Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam từ một đoàn thể quần chúng cấp trung ương, với 15 hội thành viên, đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội hoạt động rộng khắp cả nước, gồm 63 Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 90 hội ngành toàn quốc, hơn 600 tổ chức KH&CN trực thuộc, và với 3,7 triệu hội viên, trong đó có 2,2 triệu là trí thức, bằng 32,5% trí thức cả nước.
Để đạt được những thành tựu về phát triển tổ chức cũng như kết quả hoạt động như ngày nay là sự nỗ lực của toàn thể hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Các nhiệm vụ này thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung qua các nhiệm kỳ Đại hội đáp ứng với sự phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam, phù hợp với quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong từng thời kỳ. Theo đó, phương thức hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam luôn có sự thay đổi thích ứng qua các giai đoạn phát triển của đất nước.
Hiện nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam (Ban hành theo Quyết định số 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ).
Chỉ thị số 42-CT/TW là văn bản thể hiện đầy đủ nhất, toàn diện nhất về quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Nhà nước bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động như các tổ chức chính trị - xã hội khác để thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Theo đó, hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, ngày càng tập hợp được đông đảo và phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức KHCN trong hầu hết các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, phương thức hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu mà thực tiễn đòi hỏi, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay. Một số bất cập có thể được kể đến như: Liên hiệp Hội Việt Nam chưa chủ động, kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai, đánh giá, tôn vinh, thông tin những thành tựu nổi bật về KHCN trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong thực hiện mục tiêu kép của Đảng, Chính phủ và nhân dân trong thời kỳ đang diễn ra đại dịch Covid-19. Về cơ bản, Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội địa phương đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, xong xét theo góc độ từng nhiệm vụ, từng địa phương, từng tổ chức thì chất lượng và hiệu quả đạt được còn có sự khác biệt khá lớn; một nguyên nhân sâu xa, bao chùm có sự có sự khác biệt về phương thức hoạt động và hiệu quả hoạt động đó là LHH địa phương được pháp định là tổ chức Hội đặc thù, tổ chức và hoạt động được Bộ Nội Vụ quy định, do vậy ở địa phương đều do sở nội vụ tham mưu UBND tỉnh quy định, xong rất khác nhau tuỳ từng địa phương.
Hiện nay Liên hiệp Hội Việt Nam đang thực hiện Kết luận số 93-KL/TW, ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư ban hành về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, trong đó chú trọng đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động về các nội dung hoạt động như: Phát huy dân chủ, tôn trọng sự tự do sáng tạo của trí thức KH&CN; chú trọng tập hợp, đoàn kết và vận động trí thức KH&CN; nâng cao chất lượng đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vẫn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KH&CN, chính sách đối với trí thức; tăng cường công tác tôn vinh trí thức; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tích cực tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân…
Từ thực tế trên, yêu cầu bức thiết đặt ra là Liên hiệp Hội Việt Nam cần bước đầu thống nhất một số phương thức hoạt động trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được thể hiện trong Điều lệ và một số văn bản liên quan mà Đảng, Chính phủ, bộ, ngành đã ban hành.
Về phía Liên hiệp Hội địa phương tỉnh Ninh Bình, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi có một số ý kiến tham luận về phương thức hoạt động cho Liên hiệp Hội Việt Nam như sau:
1. Liên hiệp Hội Việt Nam
1.1. Cách tiếp cận về phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam:
- Cách tiếp cận về khái niệm “trí thức KHCN”: Trí thức KHCN được quy định là những người được đào tạo và hành nghề liên quan tới KHCN ở trình độ học vấn từ cao đẳng chuyên nghiệp hoặc cao đẳng nghề trở lên. Lực lượng này trong xã hội, họ đóng góp phần lớn tạo ra các nguồn lực KHCN, các thành tựu KHCN, là động lực quan trong hàng đầu, quyết định sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, xã hội ở các qui mô từ một địa phương, một vùng lãnh thổ, một quốc gia tới qui mô toàn cầu.
