Để lĩnh vực nông nghiệp có những bước phát triển ổn định và bền vững như những năm qua, việc triển khai thực hiện các mô hình chủ lực trong các lĩnh vực nông, lâm thủy sản là hết sức quan trọng, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị. Bởi vì ứng dụng khoa học công nghệ đã đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu…. phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt lĩnh vực sản xuất giống cây trồng và vật nuôi với giá trị gia tăng đạt đến 38%...
Cùng với sự phát triển chung của cả nước. Với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực của người nông dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, năm năm qua nông nghiệp Ninh Bình đã đạt được những kết quả khá toàn diện: cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… Cùng với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, đã góp phần đưa nông nghiệp Ninh Bình phát triển ổn định theo hướng bền vững. Thể hiện qua việc tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2016- 2020 đạt bình quân 2,02% (đạt mục tiêu Đại hội), giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm 2020 đạt 135 triệu (vượt mục tiêu Đại hội). Đạt được những kết quả đó, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thực hiện rất nhiều các mô hình chủ lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có hiệu quả cao, có khả năng nhân ra diện rộng, từ đó, các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân, đặc biệt là người nông dân học tập, nhân ra diện rộng, góp phần chung vào sự phát triển của ngành.
Với vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng từ thành công của các mô hình chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, việc đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và sản xuất, từ đó xây dựng định hướng, kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo là hết sức cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu đó, nhóm tác giả xây dựng báo cáo chuyên đề “Một số mô hình chủ lực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị, sản xuất theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025”.
Mục tiêu cụ thể của báo cáo chuyên đề:
1. Tổng hợp kết quả các mô hình chủ lực trong phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản có hiệu quả đã và đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.
2. Định hướng chiến lược và đề xuất các giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025.
II. KẾT QUẢ
Trong những năm qua nông nghiệp Ninh Bình đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Các mô hình thực sự mang lại hiệu quả cao, nhiều mô hình đã được nhân ra diện rộng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương thức xuất của người nông dân. Cụ thể:
1. Tổng hợp chung thực hiện các mô hình thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản giai đoạn 2015-2020
1.1. Lĩnh vực Trồng trọt
Các mô hình thuộc lĩnh vực Trồng trọt chiếm 47% tổng số mô hình, đề tài, dự án, trong đó 64% số mô hình được đánh giá có khả năng nhân rộng nhanh. Các mô hình, đề tài, dự án trong lĩnh vực trồng trọt đã góp phần hình thành, phát triển vùng sản xuất hàng hóa an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng được các hợp tác xã ngành hàng, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát huy tốt lợi thế sản phẩm bản địa và lợi thế vùng miền, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như vùng sản xuất rau, vùng sản xuất dược liệu, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp. Xây dựng được nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu trên đất trồng lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao. Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Các mô hình, đề tài, dự án trong lĩnh vực trồng trọt đã góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác (từ 95,6 triệu đồng/ha năm 2015 đến năm 2020 ước đạt 135 triệu đồng/ha).
1.2. Lĩnh vực Chăn nuôi
Lĩnh vực Chăn nuôi chiếm 16% các mô hình, đề tài, dự án đã triển khai. Trong đó có 44% các mô hình chăn nuôi được đánh giá có khả năng nhân rộng nhanh. Các mô hình, đề tài, dự án trong lĩnh vực chăn nuôi tập trung chuyển giao về công tác giống, đối tượng con nuôi có tiềm năng, năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với lợi thế của từng địa phương; các chương trình phát triển chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo ra hướng chăn nuôi an toàn, bền vững. Đẩy mạnh phát triển các con nuôi chủ lực như phát triển đàn lợn, gia cầm, đàn trâu bò, con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân, đặc biệt một số con nuôi phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương như bảo tồn và phát triển đàn dê núi. Từng bước chuyển dịch sản xuất theo hướng gia trại, trang trại tập trung bán công nghiệp, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị sản xuất của toàn ngành.
