Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Một số thông tin về bệnh ung thư trên thế giới và ở Việt Nam

Thứ Hai, 29/10/2018
1. Tình hình ung thư trên thế giới
Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 14,1 triệu người mắc mới ung thư, 8,2 triệu người chết do ung thư. Trong đó khoảng 70% là ở các nước đang phát triển. Toàn cầu có khoảng 23 triệu người đang sống chung với ung thư, nếu không can thiệp kịp thời thì con số này sẽ tăng lên 30 triệu vào năm 2020.
Một số bệnh ung thư thường gặp: Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Ung thư vú là  nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các quốc gia phát triển. Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các quốc gia đang phát triển. Ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 ở cả nam và nữ.

Tại các nước phát triển, ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 chỉ sau bệnh lý tim mạch.

Tại các nước đang phát triển, tử vong do ung thư đứng hàng thứ 3 sau bệnh nhiễm trùng/ký sinh trùng và tim mạch.

Theo công bố của Tổ chức y tế thế giới (WHO): 50 nước đứng đầu về tỷ lệ người tử vong do ung thư và mắc ung thư được xếp vào top 1. Việt Nam nằm trong top 2, đứng ở vị trí 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng và tỷ lệ tử vong do ung thư là 110 ca/100.000 người.

Bảng 1. Số liệu các ca ung thư mới mắc trên thế giới dự kiến vào năm 2020

(Đơn vị tính: triệu người)


2. Tình hình ung thư ở Việt Nam

Ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 trường hợp mới mắc ung thư và 75.000 ca tử vong do ung thư.

Năm 2012 có 520.000 ca tử vong các loại, trong đó có 73% do các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, phổi mạn tính, đái tháo đường).

Bảng 2. Số lượng ung thư mới mắc ở nam giới


Bảng 3. Số lượng ung thư mới mắc ở nữ giới


3. Nguyên nhân gây ung thư và cách phòng chống

3.1. Nguyên nhân gây ung thư

3.1.1. Khói thuốc lá

Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc là ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5-8 năm; Trong khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơnm 200 loại có hại cho sức khỏe, có hơn 50 chất gây ung thư đã được khẳng định trong khói thuốc lá; Là nguyên nhân chính gây ung thư phổi (gần 90%); Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc cao gấp 22 lần so với nam giới không hút thuốc.

3.1.2. Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống có liên quan mật thiết đến phòng chống ung thư và gây ung thư. Vùng Đông Nam châu Á, trẻ em ăn nhiều cá muối có xu hướng mắc bệnh ung thư vòm họng; Béo phì ở phụ nữ lớn tuổi là một nguyên nhân quan trọng gây ung thư nội mạc tử cung; Tiêu thụ một lượng lớn loại đồ uống có cồn, đặc biệt là đối với người hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường hô hấp trên, đường tiêu hóa, xơ gan do rượu dẫn tới ung thư gan.

3.1.3. Bức xạ: Tia cực tím B gây ra hơn 90% ung thư da (trong đó có ung thư hắc tố)

3.1.4. Công việc, thuốc và vi khuẩn

Các chất gây ung thư: a-mi-ăng, benzen, formaldehyd, khói diesel và radon; Các loại ung thư có liên quan đến nghề nghiệp: ung thư phổi, da, bàng quang, hệ tạo máu; Các thuốc ức chế miễn dịch cũng có thể gây ung thư; Các loại virus và các tác nhân gây nhiễm khuẩn là các nguyên nhân gây ung thư ở các nước phát triển.

3.1.5. Ô nhiễm môi trường

Các chất gây ô nhiễm môi trường có thể gây ra 2% các loại ung thư: ung thư phổi, bàng quang; Tiếp xúc lâu dài với không khí bị ô nhiễm nặng có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi lên khoảng 50%.

3.1.6. Các yếu tố sản khoa, sinh sản

Đối với phụ nữ có kinh sớm, có thai lần đầu muộn và mãn kinh muộn có xu hướng gia tăng ung thư vú.

3.1.7. Những khác biệt về kinh tế-xã hội

Đói nghèo được coi là nguyên nhân sâu xa bởi nó liên quan tới hút thuốc, uống rượu, sử dụng thực phẩm nghèo dinh dưỡng, tiếp xúc với một số tác nhân gây nhiễm khuẩn cũng là xu hướng gây ung thư; Ngược lại, vì một vài lý do, ung thư vú, tuyến tiền liệt lại thường gặp hơn trong nhóm có điều kiện kinh tế-xã hội cao hơn.

3.2. Phương pháp phòng chống

3.2.1. Phòng bệnh bước 1

Bỏ thói quen hút thuốc lá; Cải thiện điều kiện làm việc và kiểm soát chặt chẽ nơi làm việc của công nhân có tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại; Bảo đảm chế độ ăn uống, sử dụng thuốc hợp lý; Tránh môi trường ô nhiễm.

3.2.2. Phòng bệnh bước 2

Khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư (vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, dạ dày, buồng trứng, phổi, đại trực tràng…); Nên thăm khám định kỳ ít nhất 1 lần/năm; Lứa tuổi: tùy thuộc vào nhu cầu phát hiện sớm loại ung thư nào, yếu tố nguy cơ cao, gia đình…

4. Các phương pháp chẩn đoán ung thư

Khoảng 10-15 năm gần đây, các tiến bộ trong chẩn đoán: như sinh hóa, huyết học, chẩn đoán hình ảnh… đều đã được ứng dụng trong chẩn đoán ung thư. Đặc biệt, chẩn đoán tế bào - mô bệnh học, sinh học phân tử, đã làm tăng độ chính xác của chẩn đoán.

Sơ đồ1. Các phương pháp chẩn đoán ung thư

5. Các phương pháp điều trị ung thư

- Các bệnh viện, trung tâm, khoa ung bướu: triển khai các phương pháp điều trị ung thư như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ - Về xạ trị: gia tốc, nhiều kỹ thuật được áp dụng như điều biến liều, điều trị thay đổi theo hình thái khối u…

- Đặc biệt áp dụng đa mô thức trong điều trị ung thư.

- Kết hợp y học cổ truyền, thực phẩm chức năng trong hỗ trợ điều trị.

Sơ đồ 2. Các phương pháp điều trị ung thư

6. Khảo sát về tài chính trong chi phí cho ung thư

- Năm 2012, nghiên cứu 6 loại ung thư: ung thư vú, đại trực tràng, cổ tử cung, gan, khoang miệng, dạ dày chi phí trực tiếp và gián tiếp là 26.000 tỷ đồng, bằng 0.22% GDP của Việt Nam.

- Nghiên cứu về tài chính trong điều trị ung thư cho thấy: gia đình có bệnh nhân ung thư phải chịu hệ lụy về mặt tài chính:

+ 1/3 người bệnh không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh

+ 22% không thể thanh toán chi phí đi lại

+ 24,37% gia đình rơi vào tình trạng khánh kiệt (không có khả năng chi trả chi phí thường xuyên như điện, nước, ga…) phải vay mượn thậm chí có 9% trong đó phải bán đất đai, tài sản…

7. Sự hiểu biết về ung thư

Khảo sát người dân trong cộng đồng cho thấy:

- Hiểu biết cơ bản về ung thư còn rất thấp: 35%

- Ung thư là bệnh nan y, vì vậy phát hiện sớm hay muộn cũng thế thôi: 67.2%

- Ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết: 35.8%

PGS.TS Đỗ Văn Dung
Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Ninh Bình

Các tin khác