển; có điều kiện thuận lợi về mặt bằng diện tích để phát triển các dịch vụ hậu cần sau cảng, dịch vụ logistics. Vì vậy, tỉnh Ninh Bình hội tụ đủ các điều kiện về tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ logistics trở thành lĩnh vực có tỷ lệ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách, đặc biệt phục vụ cho nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp trong tỉnh.

Tuy nhiên trên thực tế, các hoạt động logistics tại Ninh Bình vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế do hệ thống cảng biển chưa có, hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư đồng bộ; chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics. Ninh Bình vẫn chưa hình thành trung tâm logistics lớn hoạt động, các dịch vụ liên quan đến logistics được cung cấp còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chuyên nghiệp, chi phí dịch vụ lại khá cao, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao…. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, giảm chi phí logistics được coi là cách tăng lợi nhuận hiệu quả nhất và là nhân tố hết sức quan trọng đánh giá khả năng cạnh tranh của một doanh nghiệp, một địa phương và một quốc gia. Một hệ thống logistics phát triển vững chắc sẽ là cơ sở tạo đà cho các ngành khác trong nền kinh tế phát triển.

1. Đánh giá thực trạng hệ thống logistic tỉnh Ninh Bình năm 2022

Qua khảo sát hiện trạng có thể thấy giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình có nhiều ưu điểm vượt trội so với các tỉnh thành khác, bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế nội tại được khái quát dưới đây:

1.1. Đánh giá về hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông

1.1.1. Bến xe

Trên địa bàn hiện có 10 bến xe khách đang hoạt động;  01 bến xe khách là Bến xe Tam Điệp đang tạm ngừng hoạt động.

Các bến xe trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí về cấp hạng bến theo quy định tại thông tư 73/2015/TT-BGTVT ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải.

Hiện tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, đối với hàng hóa chỉ kết hợp vận chuyển với quy mô nhỏ mà chưa có bến hàng hóa chuyên dụng.

1.1.2. Về bãi đỗ xe

Trong thành phố Ninh Bình cũng như các huyện trong Tỉnh hiện nay gần như không có các bãi đỗ xe công cộng vì thế các phương tiện dừng đỗ tùy tiện, chủ yếu tại các khu đất rộng, mới được xây dựng có diện tích lớn như: Nhà văn hóa, Sân vận động… thậm chí trên cả các tuyến đường tỉnh và Quốc lộ. Một số tuyến đường rộng được bố trí một phần mặt đường thành vị trí đỗ xe taxi như: Đường Tràng An, đường Lê Hồng Phong,... Hiện trên địa bàn TP Ninh Bình có một số bãi đỗ xe của tư nhân cho thuê như bãi đỗ xe trên đường Lê Đại Hành .

1.1.3. Trạm dừng nghỉ

Tỉnh Ninh Bình có 1 Trạm dừng nghỉ được đầu tư bởi Jica của Nhật Bản nằm trên Quốc lộ 1 thuộc địa phận phường Nam Thành, Thành phố Ninh Bình. Trạm dừng nghỉ có quy mô 16.500 m2, mặc dù được đầu tư tương đối bài bản tuy nhiên việc khai thác và hoạt động của trạm dừng nghỉ chưa đạt được những hiệu quả như mong chờ.

1.1.4. Ga đường sắt

Hiện Ninh Bình có 4 ga đường sắt là: Ninh Bình, Cầu Yên, Ghềnh và Đồng Giao đều là ga dọc đường có quy mô nhỏ, nhà ga đều thuộc loại bán vĩnh cửu (trừ ga Ninh Bình).

1.1.5. Hệ thống cảng, bến, bến khách ngang sông

Thống kê số lượng cảng, bến thủy nội địa đang khai thác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo huyện/thành phố được xác định trong bảng dưới đây:

1.2. Đánh giá về hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải

Kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm 3 thành phần chính là đường bộ, đường sắt và đường thủy đây là một ưu thế trong việc phát triển vận tải hành khách và hàng hóa. Mặc dù địa phận tỉnh Ninh Bình kéo dài theo hướng Đông - Tây trong khi các trục đường huyết mạch mang tính liên vùng lại chạy dọc theo hướng Bắc  - Nam, hệ thống  mạng lưới đường bộ hiện nay đã cơ bản phủ đều đến các vùng trong tỉnh, kết hợp với mạng lưới đường thủy nội địa phân bổ đều theo hướng Đông - Tây bổ trợ cho hệ thống đường bộ tạo nên một bộ khung về hạ tầng giao thông phủ kín và hài hòa trên toàn tỉnh.