1.3. Lĩnh vực Thủy sản
Lĩnh vực thủy sản chiếm 28% tổng số mô hình, đề tài, dự án trong đó gần 80% mô hình được đánh giá có khả năng nhân rộng nhanh. Các mô hình trong lĩnh vực Thủy sản tập trung xây dựng và mở rộng các vùng ương nuôi giống thủy sản nhằm chủ động cung ứng giống cho các địa phương trong tỉnh. Tập trung phát triển các đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế cao như Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá trắm...Mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, nước mặn, lợ theo hướng tập trung, chuyên canh. Đẩy mạnh xây dựng mô hình nhằm chuyển đổi vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang hình thức nuôi chuyên canh hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đã góp phần hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung có giá trị kinh tế cao như Vùng nước lợ huyện Kim Sơn, nuôi cá trũng huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô. Thủy sản là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong toàn ngành và còn nhiều dư địa để phát triển.
1.4. Lĩnh vực Lâm nghiệp
Lâm nghiệp chiếm 9% các mô hình, đề tài, dự án triển khai. Trong đó có 58% các mô hình được đánh giá có hiệu quả, khả năng nhân rộng. Các mô hình trong lĩnh vực Lâm nghiệp tập trung xây dựng các mô hình trồng, cải tạo, làm giàu rừng, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng. Hỗ trợ xây dựng các vườn ươm, cung cấp giống có năng suất, chất lượng cao.
1.5. Các mô hình tổng hợp
Xác định việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những khâu then chốt quyết định hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Trong những năm gần đây Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng nhiều mô hình theo hướng an toàn thực phẩm, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo sản phẩm lợi thế, đặc sản của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhiều sản phẩm có thể cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
2. Kết quả thực hiện một số mô hình chủ lực có sức lan tỏa
2.1. Lĩnh vực Trồng trọt
(1) Mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: Là xu hướng tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được coi là điều kiện tiên quyết nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, Sở đã tập trung hỗ trợ đầy đủ các loại máy từ máy làm đất, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy cuộn rơm. Đến nay, gần 100% diện tích đã được làm đất bằng máy; trên 80% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập; máy cuộn rơm đã được đưa thành công nhằm tận dụng rơm rạ sau thu hoạch làm nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi Bò và phát triển nghề làm nấm.
(2) Mô hình chuyển đổi đất lúa, đất màu, màu đồi kém hiệu quả sang trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn: Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất các đối tượng cây trồng, các mô hình phát triển tổng hợp khác nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, khai thác tối ưu hiệu quả của đất nông nghiệp. Sở đã thực hiện mô hình chuyển đổi đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi với giống cỏ Parkchong, VA06. Cỏ sau khi trồng 70 ngày được thu hoạch lứa đầu tiên và có thể thu hoạch 7-8 vụ trong năm, đạt năng suất khoảng 250-300 tấn/ha/năm, thu nhập cao hơn trồng lúa từ 70-75 triệu đồng/ha, tạo nguồn thức ăn chủ động để phát triển chăn nuôi Bò; Mô hình Cải tạo vườn tạp sang trồng cây Ổi Đài Loan, năng suất ổn định từ năm thứ 3 trở đi trung bình đạt 40kg quả/cây/năm, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng/ha/năm. Mô hình chuyển đổi đất lúa màu kém hiệu quả sang trồng chuối kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Sau 15 tháng trồng và chăm sóc sẽ cho thu hoạch với tỷ lệ 85%, trọng lượng buồng đạt 20kg, tổng thu đạt 272 triệu/ha lợi nhuận đạt khoảng 172 triệu đồng/ha. Nhìn chung, các mô hình chuyển đổi đều mang lại giá trị trên đơn vị diện tích cao hơn so với trồng lúa.
