Banner chính
Thứ Ba, 16/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Một số yếu tố liên quan tới hành vi nguy cơ lây nhiễm vi rút Viêm gan C của người tham gia điều trị Methadone tại tuyến huyện, tỉnh Ninh Bình năm 2016

Thứ Ba, 23/05/2017
TÓM TẮT
Bằng nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, kết hợp nghiên cứu định lượng và định tính dựa trên số liệu nghiên cứu 274 người tham gia điều trị methadone và phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm một số đối tượng liên quan của 4 cơ sở điều trị methadone tuyến huyện thuộc tỉnh Ninh Bình năm 2016, tác giả cho thấy: đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C (HCV) cao hơn ở các nhóm: nhóm tuổi từ 30 tuổi trở lên, nhóm sống không có có vợ/chồng, nhóm thất nghiệp, nhóm nghèo, nhóm quan hệ tình dục (QHTD) với các đối tượng không phải vợ/người yêu, đặc biệt nhóm QHTD với nhiều người, với p<0,05. Đối tượng sử dụng MTTH có xu hướng ở những nhóm có thời gian sử dụng MTD lâu hơn có tỷ lệ nhiễm HCV tăng dần. Các nhóm có tỷ lệ hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HCV đó là: nhóm không đạt về kiến thức và thực hành, nhóm sử dụng ma túy tổng hợp, với p<0,05.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Viêm gan vi rút C (VGVRC) là một trong những nguyên nhân chính của bệnh lý gan trên toàn thế giới. Tần xuất nhiễm HCV khác nhau tùy quốc gia - khu vực và phân bố typ gen HCV cũng khác nhau. Diễn tiến tự nhiên của VGVRC rất đa dạng, có thể tiến triển chậm hay nhanh; ngoài yếu tố vi rút, các yếu tố di truyền của bệnh nhân, hoàn cảnh môi trường cũng ảnh hưởng đến diễn tiến tự nhiên của từng cá thể bệnh nhân.

Trên toàn thế giới số người nhiễm HCV ước tính khoảng 170 triệu (tương đương 3% dân số). Tần xuất nhiễm khác nhau tùy quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam chưa thấy công bố nào về điều tra một cách hệ thống về dịch tễ học của nhiễm HCV. Những số liệu đã công bố từ các tác giả khác nhau dựa trên các nghiên cứu các đối tượng không mang tính chất đại diện và phần lớn với số lượng hạn chế dẫn đến kết quả là tỷ lệ nhiễm HCV rất khác biệt với nhau từ 0,6% đến 6,1%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dựa vào nhiều nguồn tài liệu thì tỷ lệ nhiễm HCV của Việt Nam là <6,1%.

Tỉnh Ninh Bình, với dân số khoảng 930.000 người nhưng cũng chưa có một điều tra dịch tễ hoặc nghiên cứu bài bản nào về HCV.

Toàn tỉnh hiện có 1.780 người nghiện chích ma túy được quản lý, ước tính có khoảng 2.500 người trên thực tế. Xét về đặc điểm dịch tễ học VGVRC, đường lây truyền cũng tương tự như HIV nhưng có sự khác nhau về mức độ trong từng đường lây; sự mắc bệnh VGVRC thường âm thầm, khó chẩn đoán và kiểm soát, các phác đồ điều trị và các biện pháp dự phòng chưa thực sự được quan tâm nên tỷ lệ nhiễm HCV có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong nhóm bệnh nhân nghiện chích ma túy.

Để xác định một số yếu tố liên quan tới tỷ lệ nhiễm HCV và hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HCV của người đang tham gia điều trị methadone trong các cơ sở tuyến huyện thuộc tỉnh Ninh Bình, năm 2016, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài, nhằm mục tiêu:  Xác định một số yếu tố liên quan tới hành vi nguy cơ lây nhiễm vi rút viêm gan C của đối tượng nghiên cứu.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu:

- Hồ sơ, bệnh án của bệnh nhân đang điều trị methadone.

- Người bệnh đang điều trị methadone (từ 18 tuổi trở lên).

- Người dân trong cộng đồng, đại diện các tổ chức, ban ngành, đoàn thể tại cộng đồng và của địa bàn nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu:

- Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, kết hợp nghiên cứu định lượng và định tính.

- Cỡ mẫu nghiên cứu định lượng được tính theo công thức sau:

Trong đó:

+ α: khoảng tin cậy có thể chấp nhận, α = 5%.

+ z:  hệ số giới hạn tin cậy (1,96).

+ p: Tỷ lệ nhiễm HCV của người đang tham gia điều trị methadone tại Trung tâm HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình, năm 2015=76,3%.

+ d: độ dao động có thể của tỷ lệ, d= 0,06 (độ chính xác mong muốn).

Tính được n=  195. Thực tế số điều tra là 274.

- Phỏng vấn sâu 04 đối tượng. Thảo luận nhóm: 04 nhóm.