Tuy nhiên trong cơ cấu hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Bình không có cảng hàng không, đây là một hạn chế trong phát triển vận tải liên vùng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh. Hệ thống đường bộ chưa được đầu tư đồng bộ và đúng quy mô, một số tuyến đặc biệt là đường tỉnh hiện chưa đúng quy mô và xuống cấp, nhiều đoạn dân cư sính sống bám sát mặt đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong quá trình khai thác. Ngoài ra, trên hệ thống quốc lộ, đường tỉnh và các đường địa phương còn tồn tại nhiều cầu yếu hạn chế tải trọng, khổ giới hạn; nhiều cầu qua các tuyến đường thủy nội địa có khẩu độ khoang thông thuyền chưa đảm bảo theo yêu cầu cấp kỹ thuật của tuyến đường thủy nội địa, làm hạn chế khả năng khai thác tuyến đường thủy nội địa.

Đường sắt được coi là một phương thức vận tải khối lượng lớn nhưng những năm gần đây đang cho thấy khai thác không hiệu quả, khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa giảm, kết nối giữa đường sắt và các phương thức vận tải khác đặc biệt là các cảng thủy nội địa, các khu công nghiệp kém cũng là một hạn chế trong khai thác vận tải đường sắt.

Theo quy hoạch điều chỉnh chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBNDN tỉnh Ninh Bình phê duyệt kèm quyết định số 1798/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 ngoài 4 tuyến sông do trung ương quản lý gồm sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc, sông Yên Mô thì tỉnh Ninh Bình có 18 tuyến sông phục vụ vận tải đường thủy địa phương nhưng đến nay số lượng các tuyên sông được khai thác vận tải thủy khá ít, vẫn còn tập trung chủ yếu ở các tuyến sông do trung ương quản lý. Các tuyến thủy nội địa cấp quốc gia có vai trò lớn trong vận tải lại nằm trên sông Đáy thường xuyên bị bồi lấp tới tận cửa biển cũng là một hạn chế trong việc phát triển vận tải đường thủy. Một hạn chế có thể kể đến nữa là Ninh Bình có đường bờ biển hẹp, cửa sông bồi lấp nên việc xây dựng cảng biển ở Ninh Bình là vấn đề rất khó khăn.

1.2.1. Về hạ tầng bến bãi

Là một tỉnh có đầy đủ các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy do đó hạ tầng bến bãi theo đó cũng được phát triển với 4 ga đường sắ, 10 bến xe, 24 cảng thủy nội địa, 103 bến hàng hóa, 4 bến xăng dầu và 30 bến khách ngang sông được phân bố trên toàn tỉnh. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để thành lập trung tâm logistic khi các hạ tầng bến bãi này được kết nối với nhau.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có số lượng cảng nhiều, trong đó có nhiều cảng lớn như cảng Ninh Bình, cảng Ninh Phúc, cảng Phúc Lộc (cảng khô ICD là đầu mối thông quan, giảm tải cho cảng Hải Phòng) ... có dây chuyền xếp dỡ hiện đại đáp ứng được yêu cầu, năng suất cao, nằm gần các tuyến quốc lộ như đường QL.1 nối cảng Ninh Phúc, QL.10, QL.1 và gần với ga Ninh Bình tạo điều kiện kết nối với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt tạo thành hệ thống vận tải liên hoàn, đáp ứng được yêu cầu kinh tế xã hội.