(3) Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ: Đi đầu là mô hình Mạ khay - Cấy máy kết hợp sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Gieo mạ khay tự động, đưa máy cấy, sử dụng phân bón hữu cơ, công cụ làm cỏ vào sản xuất lúa được xác định là hướng đi tất yếu, cần kíp trong bối cảnh nền nông nghiệp đang chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô hàng hóa lớn, sản phẩm nông nghiệp đang đề cao giá trị của nông sản sạch, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Năm 2019, Sở đã đưa mô hình vào triển khai. Lúa sau khi cấy sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, hạn chế cỏ dại. Năng suất lúa tương đương và cao hơn lúa cấy tay truyền thống, lúa gieo thẳng. Cấy máy tiết giảm được công lao động, khắc phục được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhất là thuốc trừ cỏ, trừ ốc, tạo dòng sản phẩm sạch, giá bán cao hơn lúa đại trà bình quân 30-50%, lợi nhuận đạt 28,6 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn so với sản xuất đại trà 10,5 triệu đồng/ha/vụ). Việc đưa thành công mô hình là điều kiện để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Đây là hướng đi mới, là tiền đề tạo vùng sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ.
(4) Hỗ trợ sản xuất lúa nếp hạt Cau: Hỗ trợ, khuyến khích người dân bảo tồn và mở rộng diện tích sản xuất giống lúa nếp hạt cau các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh và Kim Sơn. Đây là giống có khả năng kháng bệnh cao, chất lượng gạo tốt, gạo dẻo thơm ngon, có giá trị thương mại cao gấp 2-3 lần so với lúa thông thường, năng suất trung bình dao động từ 37-45 tạ/ha. Sau khi thu hoạch, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Quang Minh đã trực tiếp thu mua lúa của các xã viên thuộc Hợp tác xã nông nghiệp tham gia dự án. Diện tích lúa nếp hạt cau được mở rộng trên 1.500 ha và tại một số địa phương đã hình thành những vùng sản xuất tập trung nhất định theo hướng hàng hóa hoặc liên kết tiêu thụ sản phẩm.
(5) Mô hình Thâm canh lúa cải tiến SRI trên diện rộng: Hệ thống thâm canh lúa cải tiến “SRI” là sự kết hợp hài hoà các biện pháp canh tác, bón phân, điều tiết nước hợp lý và phòng trừ dịch hại theo IPM nhằm tạo điều kiện cho cây khoẻ tăng cường khả năng chống đổ, chống chịu các đối tượng dịch hại, giảm chi phí sản xuất đặc biệt là giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 1-2 lần/vụ; giảm lượng phân hóa học 15-20%; giảm số lần tưới nước trong vụ, giảm lượng giống, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường sinh thái. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hàng vụ, hàng năm đã phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền khuyến cáo cho nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật của hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI). Đến nay có khoảng 70% xã áp dụng thâm canh lúa cải tiến “SRI” từng phần và 20% số xã áp dụng thâm canh lúa cải tiến “SRI” toàn phần.
2.2 Lĩnh vực Chăn nuôi
(1) Dự án chăn nuôi lợn, gà hữu cơ tại xã Gia Hòa huyện Gia Viễn: Mục đích nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi lợn và chăn nuôi gà hữu cơ chất lượng, an toàn trên cơ sở quy trình quản lý từ chọn giống, sản xuất giống an toàn dịch bệnh, thức ăn hữu cơ và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, kích thích sinh trưởng trong quá trình chăn. Quy mô hỗ trợ: 44 lợn cái Móng Cái thuần, 01 lợn đực Du75, toàn bộ lợn con lai F1 được nuôi theo quy trình kỹ thuật của cơ sở theo hướng hữu cơ an toàn và 3.500 gà Ri thuần giống bố mẹ. Dự án triển góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi mới theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn, khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, hình thành xu thế mới, hướng đi mới trong việc cung cấp sản phẩm sạch, an toàn hữu cơ... Từng bước xoá bỏ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng nguyên liệu lớn cung ứng giống và thịt chất lượng cao ổn định cho thị trường.