- Phân tích xử lý số liệu theo phương pháp thống kê y học bằng phần mềm SPSS 18.0

- So sánh tỷ lệ nghiên cứu theo kiểm định c2, T-Test.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3.1. Một số yếu tố liên quan tới tỷ lệ lây nhiễm HCV

- ĐTNC ở nhóm tuổi từ 30 tuổi trở lên có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm tuổi dưới 30 tuổi (64,7% và 46,7%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR = 2,10 (CI95%: 1,03-3,10) và p<0,05.

- Nhóm ĐTNC đang sống chung với vợ/chồng, có tỷ lệ nhiễm HCV thấp hơn các nhóm khác, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với p<0,05.

- Nhóm ĐTNC Thất nghiệp, có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn các nhóm khác (79,5% và 59,5%), với OR=2,65 (CI95%: 1,22-5,76) và p<0,01.

- Nhóm đối tượng nghèo có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm khác (68% và 52,2%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với p<0,01.

- Nhóm QHTD với đối tượng là vợ/người yêu thì tỷ nhiễm HCV thấp hơn nhóm khác. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, với p>0,05.

- Các nhóm QHTD với các đối tượng khác đều có tỷ lệ nhiễm HCV cao. Đặc biệt nhóm QHTD với nhiều người tại một thời điểm có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm khác (88% và 57%), với OR=5,53 (CI95%: 2,26-13,51) và p<0,001.

Qua kết quả nghiên cứu, chúng ta cũng có thể đặt một dấu "?" cho sự gia tăng tỷ lệ nhiễm HCV của ĐTNC, có phải chăng QHTD với nhiều đối tượng, đặc biệt là với nhiều người cùng một thời điểm mà người ta thường nói là quan hệ "bầy đàn" sau khi sử dụng ma túy đá, thuốc lắc... là một trong những lý do dẫn đến gia tăng tỷ lệ nhiễm HCV?...

Bảng 3.4 cho thấy đối tượng sử dụng MTTH có xu hướng ở những nhóm có thời gian sử dụng MTD lâu hơn có tỷ lệ nhiễm HCV tăng dần. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở nhóm đối tượng có thời gian điều trị MTD sau 12 tháng, với p<0,05.

Bảng 3.5 cho thấy, nhóm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm khác (68,4% và 55,5%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=1,74 (CI95%: 1,06-2,86) và p<0,05.

Bảng 3.6 cho thấy:

- Nhóm đối tượng đạt về kiến thức phòng, chống HCV có tỷ lệ nhiễm HCV thấp hơn nhóm khác. Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, với p>0,05.

- Nhóm đối tượng đạt về thực hành phòng, chống HCV cớ tỷ lệ nhiễm HCV thấp hơn nhóm khác (48,3% và 73,4%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=0,34 (0,20-0,56) và p<0,01.

3.2. Một số yếu tố liên quan với các hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HCV

Bảng 3.7 cho thấy, những người sử dụng MTTH ở các thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị MTD đều có tỷ lệ QHTD với nhiều người cùng một thời điểm cao hơn nhóm khác. Sự khác biệt đều có ý nghĩa thống kê, với p<0,001. Kết quả này cũng được minh chứng thêm bởi ý kiến của nhóm ĐTNC, khi thảo luận nhóm họ cho hay: "khi sử dụng ma túy đá họ thường đi theo nhóm có nam, có nữ và sau khi phê thuốc thường nẩy sinh nhu cầu QHTD và họ sinh hoạt chung mà không sử dụng bao cao su".

Bảng 3.8 cho thấy, những người sử dụng MTTH ở các thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị MTD đều có tỷ lệ sử dụng chung BKT khi TCMT cao hơn nhóm khác. Tuy nhiên sự khác biệt đều không có ý nghĩa thống kê, với p>0,05.

Bảng 3.9 cho thấy, những người sử dụng MTTH ở các thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị MTD đều có tỷ lệ đạt về kiến thức phòng, chống HCV thấp hơn nhóm khác. Tuy nhiên sự khác biệt đều không có ý nghĩa thống kê, với p>0,05.

Bảng 3.10 cho thấy, những người sử dụng MTTH ở các thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị MTD đều có tỷ lệ đạt về thực hành phòng, chống HCV thấp hơn nhóm khác. Sự khác biệt đều có ý nghĩa thống kê, với p<0,01.

- Nhóm đạt về kiến thức phòng, chống HCV có tỷ lệ sử dụng chung BKT khi TCMT ở thời điểm trước điều trị MTD trong vòng 1 tháng thấp hơn nhóm khác (44,0% và 52,9%), sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, với p>0,05.

- Nhóm đạt về thực hành phòng, chống HCV có tỷ lệ sử dụng chung BKT khi TCMT ở thời điểm trước điều trị MTD trong vòng 1 tháng thấp hơn nhóm khác (44,0% và 52,9%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với p<0,01.

Tóm lại, khi đánh giá sự liên quan của các nhóm ĐTNC đạt về kiến thức và thực hành với một số hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HCV, chúng ta thấy có sự liên quan giữa thực hành với các hành vi nguy cơ cao chặt chẽ hơn so với lý thuyết.

