Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Nâng cao trách nhiệm của trí thức và các Hội trí thức

Thứ Tư, 09/11/2022

Tri thức là sức mạnh, hầu như ngôn ngữ nào cũng có câu này. Tiếng Anh là Knowledge is power, tiếng Pháp là La connaissance est le pouvoir, tiếng Nga là Znaniye – sila, tiếng Trung Quốc là Zhīshì jiùshì lìliàng. Trí thức và các Hội trí thức là sức mạnh của mỗi quốc gia. Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã nêu rõ: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”

Tại Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Bác Hồ đã nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, đảm bảo chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Chúng ta đều biết rằng: Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khoa học là tài sản chung của toàn dân chứ không phải tài sản riêng của một nhóm người nào. Bởi vậy các cô các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giầu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô, các chú”.

Liên hiệp Hội chúng ta có đầy đủ các Hội khoa học chuyên ngành, lại có Liên hiệp Hội của 63 tỉnh và thành phố trong cả nước. Đó là một đội ngũ đông đảo lực lượng trí thức và có sức mạnh không hề nhỏ. Chúng ta đã làm được nhiều việc. Cứ nhìn vào Sách vàng Khoa học kỹ thuật mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tôn vinh hàng năm với các công trình khoa học kỹ thuật thì đủ thấy đội ngũ trí thức Việt Nam đang có những đóng góp không hề nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên mỗi Hội và mỗi trí thức chúng ta không thể bằng lòng với những thành tựu đã đạt được.

Trong cuộc Hội thảo quang trọng này, tôi muốn trao đổi một số tâm tư và nguyện vọng với các nhà khoa học và mong muốn chúng ta cùng nhau vượt qua các khó khăn để hoạt động khoa học, công nghệ có hiệu quả cao hơn nữa, thiết thực hơn nữa.

Một là, đừng để các công trình nghiên cứu trở thành các hồ sơ lưu trữ không có hiệu quả thực tế gì với đất nước. Tôi có một bài học là chỉ khi nào từ nghiên cứu đến sản xuất pilot thì mới mong có thể đưa ra sản xuất lớn. Tôi và các đồng nghiệp, như cố GS Nguyễn Hữu Thước trước đây, đã nhiều năm nghiên cứu về tảo xoắn Spirulina nhập từ nước ngoài về, nhưng từ khi chúng tôi tạo được một mô hình pilot ở Hòa Lạc thì mới được Tập đoàn Đại Việt để tâm đến. Họ đã bỏ ra một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư xây dựng hai nhà máy lớn tại Thanh Hóa và Lạng Sơn- tạo ra nguồn sản phẩm đủ sức đáp ứng cho nhu cầu của đông đảo nhân dân. Mong sao các đề tài nghiên cứu đều được hỗ trợ để các tác giả có thể đưa nghiên cứu đến được quy mô sản xuất thử, chứ không phải chỉ nghiệm thu để rồi…cất đi.

Hai là, các vấn đề quan trọng nhất thiết phải được đầu tư nghiên cứu đến nơi đến chốn. Lấy ví dụ, với dân số gần 100 triệu dân không có lý do gì cho đến nay ta không sản xuất được 1 gram nào chất kháng sinh và vitamin, và vẫn phải bỏ ngoại tệ ra nhập một khối lượng lớn hàng năm. Tôi nói đến việc sản xuất chứ không phải bào chế từ dược liệu nhập từ nước ngoài về. Hiện nay chúng ta nhập hàng năm trên 100 nghìn tấn thuốc trừ sâu hóa học rất độc hại để phun khắp ruộng đồng và kết quả là tỷ lệ người mắc bệnh ung thư đang cao vào loại nhất thế giới (!). Chúng tôi đã thu thập được các chủng vi sinh vật đang được dùng làm thuốc trừ sâu sinh học trên thế giới, nhưng nếu không có sự tiếp tay của doanh nghiệp thì chắc nghiên cứu chỉ có thể dừng lại trên các báo cáo khoa học mà thôi.

Ba là, các nhà khoa học phải có trách nhiệm với sự nghiệp của ngành giáo dục. Ai cũng biết giáo dục là quốc sách, vậy mà lâu nay ngành được các đại biểu quốc hội quan tâm nhiều nhất vẫn là giáo dục. Tôi nhận thấy cách tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục chính là nâng cao chất lượng giảng dạy cho các giáo viên đang đứng lớp. Chúng tôi đã biên sọan cuốn sách Khoa học về sự sống theo chương trình sách giáo khoa nhưng sâu hơn nhiều lần, để tiếp sức thiết thực cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn này. Tôi thiết tha mong mỗi Hội khoa học chuyên ngành đều biên soạn những cuốn sách tham khảo tương tự. Đó là cống hiến thiết thực của chúng ta cho sự nghiệp giáo dục.

Bốn là, hãy quan tâm nhiều hơn cho nông nghiệp vì nước ta là nước nông nghiệp, với đa số nhân dân là nông dân. Một chuyện ai cũng biết là bỗng nhiên mất bóng bèo hoa dâu trên đồng ruộng cả nước. Trước đây trên miền Bắc bèo hoa dâu đóng góp vai trò quan trọng trong vụ lúa đông xuân. Dân gian có câu Đông Xuân không có bèo dâu, khác nào như thể ăn trầu không vôi. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học thế giới đồng ý để đồng chí Phạm Tuân đưa bèo hoa dâu lên vũ trụ. Các nhà khoa học Đức đã giúp các nhà khoa học Việt Nam tạo trang thiết bị để có thể theo dõi sự tồn tại và hoạt động quang hợp của bèo hoa dâu trong vũ trụ. Gần đây có một cuốn sách nhấn mạnh vai trò của bèo hoa dâu trong các hành trình du hành vũ trụ dài ngày (vì khả năng quang hợp và cố định nitrogen của bèo hoa dâu). Tiến sĩ Phạm Gia Minh đang dịch cuốn sách này.

Năm là, không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cuộc cách mạng thay đổi cả thế giới và tác động đến cuộc sống của mọi người. Chúng ta đã và đang làm gì để đáp ứng với cuộc cách mạng này. Công nghệ sinh học và Công nghệ nano gắn liền với cuộc cách mạng này, vậy chúng ta đã và sẽ làm gì để thúc đẩy các ngành khoa học này. Bản thân tôi chỉ có thể góp phần nhỏ bé là biên soạn sắp xong cuốn Từ điển Công nghệ sinh học Anh Việt. Vấn đề thanh toán chất dèo dùng một lần đang là trào lưu của cả thế giới, trong khi đó chúng ta đang có một doanh nghiệp (Công ty An Phát) đã sản xuất được các sản phẩm chất dẻo tự phân hủy nhưng sản phẩm hầu hết chỉ được bán ra nước ngoài mà không được hưởng ứng tiêu thụ ở Việt nam. Chất dẻo đang chứa đầy trong các bãi rác mà nếu đốt sẽ sinh ra dioxin rất độc hại, còn nếu cứ thải xuống biển thì thật nguy hiểm lâu dài.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng
Hội các ngành Sinh học Việt Nam

Các tin khác