(2) Mô hình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt: Nhằm tiếp tục nâng cao năng suất, tầm vóc đàn bò địa phương, tạo đàn bò nái nền tốt. Mô hình thực hiện song song bằng 2 phương pháp (phối giống trực tiếp bằng Bò đực giống và phương phụ thụ tinh nhân tạo). Trong 05 năm, Trung tâm đã hỗ trợ 30 con bò đực giống lai Zebu phối giống cải tạo cho trên 3000 bò cái sinh sản; chuyển giao 2.700 liều tinh bò ngoại (Brahman, BBB, Wayu) phối giống cho 1.350 bò cái sinh sản, tạo ra 1.138 bê lai trên toàn tỉnh. Mô hình tiếp tục góp phần nâng cao thể vóc đàn bò địa phương khi trưởng thành con đực nặng từ 300 - 350kg (Bò BBB từ 400-600kg), con cái từ 250-300kg, tỷ lệ thịt xẻ cao trên 50%, cao hơn bò địa phương 10-15%, nâng tỷ lệ bò lai Zebu trên toàn tỉnh lên trên 80%.
(3) Mô hình sử dụng Dê đực giống lai Boer để cải tạo phát triển đàn dê theo hướng thịt: Chuyển giao giốngdê đực Boer là giống có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm cải tạo giống và mở rộng quy mô đàn dê địa phương theo hướng chuyên thịt, phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch của địa phương. Trung tâm đã hỗ trợ hàng trăm con Dê đực giống Boer. Dê lai Boer thưởng phẩm có trọng lượng cao hơn so với dê lai Bách Thảo và dê bản địa từ 4 - 8kg/con. Tỷ lệ thịt xẻ tăng 10 - 12% so với dê lai Bách thảo và dê cỏ. Chất lượng thịt mềm, thơm ngon, hiệu quả kinh tế tăng 8-10% so với dê lai Bách thảo và dê cỏ, góp phần nâng tổng đàn dê trên địa bàn toàn tỉnh.
(4) Sử dụng công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi lợn thịt: Quy mô 90 con lợn thịt {(landrace xYorkshire) x Duroc}, tại xã Gia Phú, huyện Gia Viễn và xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh.Nuôi lợn chuồng kín có sự kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ, ẩm độ, phù hợp với cơ chế sinh học của đàn lợn và hạn chế được các yếu tố bất lợi của môi trường tác động đến sinh trưởng phát triển của đàn lợn. Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng lợn đạt trung bình 107 kg/con, giá thành 37.900 đồng/kg, giá bán 46.000 đ/kg. Mô hình cho lợi nhuận 78,030 triệu đồng.
(5) Sản xuất giống gia cầm: Đây là mô hình chăn nuôi gà giống bố, mẹ của cơ sở Trọng Hương để sản xuất ra gà giống thương phẩm với quy mô chăn nuôi: 10.000 gà bố mẹ. Mô hình được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi như: con giống, kỹ thuật phòng và trị bệnh trên đàn gà đẻ, kỹ thuật chăn nuôi gà đẻ, kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, kỹ thuật ấp nở, đầu tư máy ấp hiện đại, xây dựng chuồng kín nhằm đảm bảo tối ưu các điều kiện về chăn nuôi như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng,…vì thế mà năng suất chăn nuôi có thể đạt tối đa, giảm tỷ lệ mắc bệnh và chết của gà đẻ, dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ ấp nở cao, đáp ứng một phần nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền trung. Mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả góp phần mang lại thu nhập cho người chăn nuôi, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Đây là cơ sở chăn nuôi đã được Chi cục Thú y cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.
