Banner chính
Thứ Sáu, 19/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRUNG QUỐC TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY

Thứ Ba, 01/11/2011
           Trong những năm qua, tôi đã đi sâu nghiên cứu tài liệu và nhiều lần đi thăm thực tế Trung Quốc. Tôi nhận thấy Trung Quốc đã có sự phát triển rất nhanh sau 30 năm mở cửa. Vị thế của Trung Quốc đã lên hàng các quốc gia phát triển về kinh tế, GDP, dự trữ ngoại tệ, xuất khẩu, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt trong năm 2010, Trung Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ đứng sau Hoa Kỳ). Trong bài viết dưới đây, tôi muốn trình bày khái quát về những thành tựu kinh tế, khoa học & công nghệ, nghiên cứu, triển khai và nguyên nhân thành công của Trung Quốc.
 

MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ SỰ PHÁT TRIỂN
CỦA TRUNG QUỐC TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY        

                      

           Trong những năm qua, tôi đã đi sâu nghiên cứu tài liệu và nhiều lần đi thăm thực tế Trung Quốc. Tôi nhận thấy Trung Quốc đã có sự phát triển rất nhanh sau 30 năm mở cửa. Vị thế của Trung Quốc đã lên hàng các quốc gia phát triển về kinh tế, GDP, dự trữ ngoại tệ, xuất khẩu, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt trong năm 2010, Trung Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ đứng sau Hoa Kỳ). Trong bài viết dưới đây, tôi muốn trình bày khái quát về những thành tựu kinh tế, khoa học & công nghệ, nghiên cứu, triển khai và nguyên nhân thành công của Trung Quốc.
I. Khái quát những thành tựu kinh tế, khoa học và công nghệ và một số vấn đề cụ thể trong nghiên cứu – phát triển (R&D) của Trung Quốc:
1) Về kinh tế: Từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc cải cách và mở cửa năm 1978, đến nay sau 30 năm, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt đáng khâm phục.
Năm 1982, Trung Quốc thực hiện khoán sản lượng hoặc khoán toàn bộ đến hộ nông dân. Việc giải phóng năng lực sản xuất cho hàng trăm triệu hộ nông dân đã mang lại bước nhảy vọt trong kinh tế nông thôn. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng bình quân 11,5%/năm trong giai đoạn 1980 - 1985, gấp 3,5 lần giai đoạn 1953 - 1980.
Năm 1986, Trung Quốc khởi động cải cách doanh nghiệp nhà nước. Năm 1993, Trung Quốc hiện đại hóa khu vực kinh tế nhà nước gồm tổ chức các tập đoàn lớn, đổi mới kỹ thuật, áp dụng phương pháp quản lý khoa học. Các doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ có quyền lựa chọn hình thức tổ chức và hoạt động như cổ phần hóa, cho thuê, chuyển thành sở hữu tập thể hoặc bán cho tư nhân. Đến cuối năm 2007, 1.550 doanh nghiệp lên sàn chứng khoán.
Năm 1992, Trung Quốc xác lập mục tiêu “Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Mở đầu thị trường hóa trong lĩnh vực y tế và nhà ở thị trường hóa từ năm 1992 – 1994. Kết quả điển hình của thị trường hóa là doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống tăng gấp 225 lần; bình quân năm tăng 20,53%.
Năm 1993, Trung Quốc tiến hành cải cách chính sách thuế theo hướng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và áp dụng chính sách giá theo giá thị trường.
Năm 1994, Trung Quốc thông qua Luật ngoại thương, bãi bỏ việc lập kế hoạch theo chỉ thị hoạt động xuất nhập khẩu; trao cho doanh nghiệp quyền hoạt động kinh tế đối ngoại, bãi bỏ việc cấp quota đối với một loạt hàng hóa. Nhà đầu tư nước ngoài được hưởng ưu tiên và ưu đãi về thuế. Các khu vực kinh tế tự do như khu Phố Đông ở thành phố Thượng Hải, Thâm Quyến… trở thành trung tâm thu hút tư bản nước ngoài và là “trung tâm phát triển”. Từ năm 1978 – 2007, kim ngạch ngoại thương tăng từ 20,64 tỉ USD lên 2.170 tỉ USD, hơn 100 lần!
Năm 1996, Trung Quốc áp dụng tỷ giá ngoại tệ thống nhất dựa theo tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
 Năm 1999, kinh tế ngoài quốc doanh được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Năm 2001, Trung Quốc chính thức trở thành thành viên WTO.
Năm 2002, các ngân hàng nước ngoài đã mở 175 công ty với tổng số vốn 31,7 tỉ USD; 9 công ty bảo hiểm nước ngoài thuộc 8 nước đã mở 12 công ty tại Trung Quốc. Các tổ chức tài chính thu hút vốn FDI tập trung tại các thành phố và đặc khu như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hạ Môn, Chu Hải, Thiên Tân…
Năm 2004, Trung Quốc cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh; đưa điều khoản bảo hộ tài sản tư hữu vào Hiến pháp. Căn cứ theo số liệu của Tạp chí Forbes, Trung Quốc có tới 10 tỉ phú USD năm 2005, trong số 691 tỉ phú USD của thế giới.