- Cách tiếp cận về đối tượng và phạm vi hoạt động của đội ngũ trí thức KHCN: họ là người Việt Nam, người nước ngoài có hoạt động và đóng góp KHCN cho phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác của đất nước Việt Nam. Như vậy họ đang hiện hữu trong các tầng lớp nhân dân, ở mọi lĩnh của cuộc sống, xã hội trên trên mọi miền đất nước; họ trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp cho sự phát triển KHCN không phân biệt không gian và thời gian.
- Từ các cách tiếp cận trên cho chúng ta thấy rõ hơn vị trí, vị thế và chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam, của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ trung ương tới địa phương, của các Hội ngành trung ương. Theo cách hiểu như vậy, những người đang là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ là con số khiêm tốn, hữu hạn, họ có chức năng là nòng cốt, bộ máy được giao nhiệm vụ tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức KHCN đang hoạt động có hiệu quả ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để phát huy trí tuệ và năng lực KHCN trong một chỉnh thể thống nhất, thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước hùng cường.
1.2. Điểm mạnh:
- LHHVN triển khai mọi hoạt động cơ bản theo Điều lệ, chấp hành nghiêm pháp luật, chính sách hiện hành và các quy định liên quan khác.
- Triển khai đồng bộ và hoàn thành có hiệu quả các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
- Tham mưu và thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong tình hình mới.
- Từng bước làm tốt công tác tập hợp và phát huy trí tuệ, năng lực của đội ngũ trí thức KHCN trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội; bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức KHCN và hội viên.
- LHHVN với vai trò là cơ quan đầu não, đã từng bước làm tốt vai trò chỉ đạo, dẫn dắt, phối hợp, hỗ trợ các Liên hiệp Hội địa phương về tổ chức và hoạt động.
1.3. Một số tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2015-2020:
- LHHVN chưa có mô hình tổ chức và hoạt động thống nhất từ trung ương tới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và bộ, ngành, do vậy chưa hình thành được phương thức hoạt động thống nhất, cũng vì đó đã tạo ra nhiều khoảng trống và khác biệt trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong hệ thống Liên hiệp Hội.
- Từ cách tiếp cận còn bó hẹp trong không gian kín, nên LHHVN tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao còn ở mức hạn chế, chưa ngang tầm nhiệm vụ.
- Những kết quả đạt được mà LHHVN nêu ra mới chỉ mang tính thống kê thuần tuý, chưa đánh giá hết những thành tựu, kết quả, hiệu quả, sự ảnh hưởng tích cực của KHCN do đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam mang lại trong tiến trình lịch sử và những thập niên gần đây, đặc biệt những thành tựu KHCN lớn lao trong thời kỳ thích ứng với cuộc CMCN 4.0, những thành tựu KHCN trong xây dựng chính quyền điện tử, sử dụng dịch vụ đô thị thông minh, chuyển đổi số và nhiều nền tảng KHCN hiện đại khác.
1.4. Đề xuất phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian tới:
- Phương thức hoạt động:
+ LHHVN tiếp tục thực hiện phương thực hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ.
+ Mở rộng phạm vi hoạt động theo cách tiếp cận mở với đông đảo đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam.
+ Thể hiện rõ hơn vai trò là đầu não, tăng cường công tác dẫn dắt, phối hợp, hỗ trợ với các Liên hiệp Hội địa phương, Hội ngành trung ương.
+ Khác: Đề xuất một phương thức hoạt động trên cơ sở tham khảo phương thức hoạt động của các Tổ chức Chính trị - xã hội mà họ đang vận hành, ví dụ như: Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam.
- Giải pháp:
+ Rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ chính trị đã dược Đảng và Nhà nước giao, tăng cường các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các hoạt động. Thường trực LHHVN chủ động hỗ trợ và đưa ra giải pháp khả thi cho những Liên hiệp Hội địa phương còn nhiều bất cập trong tổ chức và hoạt động theo quy định.
+ Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thêm các nhiệm vụ quan trọng, lớn đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN trong thời kỳ CMCN 4.0.
+ Làm tốt công tác tập hợp đội ngũ trí thức KHCN, đặc biệt là giới tinh hoa, các nhà khoa học đầu đàn, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế lớn…
+ Đề xuất giải pháp quản lý và hỗ kinh phí cho các chuyên gia, các nhà khoa học khi LHHVN huy động sự đóng góp của họ trong các nhiệm vụ phát triển KHCN.
+ Tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ trong cơ quan LHHVN.
2. Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
2.1. Điểm mạnh
Các địa phương có mô hình tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của Bộ Nội vụ:
- Tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách, ngân sách được UBND tỉnh, thành phố đảm bảo; được UBND tỉnh xếp là tổ chức Hội đặc thù, cùng với Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã, Hội văn học nghệ thuật …
- Phương thức hoạt động theo Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
- Liên hiệp Hội chủ động và tham mưu thực hiện hầu hết các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, chủ động đề xuất triển khai các nhiệm vụ khác liên quan tới phát triển đội ngũ trí thức KHCN trong các chương trình, kế hoạch chung của Chính phủ, Bộ KHCN, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
- Khi triển khai mỗi nhiệm vụ thường được thực hiện bởi các giải pháp khả thi, huy động tối đa các nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.
- Liên hiệp Hội chủ động nêu ra các chính kiến của mình khi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương. Chủ động đề xuất các giải pháp hoặc hiến kế để góp phần giải quyết các vấn đề gai góc trong phát triển KHCN, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
2.2. Một số tồn tại, hạn chế:
Một số địa phương có mô hình tổ chức và hoạt động chưa hoàn chỉnh:
Qua tổng kết thực tế, một số địa phương khi chưa có mô hình tổ chức hoàn chỉnh, hoặc mô hình kiêm nhiệm thì thường triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao mang lại hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, đôi khi chỉ mang tính hình thức. Một khi chúng ta không đủ nguồn lực, thì không thể triển khai thực hiện nhiệm vụ nào đó mang lại hiệu quả cao được.
Phương thức hoạt động của các địa phương này thường bị động, phụ thuộc, khi triển khai nhiệm vụ sẽ gặp nhiều rào cản, do vậy kết quả mang lại sẽ thấp hoặc không có hiệu quả.
2.3. Đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội địa phương:
Xuất phát từ nguyên lý: Mô hình tổ chức quyết định phương thức hoạt động; mô hình tổ chức và hoạt động chuẩn (hợp lý) sẽ quyết định hiệu quả của phương thức hoạt động.
Hiện tại một số Liên hiệp Hội địa phương đã có mô hình tổ chức và hoạt động tương đối chuẩn, theo quy định của Bộ Nội vụ, hiện tại họ được xếp là Hội có tính đặc thù, những Liên hiệp Hội này đã và đang hoạt động có hiệu quả, rất hiệu quả mặc dù còn một số bất cập về cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ do cơ chế quy định.
Điều đầu tiên và quyết định là tất cả 63 tỉnh, thành phố phải được thống nhất một mô hình tổ chức và hoạt động, trước mắt theo mô hình tổ chức và hoạt động của Bộ Nội vụ quy định. Như vậy Liên hiệp Hội địa phương được coi là một đơn vị sự nghiệp, trực thuộc UBND tỉnh.
Phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội địa phương: chúng ta hoạt động đa phương thức, cụ thể:
- Xét về phương thức hoạt động của Hội: chúng ta chấp hành đúng theo Điều lệ;
- Xét theo phương diện chính quyền: Thực hiện theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh;
- Xét theo các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao: Thực hiện theo quyết định, quy chế, điều lệ, quy định được cấp có thẩm quyền quy định; phương thức hoạt động là chấp hành, phối hợp, hỗ trợ …;
- Xét về hoạt động cấp uỷ đảng: chấp hành các quy định về công tác đảng do cấp uỷ cấp trên các cấp quy định.
Giải pháp:
- Liên hiệp Hội địa phương luôn chủ động, tích cực trong tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ chính trị; không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động;
- Mạnh dạn nghiên cứu và đề xuất tham gia thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, cấp thiết, ưu tiên, gai góc mà thực tiễn cuộc sống đặt ra;
- Từng bước tham mưu và thực hiện các nền tảng của cuộc CMCN 4.0, trước mắt là công cuộc chuyển đổi số quốc gia;
- Tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền tăng cường đầu tư các nguồn lực cho Liên hiệp Hội địa phương để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
PGS.TS Đỗ Văn Dung