2.3. Lĩnh vực Thủy sản
(1) Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà bạt: Quy mô 0,4 ha, tại xã Kim Hải và thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn. Mô hình áp dụng qui trình công nghệ tiên tiến như Semi Biofloc, lọc sinh học bằng các chủng vi sinh vật có lợi. Người nuôi có thể chăm sóc, quản lý ao nuôi theo hướng chủ động, đặc biệt là việc quản lý yếu tố nhiệt độ, pH, oxy và phòng trị bệnh cho tôm. Thời gian nuôi quanh năm, tránh được tình trạng “được mùa mất giá” trong sản xuất. Năng suất đạt trên 22 tấn/ha/vụ, lợi nhuận đạt 300-400 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2018, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt 20 ha, đến năm 2020 diện tích mở rộng ước đạt 70 ha, tại các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải - huyện Kim Sơn.
(2) Mô hình nuôi thâm canh cá trắm cỏ, chép lai trong ao nổi sử dụng chế phẩm sinh học: Quy mô 1,5 ha, tại xã Gia Vân, huyện Gia Viễn. Mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi thâm canh cá nước ngọt trong ao nổi sử dụng chế phẩm sinh học, tiết kiệm chi phí xây dựng, đặc biệt phù hợp với quy hoạch vùng trũng chuyển đổi. Năng suất đạt trên 14 tấn/ha, lợi nhuận đạt 120 - 250 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2018, diện tích nuôi cá trắm cỏ, chép lai thâm canh trong ao nổi sử dụng chế phẩm sinh học đạt 35 ha, đến năm 2020 ước đạt 50 ha, tập trung tại huyện Gia Viễn, Nho Quan và huyện Yên Mô.
(3) Mô hình chuyển đổi diện tích vùng trũng sang nuôi chuyên canh cá Trắm đen: Triển khai tại huyện Nho Quan, Gia Viễn. Mô hình ứng dụng công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học và lắp đặt một số máy móc thiết bị công nghệ, giúp cá sinh trưởng nhanh, nâng cao tỷ lệ sống, tăng năng suất. Năng suất đạt trên 13 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 185 triệu đồng/ha/vụ nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ước có khoảng 30 ha diện tích nuôi theo hình thức này tập trung một số xã huyện Gia Viễn, Nho Quan.
(4) Dự án Hỗ trợ sản xuất giống ngao cám: Quy mô 3,5 ha tại huyện Kim Sơn. Sản lượng: 1.426 triệu ngao cám. Dự án được triển khai trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực, sản lượng con giống sản xuất tại địa phương, cung cấp đủ nhu cầu con giống cho vùng nuôi và xuất đi các tỉnh, hoàn thiện quy trình công nghệ trong quá trình sản xuất giống thích ứng với điều kiện tự nhiên của vùng. Hiện nay vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn có trên 200 cơ sở sản xuất giống ngao, hàu. Giống ngao, hàu sản xuất trong tỉnh được đánh giá chất lượng tốt, phục vụ cho nhu cầu con giống trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…
(5) Dự án hỗ trợ ương giống cá Trắm cỏ bằng công nghệ vi sinh: Quy mô 3,2 ha, tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh. Năng suất trung bình 9,617 tấn/ha cao hơn so với các hộ ương giống không sử dụng công nghệ vi sinh trong vùng từ 20 - 30%, lãi 86,172 triệu đồng/ha. Con giống đầu ra khỏe mạnh không có dấu hiệu bệnh, mở rộng được quy mô phát triển giống cá nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất của người nuôi. Năm 2018, diện tích ương cá trắm cỏ bằng công nghệ vi sinh đạt 8,2 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Yên Khánh (Khánh Nhạc, Khánh Hồng, Khánh Thành, Khánh Tiên), huyện Yên Mô (Yên Hòa), huyện Gia Viễn (xã Gia Xuân, Gia Hòa, Gia Vượng). Năm 2020 diện tích mở rộng ước đạt 13 ha.
