Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Năm “bản lề” của trường nghề

Thứ Tư, 14/12/2016
Học nghề hay học đại học, làm “thầy” hay làm thợ là một câu chuyện đã có từ lâu nhưng chưa bao giờ cũ đối với nền giáo dục nước ta. Năm nay, theo đánh giá của các chuyên gia lao động, được gọi là năm “bản lề” của trường nghề. Các trường nghề khai giảng với số lượng thí sinh bằng, thậm chí là tăng so với nhiều năm trước.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi sức ép từ tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều hoặc nhiều cử nhân bằng khá nhưng vẫn làm công việc phổ thông. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, có gần 890.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển đại học, cao đẳng. Con số này chiếm 32% tổng số học sinh dự thi. Đây chính là điểm cộng giúp các trường nghề thu hút học sinh. Nếu các mùa tuyển sinh trước, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí không có học sinh đăng ký, thì năm nay tình hình đã khởi sắc. Nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ vào trường cao đẳng nghề từ tháng 8.

Từ khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được tiếp tục giao lại quản lý nhà nước về dạy nghề, công tác dạy nghề đã được phục hồi và có bước phát triển vững chắc, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội quốc gia. Từ điểm xuất phát gần như chưa có hệ thống pháp luật về dạy nghề, đến nay đã được thể chế hóa thành đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển dạy nghề; hình thành hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho đổi mới và phát triển dạy nghề. Quy mô, cơ cấu ngành nghề và mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về số lượng nhân lực của thị trường lao động và nhu cầu học nghề của người dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề ngày càng được tăng cường, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp đã có sự chuyển biến rõ rệt so với trước. Các cơ sở dạy nghề đã thực hiện đào tạo nghề cho doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp đồng dạy nghề với doanh nghiệp và thống nhất từ khâu tuyển sinh, nội dung, mục tiêu, chương trình đào tạo đến bố trí mô hình dạy nghề, tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập và tuyển dụng sau tốt nghiệp,… Chất lượng, hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về lao động có chất lượng cho các khu công nghiệp, khu kinh tế và các doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề đối với các doanh nghiệp cho thấy có 80% - 85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo, trong đó có 30% học sinh sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng nghề từ khá trở lên. Dạy nghề không chỉ bảo đảm nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, nhất là người dân thuộc nhóm yếu thế là phụ nữ, lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người nghèo; người dân ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn và thực hiện chính sách công bằng trong dạy nghề.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm học nghề vì đã có các cơ quan đại diện pháp lý bảo vệ lợi ích hợp pháp. Điều này được thể hiện rõ bởi sự khởi sắc trong năm nay khi người lao động tự tin nộp hồ sơ, học nghề và có “đầu ra” bảo đảm ổn định cuộc sống. Cụ thể như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội luôn có danh sách nhiều tập đoàn lớn, công ty sẵn sàng tuyển học sinh tốt nghiệp với vị trí việc làm tốt, mức lương tương xứng. Ông Phạm Xuân Khánh, hiệu trưởng nhà trường khẳng định trường là “nhịp cầu” nối nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và trình độ, kỹ năng của người lao động. Từ nhiều năm nay, đại diện của các khu công nghiệp, chế xuất, các tập đoàn, công ty đã liên kết với nhà trường nhận sinh viên nghề tham gia sản xuất, làm việc tại đơn vị. Nhà trường cũng có bộ phận cung ứng nguồn nhân lực, là cầu nối doanh nghiệp với người lao động, bảo đảm “đầu ra” cho 100% sinh viên học nghề tại trường. Tương tự, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cũng cam kết với sinh viên, bảo đảm 100% sẽ có việc làm phù hợp trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, mức lương khởi điểm ít nhất 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, trường đã xây dựng một mạng lưới liên kết với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các doanh nghiệp.

Có thể thấy đây là năm “bản lề” cho trường nghề bởi sự thay đổi tư duy, sự dịch chuyển từ đại học sang học nghề là rất lớn. Đại học giờ đây không phải là “cánh cửa” duy nhất, tốt nhất của học sinh bởi các em còn nhiều sự lựa chọn phù hợp thực tế hơn. Tuy nhiên, áp lực sẽ đè nặng lên vai các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Chất lượng đào tạo trong các trường cao đẳng, trung cấp nghề vì thế cũng cần tiếp tục được nâng lên.

Đào Hải

Các tin khác