Năm 2005, Trung Quốc bãi bỏ thuế nông nghiệp; đưa ra nhiệm vụ lịch sử xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Nông dân chiếm hơn 70% dân số Trung Quốc thoát nghèo, một số người và khu vực dần giàu lên. Nhờ đó, trong giai đoạn các  năm 1978 – 2007, người nghèo ở nông thôn từ 250 triệu người giảm xuống còn 14,79 triệu người.
Năm 2007, Luật về Quyền tài sản tư ra đời. Theo Nhân dân nhật báo, tiền dự trữ trong dân đã tăng lên gấp 700 lần trong 30 năm qua. Theo con số thống kê của Tạp chí Forbes tháng 3.2008, số lượng tỉ phú USD của Trung Quốc đã lên tới 42 người; cộng thêm 26 tỉ phú của Đặc khu Hồng Kông, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, để trở thành nước có nhiều tỉ phú nhất châu Á. Ngoài ra, Trung Quốc còn là một trong những nước có nhiều triệu phú nhất thế giới.
Về xếp hạng kinh tế, kể từ năm 2005, nền kinh tế Trung Quốc đã đứng thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Nhật và Đức. Năm 2009, GDP của Nhật Bản đạt 5.100 tỉ đô la Mỹ, chỉ hơn 200 tỉ đô la Mỹ so với GDP của Trung Quốc, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 6 tháng đầu năm 2010, Văn phòng Nội các Nhật Bản, cho biết, GDP của Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt là 2.587,1 tỉ đô la Mỹ và 2.532,5 tỉ đô la Mỹ, tức GDP của Nhật Bản vẫn cao hơn của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ tháng 4 đến tháng 6-2010, tức từ quý 2 vừa qua, GDP của Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt là 1.288,3 tỉ đô la Mỹ và 1.336,9 tỉ đô la Mỹ, tức GDP của Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, với mức tăng trưởng kinh tế trung bình trong quý I-2010 là 11,9%. 
2) Về khoa học công nghệ
Chinh phục vũ trụ: Trung Quốc là nước thứ ba, sau Liên Xô và Mỹ, đưa được tàu vũ trụ có người lái vào quỹ đạo vào năm 2003.  năm 2007, Trung Quốc phóng tầu vũ trụ  Hằng Nga 1 vẽ bản đồ bề mặt Mặt trăng. Ngày 25/9/2008, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 7, mang theo 3 phi hành gia, thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian lần đầu tiên trong lịch sử ngành vũ trụ nước này.
Ngày 1/8/2010, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh thứ 5 thuộc mạng dẫn đường và định vị vệ tinh của nước này lên quỹ đạo, cùng với 4 vệ tinh khác đã được phóng lên quỹ đạo trước đó, tạo thành một mạng dẫn đường và định vị vệ tinh mang tên "COMPASS" chấm dứt sự phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ. Mạng này, dự kiến sẽ gồm 35 vệ tinh, là một phần quan trọng trong hệ thống cơ sở vũ trụ của Trung Quốc nhằm cung cấp các dịch vụ dẫn đường và định vị trong lĩnh vực giao thông, khí tượng học, kiểm soát cháy rừng, dự báo thảm họa, thông tin viễn thông và an ninh công cộng và cung cấp các dịch vụ viễn thông khác trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương trước năm 2012, đồng thời mở rộng  khả năng cung cấp các dịch vụ này trên quy mô toàn cầu vào năm 2020.
Trung Quốc cũng đã hoàn toàn thiết kế và chế tạo ra máy bay cỡ lớn C919. Nó sẽ cạnh tranh trực tiếp với các máy bay A320 của và Boeing 737 sau khi hoàn tất các chuyến bay thử trong vòng 4 năm. Loại máy bay này sẽ được cung cấp cho khách hàng vào năm 2016.
Chế tạo tầu ngầm. Ngày 26/8/2010, Trung Quốc đã tuyên bố trở thành nước thứ 5, sau Mỹ, Nga, Pháp, và Nhật Bản sản xuất được tàu ngầm, có thể hoạt động đạt tiêu chuẩn ở độ sâu hơn 3.000 mét, sau khi phóng thành công một chiếc tàu ngầm có tên JL2 tại vùng biển Đông. Bộ Quốc Phòng Mỹ đã ước tính rằng, Trung Quốc sẽ có 5 tàu ngầm hạt nhân 094 hoạt động vào năm 2010, có khả năng mang 12 tên lửa mang đầu đạn nguyên tử.
Chế tạo vũ khí quân sự: Năm 2009, Trung Quốc đã đóng thành công hàng không mẫu hạm và tự chế tạo được các máy bay chiến đấu, trong đó loại J -10 và FC -1 của Trung Quốc, được coi là đối thủ cạnh tranh với MiG-29 của Nga. Tới đây, Trung Quốc dự kiến sẽ sản xuất ít nhất khoảng 2000 máy bay chiến đấu dòng J -10, J -10B, J -11. Chỉ trong 2 năm gần đây, Trung Quốc đã giảm 62% quy mô giao lưu hợp tác Nga  – Trung trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ quốc phòng và hầu như không ký kết thêm bất cứ hợp đồng mới nào với Nga.
Ngày 11/1/2010, bằng công nghệ tự phát triển, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công Tên lửa đánh chặn, chống vệ tinh lần đầu tiên. Đây là một bước tiến to lớn trong việc nâng cao khả năng phòng thủ trong không gian của Trung Quốc.
Chế tạo siêu máy tính: Ngày 16/11/2010, với hiệu suất hoạt động đột phá 2.57 petaflops (tương đương với bốn triệu tỉ phép tính trên giây), siêu máy tính có tên Thiên Hà–1A đặt tại thành phố Thiên Tân, do Đại học Quốc gia Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc chế tạo, đã được công nhận là siêu máy tính nhanh nhất thế giới. (Còn nữa)
 

TS. NGUYỄN VĂN LẠNG
Thứ trưởng Bộ Khoa học  và  Công nghệ

Các tin khác