2.4. Lĩnh vực Lâm nghiệp
(1) Mô hình phát triển kinh tế đồi rừng: Tổng quy mô 7,2 ha, kinh phí 240 triệu đồng với đối tượng cây Bưởi xanh, Na dai tại Gia Sinh, huyện Gia Viễn; Keo tai tượng, Xoan đào, Sả tại Yên Thắng, huyện Yên Mô, Sưa đỏ bản địa tại xã Cúc Phương, huyện Nho Quan và xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Đã hướng dẫn trồng, hỗ trợ cây giống, phân bón, dụng cụ sản xuất, hệ thống tưới nước tiết kiệm. Cây trồng tại các mô hình phát triển tốt, không sâu bệnh, tỷ lệ sống cao, góp phần vào việc đẩy nhanh tỷ lệ che phủ đất trống đồi núi trọc, giảm công chăm sóc, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
(2) Dự án phát triển cây Bùi Kỳ Lão (Trám): Quy mô 6,9ha tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan. Chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Bùi Kỳ Lão. Với việc phát triển cây Trám ghép có ưu điểm lànhanh cho thu hoạch quả, thừa hưởng được các đặc tính tốt từ cây mẹ, hệ số nhân giống cao, cây có bộ khung tán thấp nên thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh. Tỷ lệ cây sống đạt khoảng 70%.
(3) Mô hình phát triển giống Keo tai tượng trên địa bàn huyện Nho Quan: Quy mô 270.000 cây, tại xã Kỳ Phú, Nho Quan bằng giống Keo úc. Hỗ trợ 4,5 kg hạt giống và vật tư cho 01 hộ gia đình gieo ươm tạo ra khoảng 270.000 cây keo giống, tổng giá trị đạt khoảng 400 triệu đồng. Số cây keo này cung cấp cho các hộ gia đình có nhu cầu trồng rừng trên địa bàn huyện Nho Quan và khu vực lân cận.
(4) Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong trồng cây ăn quả vùng đồi Tam Điệp: Quy mô 2,3 ha, tại 3 điểm thuộc xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp cho các đối tượng là cây Thanh Long, cam, bưởi. Đã hoàn thiện lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm tại 3 điểm. Hình thức tưới phun mưa cục bộ tại gốc mỗi gốc một béc phun mưa cục bộ, gốc cây to lắp 2-3 béc. Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, mỗi lần tưới cho 01 ha tiết kiệm được 2 công lao động và 19 m3 nước, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, công nghệ tưới mới này sẽ góp phần phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
2.5. Lĩnh vực tổng hợp
(1) Đề án thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm tại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh và xã Yên Thái, huyện Yên Mô: Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương thức sản xuất của người dân. Sau 2 năm thực hiện, đến hết năm 2017 cả 2 xã đã được cấp giấy Chứng nhận là xã sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với Xã Khánh Thành, năm 2017 giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 139 triệu đồng/ha/năm vượt mục tiêu Nghị quyết 05 đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 130 triệu/ha/năm. Chứng nhận 02 cơ sở sản xuất trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm. Xã Yên Thái, huyện Yên Mô giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 126 triệu đồng/ha/năm. Chứng nhận 04 cơ sở sản xuất trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó 02 ha rau đã được chứng nhận VietGAP. Với sự thành công bước đầu tại 2 xã điểm, năm 2018 các huyện, thành phố tiếp tục lựa chọn 13 xã để nhân rộng theo mô hình trên.