Khảo sát cũng cho thấy mặc dù hệ thống bến bãi ở Ninh Bình khá nhiều nhưng phần lớn được xây dựng lâu đời, có quy mô nhỏ. Hệ thống bến xe phân bố không đều chủ yếu tập trung ở phía Đông tỉnh, nhiều bến khai thác không hiệu quả khi cho có 1, 2 nhà xe đăng ký hoạt động như bến xe Khánh Thành. Số lượng cảng thủy nội địa nhiều tản mạn, chủ yếu tập trung trên sông Đáy tại khu vực TP Ninh Bình và huyện Yên Khánh, các cảng thủy nằm xen kẽ, quá gần nhau chủ yếu là cảng chuyên dùng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp. Việc phối hợp, liên kết sử dụng chung hạ tầng kết nối, phục vụ bốc xếp chưa nhịp nhàng dẫn đến chỗ thừa, thiếu công suất.

Nhược điểm về luồng tuyến và kết nối giao thông cũng làm ảnh hưởng đến công suất của cảng. Trên một số tuyến sông có cấp kỹ thuật thấp như sông Vạc đoạn từ Ngã ba Đức Hậu đến cầu Yên, sông Hệ Dưỡng...; Một số cầu trên sông được xây dựng từ lâu có tĩnh không nhỏ đã ảnh hưởng đến công suất của cảng thủy nội địa, trong khi một số tuyến trục chính kết nối với các tỉnh lân cận như tuyến QL.21B, tuyến Đt481D lại chưa có cầu vượt sông, hiện đang khai thác bằng phà cũng là điểm hạn chế đến việc lưu thông và phát triển kinh tế của khu dân cư hai bên sông nói riêng và của hai tỉnh nói chung.

1.2.2. Về vận tải

Với đặc điểm có đầy đủ các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông kết hợp với hạ tầng bến bãi đa dạng là một thế mạnh để phát triển vận tải. Cũng như bao tỉnh thành khác vận tải hành khách chủ yếu tập trung nhiều ở đường bộ với các hoạt động vận tải tuyến cố định, buýt và taxi. Tuy nhiên với vận tải hàng hóa những năm gần đây đánh dấu sự dịch chuyển cơ cấu từ đường bộ sang đường thủy, đây là điều dễ hiểu đối với một tỉnh có lợi thế về hệ thống đường thủy như Ninh Bình.

Tuy nhiên, một nhược điểm làm hạn chế sự phát triển vận tải đó là phương tiện vận tải tuy số lượng nhiều song chủ yếu có loại công suất, tải trọng nhỏ, tầm hoạt động hạn chế, không tạo được năng suất vận tải cao, hiệu quả kinh tế thấp. Tuổi đời phương tiện cao, lạc hậu chất lượng kém, khả năng an toàn thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên đường thủy nội địa. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phương tiện có tải trọng lớn, tính năng kỹ thuật cao để đảm bảo năng suất vận chuyển và bảo đảm an toàn chất lượng hàng hóa.

1.3. Nhận định đánh giá của một số doanh nghiệp công nghiệp về thực trạng hệ thống logistic tại tỉnh Ninh Bình thông qua các phiếu khảo sát

Các doanh nghiệp đánh giá về sự chủ động của hệ thống logistics trong chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ở mức tương đối chủ động, có xu hướng chủ động.

Các doanh nghiệp nhận định về bất cập khi vận hành hệ thống logistics, có 12% số doanh nghiệp cho thấy có sự bất cập. Trong những bất cập về hệ thống logistics, tập trung vào các yếu tố sau:

- Sự đứt gẫy chuỗi cung ứng do thiên tai, dịch bệnh chiếm 83,3%

- Hệ thống giao thông (cả đường bộ, đường thuỷ, đường sắt) còn bất cập, chiếm 58,3%

- Chi phí dịch vụ vận chuyển sản phẩm xuất, nhập khẩu cao, chiếm 50,0%

- Kho bãi còn thiếu, chất lượng chưa bảo đảm, chiếm 41,7%

- Dịch vụ bưu chính, viễn thông vẫn còn bất cập, chiếm 16,7%

- Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số về cung ứng hàng hoá còn chậm, chưa đồng bộ, chiếm 16,7%

2. Định hướng nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển hệ thống logistics tỉnh Ninh Bình đến năm 2030