IV. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 274 người đang tham gia điều trị methadone và các cuộc thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu, chúng ta đưa ra một số kết luận sau:

- ĐTNC ở nhóm tuổi từ 30 tuổi trở lên có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm tuổi dưới 30 tuổi, Nhóm sống có vợ/chồng, có tỷ lệ nhiễm HCV thấp hơn, với p<0,05; Nhóm không có nghề nghiệp, có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn, với p<0,01; Nhóm nghèo có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn, với p<0,01.

- Các nhóm QHTD với các đối tượng không phải vợ/người yêu đều có tỷ lệ nhiễm HCV cao, đặc biệt nhóm QHTD với nhiều người, p<0,01.

- Đối tượng sử dụng MTTH có xu hướng ở những nhóm có thời gian sử dụng MTD lâu hơn có tỷ lệ nhiễm HCV tăng dần.

- Nhóm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm khác, với p<0,05.

- Nhóm đối tượng đạt về kiến thức phòng, chống HCV có tỷ lệ nhiễm HCV thấp hơn nhóm khác, với p>0,05; Nhóm đối tượng đạt về thực hành phòng, chống HCV cớ tỷ lệ nhiễm HCV thấp hơn nhóm khác, với p<0,01.

- Nhóm sử dụng MTTH ở các thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị MTD đều có tỷ lệ QHTD với nhiều người cùng một thời điểm cao hơn nhóm khác, với p<0,001.

- Nhóm sử dụng MTTH ở các thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị MTD đều có tỷ lệ sử dụng chung BKT khi TCMT cao hơn nhóm khác, với p>0,05.

- Các nhóm sử dụng MTTH ở các thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị MTD đều có tỷ lệ đạt về kiến thức và thực hành phòng, chống HCV thấp hơn nhóm khác (nhóm đạt về thực hành có p<0,01).

- Các nhóm đạt về kiến thức và thực hành phòng, chống HCV có tỷ lệ sử dụng chung BKT khi TCMT ở thời điểm trước điều trị MTD trong vòng 1 tháng đều thấp hơn nhóm khác (nhóm đạt về thực hành có p<0,01).

V. KHUYẾN NGHỊ

5.1. Nâng cao kiến thức và thực hành của ĐTNC về phòng, chống lây nhiễm HCV và tăng cường truyền thông thay đổi hành vi

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ĐTNC còn thiếu kiến thức và thực hành phòng, chống HCV, do vậy đề nghị ngành y tế nói riêng và toàn xã hội nói chung phải xây dựng một kế hoạch chi tiết cho chương trình phòng, chống HCV. Trước mắt là có kế hoạch và chương trình phòng, chống HCV cho đối tượng nghiện chích ma túy.

Đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HCV phần lớn nằm trong nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, HBV, do vậy chúng ta cần lồng ghép các hoạt động phòng, chống HCV vào các hoạt động phòng, chống HIV, HBV và luôn phải nhấn mạnh khái niệm HCV. Hầu hết các nghiên cứu gần đây về tỷ lệ lây nhiễm HCV đều thấy có xu hướng ngày càng tăng cao trong các đối tượng đích, do vậy vấn đề nhiêm HCV và hậu quả của nó là khôn lường.

5.2. Hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ nơn nữa đối với tệ nạn ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng.

Kết quả nghiên cứu đã góp phần minh chứng rõ nét hơn về hậu quả của vần đề sử dụng ma túy tổng hợp. Từ kết quả ban đầu trong nghiên cứu, có thể gợi ý cho chúng có một hướng nghiên cứu sâu hơn để khẳng định hậu quả của những người sử dụng MTTH trong lây nhiễm HCV.

Đỗ Văn Dung1, Hoàng Thị Hồng Hạnh2

1. Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

2. Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quyết định số 4817/QĐ-BYT, Bộ Y tế (2013) về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút C”.

2. Hoàng Đình Cảnh (2014), Đánh giá hiệu quả mô hình “Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone” tại Thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh (2009-2011), Luận án Tiến sĩ Y học, Hà Nội, Tr. 119-120.

3. Đỗ Văn Dung, Hoàng Thị Hồng Hạnh (2015), Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C và một số yếu tố liên quan của bệnh nhân đang điều trị các chất dạng thuốc phiện tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình năm 2015, Tạp chí Y học Cộng đồng, tháng 01-02/2016, số 27+28, tr. 36-43.

4. Hiệp hội Nghiên cứu bệnh gan châu Âu (EASL) về điều trị viêm gan C (2015), Hướng dẫn điều trị viêm gan C mạn tính.

5. European Association for the Study of the Liver (2011), EASL Clinical Practice Guidelines: Management of hepatitis C virus infection, Journal of Hepatology, 55, pp. 245-264.

6. Javanbakht M., Mirahmadizadeh A., Mashayekhi A., et al. (2014), The Long-Term Effectiveness of Methadone

Maintenance Treatment in Prevention of Hepatitis C Virus Among Illicit Drug Users: A Modeling Study,  Iran Red Crescent Med J., 16(2): e13484.

Các tin khác