(2) Dự án sản xuất lúa đặc sản hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản: Đã sản xuất được lúa đặc sản theo hướng hữu cơ; con nuôi thủy sản có tỷ lệ sống cao, phát triển tốt; tổ chức thành lập các hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Khánh Trung; Tổ hợp tác nông nghiệp hữu cơ Khánh Nhạc; giá trị/ha đất canh tác bình quân đạt 302 triệu đồng/ha/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết 05 đến năm 2030 đạt 200 triệu/ha/năm; Lãi thu được bình quân 93,3 triệu đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất 2 vụ lúa thông thường gần 3 lần (lãi từ sản xuất 2 vụ lúa là 32 triệu đồng/ha/năm). Kết quả dự án là cơ sở để nhân ra diện rộng, cải tạo đất đã bị ô nhiễm nhiều năm, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
(3) Mô hình Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Tổng quy mô 15,4ha, gồm liên kết tiêu thụ rau quả tại Mai Sơn, huyện Yên Mô; liên kết sản xuất tiêu thụ Đinh Lăng tại xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn; liên kết tiêu thụ Nấm tại tổ hợp tác nấm xã Khánh An huyện Yên Khánh. Thực hiện các hoạt động sản xuất trên đồng ruộng. Xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn thông qua hợp đồng. Đối với liên kết tiêu thụ rau quả đã tạo ra khối lượng cây trồng, rau, củ an toàn cung cấp cho người tiêu dùng đảm bảo chất lượng, giảm chi phí khoảng 73% công lao động, tăng năng suất, doanh thu đạt 125,68 triệu đồng/vụ, lợi nhuận 85,882 triệu đồng/ha/vụ. Đối với liên kết sản xuất và tiêu thụ Đinh lăng, sau 3 năm doanh thu đạt 1,25 tỷ đồng/ha, lợi nhuận là 950 triệu đồng/ha. Đối với liên sản xuất và tiêu thụ nấm, giảm 50% công lao động, nấm được bảo quản tốt hơn, ít bị dập nát, hư hỏng.
(4) Dự án phát triển vùng chăn nuôi gà lai Đông Tảo tại xã Đồng Phong huyện Nho Quan: Mục đích Xây dựng vùng chăn nuôi gà lai Đông Tảo hàng hóa theo lợi thế địa phương; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, tổ hợp tác hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi, tư vấn kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hình thành nghề chăn nuôi gà chuyên nghiệp, tạo công ăn việc làm ổn định, từng bước làm giàu cho người chăn nuôi, ổn định đời sống kinh tế, xã hội địa phương. Quy mô hỗ trợ: 40.000 con gà. Dự án thành công góp phần từng bước hình thành nghề chăn nuôi gà thịt theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
3. Một số khó khăn trong việc thực hiện các mô hình chủ lực
3.1 Khó khăn, tồn tại
- Sản xuất nông nghiệp mang tính chất mùa vụ và chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết, khí hậu do đó ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng của mô hình.
- Việc dự báo nhu cầu, nắm bắt thông tin thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn gặp không ít khó khăn.
- Chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa phát huy hết hiệu quả, số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, liên kết, tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp còn ít, nhất là doanh nghiệp có tiềm lực lớn về tài chính.
- Cơ chế, chính sách của trung ương chậm được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Việc tổ chức thực chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực tài chính, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện.
- Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương chưa có tính bền vững, thường xuyên biến động.
3.2. Nguyên nhân của những khó khăn tồn tại
- Đầu tư của Nhà nước cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn thấp so nhu cầu, trong khi đó nguồn lực trong dân còn hạn chế; vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các chương trình, dự án mang tính chất hỗ trợ sản xuất và sinh lợi còn thấp.
- Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất còn hạn chế, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông phục vụ cho phát triển vùng nguyên liệu chưa được đầu tư đúng mức.
- Quy mô sản xuất của hộ nông dân trong tỉnh nhỏ, ruộng đất, chuồng trại và tư liệu sản xuất khác không nhiều, còn manh mún gây khó khăn cho cơ giới hoá sản xuất; sản phẩm hàng hóa ít, khó giữ được vùng nguyên liệu ổn định khi giá cả thị trường biến động; Mối liên kết giữa công ty, doanh nghiệp với người sản xuất chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng phá vỡ hợp đồng của các bên gây mất uy tín.
- Ngoài các chính sách mới được ban hành cho phù hợp với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, việc tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém. Nhìn chung, chủ trương chính sách ban hành nhiều nhưng thực hiện chưa triệt để do thiếu nguồn lực tài chính, thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc. Trách nhiệm của các cấp uỷ và chính quyền các cấp còn hạn chế.