2.1. Đối với các doanh nghiệp vận tải

2.1.1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh cần quan tâm, trú trọng và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành logistics. Đào tạo thông qua các khóa học về logistics do ngành, công ty hoặc các tổ chức khác như VCCI, VIFFAS…tổ chức để từ đó nâng cao hiểu biết, đổi mới tư duy kinh doanh và cập nhật các xu hướng phát triển mới của dịch vụ logistics trong khu vực và trên thế giới. Đầu tư tuyển dụng nhiều nhân lực kỹ thuật và nghiên cứu phát triển kinh doanh ngành logistics, đây cũng là một nhân tố quan trọng làm lên sự khác biệt và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường.

Các doanh nghiệp vận tải cần có chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài. Chính sách thu hút nhân tài không chỉ có ưu đãi bằng vật chất mà cần phải bao gồm cung cấp đầy đủ điều kiện làm việc, cơ hội phát triển, thăng tiến trong nghề nghiệp. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu và thực hiện cơ chế thuê, hợp tác, tư vấn với chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực logistics để phục vụ cho quá trình phát triển doanh nghiệp mình. Bằng những chính sách, qui chế mang tính đề xuất tham khảo như: thực hiện trả lương, phân phối thu nhập theo năng lực và kết quả công tác; có chính sách phụ cấp và đãi ngộ đặc biệt (như nhà ở, phương tiện đi lại….) đối với nhân lực có trình độ cao. Cải tiến chính sách tiền lương và thu nhập, đảm bảo nguồn thu nhập chính của người lao động từ tiền lương.

2.1.2. Tăng cường liên kết

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp vận tải hoạt động logistics tại Ninh Bình là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi doanh nghiệp thường chỉ đủ khả năng cung cấp một loại hình dịch vụ, đã thế lại hoạt động đơn lẻ, tách rời nhau, thậm chí còn đối đầu để tranh giành khách hàng nên sức vốn yếu lại càng yếu thêm. Hội nhập đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy, thay đỏi cách làm. Đây là thời điểm rất quan trọng để các doanh nghiệp cần ngồi lại cùng nhau, hợp tác với nhau kết thành những chuỗi chặt chẽ để có thể cung cấp cho khách hàng dịch vụ tổng thể hoàn hảo. Tùy theo điều kiện có thể tổ chức các chuỗi liên kết dọc hoặc ngang:

- Liên kết dọc: công ty giao nhận liên kết với công ty kho bãi, công ty vận tải nội địa, công ty vận tải biển, môi giới khai thuê hải quan….lập thành chuỗi đủ khả năng liên kết tổng thể/ dịch vụ trọn gói – One stop shop (Dừng một lần có thể mua được những gì bạn muốn) cho khách hàng. Sử dụng 3PL, sử dụng One stop shop là xu hướng phát triển logistics trên thế giới hiện nay, bởi chúng có khả năng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

- Liên kết ngang: Các công ty vận tải tại Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng cần liên kết với nhau để thành lập công ty logitics đủ mạnh, đủ khả năng tổ chức quản lý phát triển dịch vụ logistics. Nhờ vậy có đủ khả năng về: tài chính vững chắc; phối hợp khai thác các cảng biển; có nguồn hàng ổn đinh; phát triển hệ thống kho bãi với qui mô lớn và hiện đại; nguồn nhân lực chất lượng cao để quản lý chuỗi cung ứng và logistics; phát triển hệ thống các công cụ quản lý hiện đại, CNTT tiên tiến để hỗ trợ các hoạt động logistics; phối hợp với các bạn hàng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng và hoạt động logistics.

2.1.3. Ưu tiên phát triển e-logistics

Các doanh nghiệp logistic cần định hướng thúc đẩy và phát triển công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử trong thương mại/khai quan điện tử để tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin nhằm mang lại năng suất lao động cao, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tình trạng tiêu cực, gian lận trong thương mại, xuất nhập khẩu và hải quan. Ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh dựa trên các tiện ích mà khách hàng cần như: công cụ theo dõi đơn hàng (Track and Trade), lịch tàu, e-booking, theo dõi chứng từ…Khả năng nhìn thấy và kiểm soát đơn hàng (Visibility) là yếu tố khách hàng quan tâm hàng đầu. Đây là vấn đề hàng đầu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

- Tái cấu trúc doanh nghiệp: Các doanh nghiệp vận tải cần phải tự tiến hành tái cấu trúc để cải thiện năng suất lao động, hội nhập tốt hơn với kinh tế quốc tế, tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững và ổn định lâu dài. Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp phải dựa trên chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở xác định rõ những nguồn lực hiện có. Đối với các doanh nghiệp phải tiếp tục tích lũy sản xuất, tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi, tập trung chuyên môn hóa cao để có đủ năng lực tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2.2. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước

2.2.1. Cần chú trọng khâu qui hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT

Tập trung đầu tư các nguồn lực phát triển hệ thông cảng, hệ thống đường giao thông, kho bãi…để phục vụ cho phát triển ngành logistics. Cơ sở hạ tầng GTVT là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển dịch vụ logistics. Theo Bộ Giao thông vận tải, 10 năm qua Nhà nước đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng của Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng vẫn còn rất hạn chế để đáp ứng được yêu cầu phát triển logistics trong điều kiện hiện đại. Để phát triển logistics cần tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng GTVT. Trước hết cần phát triển hệ thống cảng biển, cảng cạn (ICD), kho bãi…

Sau khi Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh cần phải tổ chức triển khai công khai quy hoạch tới các Sở - Ngành, kiểm tra giám sát thực hiện quy hoạch và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút mạnh vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trọng điểm quy hoạch. Tập trung triển khai các quy hoạch cụ thể đúng tiến độ để có hệ thống cơ sở hạ tầng đủ tiêu chuẩn, đồng bộ đáp ứng yêu cầu dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.

2.2.2. Hỗ trợ phát triển, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành dịch vụ logisticsc

Quá trình nhận thức, xây dựng kỹ năng quản trị, kỹ năng thực hành logistics cần thời gian và công tác vận động, hướng nghiệp. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các trường, để đẩy mạnh công tác đào tạo với nhiều hình thức linh hoạt. Cần thiết mở chuyên ngành đào tạo logistics tại trường Đại học Hoa Lư và các trung tâm đào tạo logistics. Trước mắt, cho phép trường đại học Hoa Lư liên kết với các trường Đại học trên cả nước mở các lớp đào tạo kiến thức về logistics một cách bài bản. Bên cạnh đó đào tạo kiến thức chuyên môn, cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ và khả năng ứng dụng CNTT. Tìm kiếm các nguồn tài trợ trong, ngoài nước cho các chương trình đào tạo ngắn hạn. Phối hợp và tranh thủ hợp các chương trình hợp tác của Asean, Nhật Bản, ESCAP, các Hiệp hội logistics và các tổ chức phi chính phủ khác để có nguồn kinh phí mở các lớp đào tạo thường xuyên hơn.

2.2.3. Cần có các chính sách khuyến khích phát triển thị trường dịch vụ logistics tỉnh Ninh Bình

Thị trường dịch vụ logistics - còn được gọi là thị trường thuê ngoài logistics hoặc thị trường dịch vụ 3PL, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo “sân chơi” lành mạnh, nuôi dưỡng các doanh nghiệp dịch vụ logistics Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là đòn bẩy để giảm chi phí logistics tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ XNK của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cần các thể chế chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ 3PL, một mặt tạo các ưu đãi nhưng mặt khác phải đảm bảo năng lực, tính chuyên nghiệp... nhằm đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước

2.2.4. Tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin

Xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển E-logistics, khuyến khích sử dụng các hệ thống thông tin chuyên dụng trong logistics, hệ thống trao đổi dữ liệu EDI… cùng với thương mại điện tử. Nhà nước cần có chính sách tích cực nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp GNVT Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng áp dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh.

Cần có định hướng đưa CNTT sử dụng trong qui trình xử lý thủ tục hành chính của các dịch vụ logistics….như việc thực hiện Hải quan điện tử (ECUS) của Tổng cục Hải quan Việt Nam đều khắp trên các cửa khẩu, cảng biển, các tỉnh thành phố cả nuớc đồng thời với việc cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi thương mại và minh bạch trong dịch vụ công.