4. Nhiệm vụ giải pháp phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025
4.1. Phương hướng, quan điểm
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo tiêu chí chất lượng, giá trị, hiệu quả; tăng cường cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy nội lực của người dân và cộng đồng dân cư là chính; Nhà nước có vai trò lãnh đạo, điều hành và hướng dẫn và hỗ trợ một phần nguồn lực là điều kiện để phát triển.
4.2. Mục tiêu
Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia,tăng, ứng dụng nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với sản phẩm có lợi thế, gắn kết thị trường tiêu thụ; xây dựng các chuỗi giá trị nông sản dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực và sản phẩm đột phá, hiệu quả cao; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, tiên tiến, bền vững.
4.3. Các giải pháp chủ yếu
(1). Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở khung chính sách hỗ trợ do Trung ương ban hành có kế thừa và phù hợp với thực tiễn Ninh Bình.
(2). Tập trung tuyên truyền, quán triệt rộng rãi định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và của Tỉnh.
(3). Tập trung triển khai, thực hiện đúng, đủ các chính sách hỗ trợ được Hội đồng nhân dân ban hành tại Nghị quyết mới, gồm 5 nhóm như sau:
(4). Xây dựng, phát triển các vùng, khu sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, quy mô phù hợp, theo đơn vị hành chính, vận dụng tối đa các cơ chế chính sách để hỗ trợ, cả về sản xuất và hạ tầng trong, ngoài vùng dự án.
(5) Đẩy mạnh và tập trung tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ.
(6). Nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu gieo trồng, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản.
(7). Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển cây, con có giá trị kinh tế cao hơn theo kế hoạch được duyệt.
(8). Tiếp tục khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Kết quả phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015- 2020 có sự đóng góp không nhỏ từ việc thực hiện các mô hình chủ lực, hiệu quả cao, có sức lan tỏa để nhân ra diện rộng trên địa bàn tỉnh. Là điểm thăm quan, học tập kinh nghiệm của bà con nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, từ đó phát triển, mở rộng theo đúng định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung của cả tỉnh.
Từ thực tiễn thành công, sức lan tỏa của các mô hình chủ lực trên địa bàn, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ việc quy hoạch, xây dựng chính sách, tuyền truyền vận động, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện các mô hình chủ lực trên địa bàn, đưa ra các giải pháp mới cho giai đoạn 2021-2025 phù hợp với xu thế, định hướng, tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Bình.
2. Đề xuất một số giải pháp chủ yếu, khả thi cho giai đoạn 2021- 2025
2.1. Xây dựng các mô hình, đề tài, dự án theo chuỗi giá trị
- Xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã ngành hàng nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế.
- Đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo nội dung của Nghị định số: 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong đó chú trọng đến bố trí nguồn vốn, cải cách các thủ tục.
- Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý gắn với phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa. Xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch trải nghiệm.
- Xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao như: vùng nước mặn, lợ huyện Kim Sơn; vùng nuôi trồng thủy sản ruộng trũng huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô. Hình thành vùng sản xuất, ương giống tập trung có chất lượng cao cung cấp cho vùng nuôi.
- Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đặc biệt là cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh để chủ động phòng, chống bệnh dịch Tả lợn Châu Phi.
2.2. Sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ:
Đẩy mạnh xây dựng các mô hình hữu cơ, theo hướng hữu cơ. Áp dụng quy trình sản xuất sử dụng cây giống, phân bón hữu cơ, thân thiện với môi trường; các quy trình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, con nuôi được sử dụng thức ăn hữu cơ, đảm bảo phúc lợi động vật. Trước mắt tập trung xây dựng mô hình sản xuất lúa, rau quả theo hướng hữu cơ, mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ. Tăng cường các hoạt động xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ.
2.3. Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao
Đẩy mạnh xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp từ khâu chọn giống, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến như: Mô hình mạ khay cấy máy, sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất lúa; mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới, nhà kính; các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả tại các vùng đồi; các mô hình thực hành quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); các mô hình nuôi thủy sản thâm canh, siêu thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi trong nhà lưới; các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn./.
PGS.TS Đỗ Văn Dung