2.2.5. Thành lập các trung tâm logistics

Hiện các dịch vụ logistics có liên quan và bị chi phối bởi quá nhiều cơ quan quản lý Nhà nước. Chẳng hạn: Các dịch vụ hỗ trợ khách hàng liên quan tới Bộ Tài chính, Bộ Công thương; Việc mua sắm và đấu thầu phải xin giấy phép của Bộ Tài chính. Quản lý hàng tồn kho, xử lý việc trả lại hàng và giao dịch logistics sửa đổi phải thông qua Bộ Tài nguyên - Môi trường... Có những hoạt động liên quan tới 3-4 ngành khác nhau, như: Chọn địa điểm cho các phương tiện hỗ trợ, xếp hàng vào kho, lưu kho liên quan Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Công tác dự báo và lập kế hoạch nhu cầu của các doanh nghiệp thì liên quan tới Bộ Giao thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Việc Chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu liên quan tới Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên - Môi trường. Hàng hóa xuyên biên giới thì liên quan tới Bộ Giao thông, Bộ Tài chính và Bộ Y tế… Chính vì phải qua nhiều bộ ngành như thế nên các doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và chi phí làm thủ tục xuất nhập khẩu. Vì vậy cần có Ủy ban quốc gia về logistics để giải quyết vấn đề này và các vấn đề tương tự. Uỷ ban Logistics quốc gia sẽ là nơi chỉ đạo các thành viên từ các bộ, ngành, hiệp hội liên quan để có thể thiết lập một hệ thống logistics ngang tầm quốc tế. Trên cơ sở đó tăng cường thuận lợi hóa trong các hoạt động thương mại gắn kết logistics, góp phần giảm chi phí và tăng giá trị gia tăng cho ngành logistics.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đối với nền kinh tế quốc dân, hoạt động logistics có nhiệm vụ tận dụng tối đa năng lực của hạ tầng cơ sở, phương tiện một cách tốt nhất nhằm thỏa mãn tốt nhất yêu cầu của chủ hàng trong việc lưu thông phân phối. Logistics là một chức năng kinh tế chủ yếu, có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng, logistics đã bắt đầu được nhìn nhận như một công cụ “sắc bén” đem lại thành công cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế xã hội của tỉnh nhà, đặc biệt đối với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ hiện nay.  

Qua quá trình nghiên cứu chúng ta đi đến một số nhận định sau:

Thứ nhất, logistics không phải là hoạt động đơn lẻ mà là một chuỗi các hoạt động liên tục, tác động qua lại lẫn nhau, được thực hiện một cách khoa học và có hệ thống qua các bước nghiên cứu, hoạch định, tổ chức, quản lý, thực hiện, kiểm tra, kiểm soát, hoàn thiện và mang lại hiệu quả quản lý và giảm chi phí nâng cao năng lực cạnh tranh. Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại liên quan đến dòng luân chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ logistics là các thương nhân, tổ chức triển khai các hoạt động thương mại đó. Thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics hiệu quả sẽ làm gia tăng giá trị lớn cho chính nhà cung cấp dịch vụ logistics và cho toàn xã hội.

Thứ hai, tỉnh Ninh Bình là có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp hiện đại, công nghiệp phụ trợ trong tương lai, từ đó mở ra cơ hội lớn cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Ninh Bình hiện nay đang hoạt động rời rạc, nhận thức chưa đúng về logistics và mới chỉ đang tham gia một phần trong toàn bộ các hoạt động của dịch vụ logistics.

Thứ ba, phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình cần thực hiện các giải pháp cụ thể như: Đối với các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải; Ưu tiên phát triển e-logistisc và tái cơ cấu doanh nghiệp. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần chú trọng khâu quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành dịch vụ logistics; Cần có chính sách khuyến khích phát triển thị trường dịch vụ logistics; Tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và thành lập các trung tâm về logistics.

PGS.TS Đỗ Văn Dung và cộng sự 

Các tin khác